Tính đến sáng nay, Việt Nam vẫn ghi nhận 1.010 ca mắc Covid-19, trong đó, có 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17-8 đến nay, đã sang ngày thứ 52, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.250 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Việt Nam đã chữa khỏi 1.023 /1.099 bệnh nhân Covid-19, nước ta không còn trường hợp bệnh nhân Covid-19 nào nặng.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là năm ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là tám ca, số ca âm tính lần 3 là năm ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có bốn nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19.
Trong đó, có hai nhà sản xuất tiềm năng gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang với công nghệ phôi trứng gà và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen với công nghệ tái tổ hợp.
Hiện hai vaccine trên đang ở giai đoạn test thử thách, tức là tạo ra một vắc xin hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với SARS-CoV-2 để thử thách hiệu quả bảo vệ.
Hiện tại, IVAC đã chuyển vaccine cho phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ để test. Nanogen đang test thử thách vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này gửi mẫu test qua phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc để thử thách song song.
Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine ngay lập tức. Như vậy, trong một năm tới, Việt Nam dự kiến hoàn thành 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vaccine.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định. Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.
Tính đến đầu tháng 10, đã có 82 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19. Trong 82 đơn vị, miền nam chiếm số lượng đông nhất là 37, miền bắc là 36, miền trung có bảy đơn vị và Tây Nguyên là hai đơn vị.
Tại Kỳ họp trực tuyến lần thứ 71 Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (RCM-71) về Covid-19 và các vấn đề ưu tiên khác trong khu vực, GS, TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Y tế cho biết, đội ngũ WHO tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam qua hỗ trợ kỹ thuật ở các lĩnh vực trọng yếu gồm chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế công.
Đại dịch sẽ còn tiếp diễn, chúng ta phải “sống chung với Covid-19” và kiểm soát dịch. Việt Nam hy vọng WHO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật trong đó có kiến thức mới và kết quả khoa học cập nhật về virus, dịch bệnh và công cụ ứng phó. Việt Nam cũng hy vọng WHO sẽ đóng vai trò tại khu vực và toàn cầu trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19.