Chiều 11/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam cho hay, ngay sau bão số 3, trong ngày 9 và 10/9, Viện Y học Biển Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị cho 7 bệnh nhân với cùng nguyên nhân chẩn đoán là ngộ độc khí CO với cùng nguyên nhân do sử dụng máy phát điện trong không gian kín.
Các bệnh nhân được Viện Y học Biển điều trị khẩn trương bằng phương pháp hồi sức kết hợp với oxy cao áp theo phác đồ VINIMAM 4 do chính Viện Y học Biển nghiên cứu và triển khai ứng dụng.
Điều trị bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong buồng oxy cao áp tại Viện Y học Biển Việt Nam. |
Đến chiều 11/9, sức khỏe của các bệnh nhân đã được cải thiện, chỉ số sinh tồn tốt và thể trạng đang phục hồi; trong đó có trường hợp bệnh nhân nhi bị nặng, hôn mê cũng đã tỉnh táo, bước đầu nhận biết được người thân.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam, những người bị ngộ độc khí CO thường khiến tế bào não bị tổn thương, dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời.
Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam chia sẻ, nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Các y bác sĩ Viện Y học Biển xử trí các trường hợp cấp cứu do ngộ độc khí CO. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam cũng khuyến cáo, người dân cần hết sức cẩn trọng trong với ngộ độc khí CO khi sử dụng máy phát điện chạy xăng; nhất là trong thời điểm người dân các địa phương phía bắc sử dụng máy phát điện nhiều do bị mất điện bởi chịu ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ…
Trước đó, sáng 9/9, Viện Y học Biển Việt Nam đã tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân ngộ độc khí CO với cùng một nguyên nhân do sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng.
Viện Y học biển Việt Nam - hơn 20 năm đi đầu chăm lo sức khỏe lao động và nhân dân biển đảo
Trong đó, 3 trường hợp được chuyển đến từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) và 1 trường hợp được chuyển tuyến từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Trong ngày 10/9, Viện Y học Biển Việt Nam lại tiếp nhận thêm 3 trường hợp ngộ độc khí CO đến từ tỉnh Hải Dương, trong đó có bệnh nhân nhi mới 18 tháng tuổi.
Theo xác minh ban đầu, các trường hợp này được chẩn đoán ngộ độc CO với cùng một nguyên nhân do sử dụng máy phát điện chạy bằng xăng trong nhà có không gian kín.
Xử trí các ca ngộ độc khí CO tại Viện Y học Biển Việt Nam. |
Thậm chí, có trường hợp máy phát điện để tầng 1, người ngủ trong phòng kín tại tầng 3, khi ngủ qua đêm đến sáng đã trong trạng thái bất tỉnh, gọi không trả lời.
Trong đó, 2 trong số 3 trường hợp bệnh nhân tiếp nhận từ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) chuyển sang, khi chuyển đến Viện Y học Biển trong tình trạng hôn mê sâu (Glasgow 8 điểm), đã được xử trí đặt ống nội khí quản cấp cứu và thở qua bóp bóng nội khí quản; xét nghiệm khí máu có nồng độ HbCo > 10%....
Trường hợp bệnh nhân nhi ở huyện Vĩnh Bảo được chuyển từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng sang cũng bị ngộ độc khí CO do gia đình sử dụng máy phát điện để trong nhà từ nửa đêm đến 3 giờ sáng ngày 9/9. Khi đó, gia đình thấy trẻ có biểu hiện lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng nên đã đưa trẻ đi cấp cứu…
Khi bệnh nhân được chuyển đến Viện Y học Biển trong tình trạng còn lơ mơ (Glasgow 10 điểm), có lúc kích thích căng cứng cơ toàn thân…
Vận hành buồng oxy cao áp điều trị các ca ngộ độc khí CO. |
Viện Y học Biển đã hội chẩn với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn - Chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y học dưới nước và oxy cao áp, các bệnh nhân được chỉ định cho điều trị bằng phương pháp hồi sức cao áp (Hồi sức kết hợp với oxy cao áp) theo phác đồ VINIMAM 4 của Viện Y học Biển Việt Nam nghiên cứu.
Các bệnh nhân được xử trí trong buồng oxy cao áp, truyền dịch, bù điện giải, nước và thuốc chống co giật kết hợp với oxy cao áp (OXCA), tình trạng các bệnh nhân cải thiện rõ rệt và đang phục hồi tốt.
Carbon monoxide (CO) là một chất khí không mùi, không vị, không màu, được hình thành do quá trình đốt cháy hydrocacbon không hoàn toàn. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể nhưng qua các phương tiện truyền thông và các cơ sở y tế ngộ độc CO gặp khá nhiều.
Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời.
Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển Việt Nam
Thời điểm sau cơn bão số 3 hoành hành gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt.
Các bệnh nhân điều trị trong buồng oxy cao áp. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Quỳnh Chi khuyến cáo người dân sử dụng máy phát điện nên để ở phòng có luồng không khí lưu thông để khí thải thoát ra ngoài, không để trong phòng kín, hoặc máy phát điện nên để riêng biệt với khu phòng ở.
Ngộ độc CO có nguy cơ xảy ra ở bất kỳ nơi nào (kể cả là ở gia đình hay tại nơi làm việc), do đó ngoài những vấn đề bảo đảm an toàn lao động, sự hiểu biết của cộng đồng trong việc phòng tránh ngộ độc và xử trí cấp cứu ban đầu đúng cách thì nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có trang thiết bị oxy cao áp với các bác sĩ chuyên ngành có kiến thức chuyên sâu về cấp cứu điều trị chống độc là vô cùng quan trọng.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO với các dấu hiệu như buồn nôn, nhức đầu, yếu người, khó thở, tinh thần lơ mơ, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà; đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Liệu pháp oxy cao áp là phương pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc khí CO, đặc biệt là những trường hợp ngộ độc khí nặng.
Việc điều trị kịp thời bằng liệu pháp oxy cao áp sẽ cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tối đa những di chứng tâm thần kinh muộn sau này.
Viện Y học Biển Việt Nam