Việc làm là chỗ dựa cho người khuyết tật

Để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, các ban ngành, tổ chức xã hội đã nỗ lực kết nối tạo việc làm cho người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Hồng Hà được tư vấn, giới thiệu về các vị trí tuyển dụng.
Anh Nguyễn Hồng Hà được tư vấn, giới thiệu về các vị trí tuyển dụng.

Mong có việc làm ổn định

Anh Nguyễn Hồng Hà (SN 2003, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa tốt nghiệp khóa Sơ cấp nghề lĩnh vực công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, được giới thiệu về phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

Anh Nguyễn Hồng Hà cho biết, bản thân gặp khó khăn trong việc đi lại, đã nhờ bố chở đến phiên giao dịch việc làm với hy vọng tìm được một công việc ít phải di chuyển, liên quan tới máy tính, photoshop, lương từ 5-7 triệu đồng. "Tôi được Trung tâm giới thiệu một số vị trí việc làm không chỉ đơn vị của người khuyết tật mà cả doanh nghiệp khác đang có nhu cầu tuyển. Tuy nhiên, tôi phải tìm hiểu kỹ về điều kiện làm việc để phù hợp với sức khoẻ", anh Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

Trong khi đó, chị Thái Thị Hà (sinh năm 1979), bị khiếm thính, mong tìm được một công việc có thu nhập khoảng 4 triệu đồng. “Điều tôi mong muốn là một công việc gần nhà, có chút thu nhập, đi làm cho khuây khỏa”, người phụ nữ từng làm giúp việc gia đình, tạp vụ, chia sẻ.

Việc làm là chỗ dựa cho người khuyết tật ảnh 1

Một số sản phẩm của người khuyết tật được giới thiệu trong một chương trình xúc tiến thương mại.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, cán bộ dự án của Angles' Haven (một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc hỗ trợ người khuyết tật có thêm kỹ năng nghề nghiệp để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm với các khóa học, thực tập tại các doanh nghiệp) đánh giá, việc làm có ý nghĩa quan trọng với người khuyết tật, vừa có thu nhập, vừa vươn lên trong cuộc sống, quan trọng là họ vượt qua được sự tự ti.

Ông Nguyễn Kim Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đợt này kỳ vọng có thể thu hút thêm từ 5-10 nhân sự đáp ứng cho hoạt động sản xuất cuối năm. Các ứng viên có thể là người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ.

Được biết, doanh nghiệp của ông Khôi đang tiếp nhận dạy nghề may, tạo việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật. Lao động đến đây không chỉ được tạo việc làm mà còn được dạy nghề may cờ; được hỗ trợ học nghề, ăn, ở miễn phí và được hỗ trợ 500.000 đồng/1 người/tháng. Sau học nghề, thu nhập của người lao động có thể đạt 5-8 triệu đồng/ tháng, chưa kể tăng ca.

Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội cho biết, hiện địa bàn thành phố có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó trên 30.000 người có khả năng lao động.

Nhiều người khuyết tật cần cù, khéo léo, có nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân. Họ luôn mong muốn có việc làm phù hợp, duy trì thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho xã hội.

Đồng tình quan điểm này, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội khẳng định: "Có việc làm, người khuyết tật không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập. Việc làm cho người khuyết tật chính là con đường bền vững giúp họ thực sự hòa nhập cộng đồng".

Tạo môi trường phù hợp

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, quá trình tư vấn, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật còn gặp khó khăn, bởi điều kiện cần là doanh nghiệp phải có những môi trường làm việc phù hợp với nhóm lao động này.

“Trung tâm đã tư vấn cho doanh nghiệp tạo môi trường, vị trí việc làm phù hợp, gắn kết cho người lao động khuyết tật. Từ nay đến cuối năm, người lao động khuyết tật có khả năng tìm được công việc phù hợp bởi các doanh nghiệp đang có nhu cầu", ông Vũ Quang Thành cho biết.

Tiến sĩ Võ Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp có mong muốn tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc nhưng chưa có tổ chức đồng hành để xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả. Bà Yến cho rằng, để làm được điều này, các doanh nghiệp nên kết hợp với các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật, vì không ai hiểu rõ người khuyết tật bằng chính họ.

Theo ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ (Bộ LĐTBXH), những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật người khuyết tật và các Luật chuyên ngành như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật giao thông, Luật trợ giúp pháp lý...

Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2019 phê chuẩn Công ước159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm;

Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn; nhiều người khuyết tật sống ở vùng sâu, vùng xa nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.

"Hàng năm có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng trên 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi. Dù vậy, số lượng được tạo việc làm vẫn còn thấp, do đó rất cần sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp...", ông Tô Đức chia sẻ.

Năm 1982, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 3/12 hàng năm là Ngày quốc tế người khuyết tật nhằm cổ vũ, thúc đẩy, kêu gọi thế giới hướng về những người thiệt thòi, khó khăn do tình trạng khuyết tật và cùng chung tay cho mục tiêu “một xã hội không rào cản. Hàng năm, các Ban, Bộ, Ngành và địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động, hết sức ý nghĩa, thiết thực, nhân văn dịp Ngày Quốc tế về người khuyết tật.