Vì sao lúa đông - xuân ở Quảng Ngãi bị mất mùa ?

Ðến thời điểm này, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi chưa thể đánh giá chính xác về năng suất và khả năng mất mùa trong vụ lúa đông xuân năm nay. Tuy nhiên, qua báo cáo bước đầu của ngành cho thấy, nhiều địa phương trong tỉnh thu hoạch lúa đông xuân đạt năng suất thấp (có nơi chỉ đạt từ 10 - 15 tạ/ha). Toàn tỉnh đã gieo sạ trên 36.700 ha lúa thì hiện đã thu hoạch khoảng gần một phần hai diện tích, trong đó có gần 7.000 ha lúa bị mất trắng. Các huyện có diện tích lúa bị mất mùa nặng là: Ðức Phổ hơn 800 ha, Bình Sơn hơn 1.000 ha, Sơn Tịnh 950 ha và huyện Nghĩa Hành gần 300 ha... Con số thiệt hại do mất mùa trong vụ lúa đông xuân năm nay sẽ còn cao gấp nhiều lần, vì trong thời điểm hiện nay các địa phương đang tiếp tục thu hoạch lúa và chưa thống kê số liệu đầy đủ về năng suất, sản lượng cũng như mức độ đầu tư của nông dân.

Ði cùng đoàn công tác của tỉnh về kiểm tra vụ lúa đông xuân, chúng tôi thấy từng vạt lúa bông trắng không hạt đứng trơ giữa đồng thật xót xa. Nhiều hộ nông dân ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa đều có chung tâm trạng lo lắng về một vụ lúa mất mùa. Hàng trăm ha lúa không hạt ở các địa phương đang bị khô cháy. Một số bà con ở HTX nông nghiệp Phổ Ninh 1 (huyện Ðức Phổ) đang gặt lúa cho biết, chưa năm nào mất mùa lúa như vụ đông xuân năm nay. Nhiều gia đình làm ruộng đang khốn đốn vì lúa không hạt. Có gia đình làm bốn sào ruộng, nhưng chỉ thu hoạch được năm bao lúa (loại bao 50 kg). Còn chị Phạm Thị Phúc, cũng ở HTX này, thì than thở:  Gia đình em vụ rồi làm năm sào ruộng cũng gieo sạ các giống lúa KD18, DV108, đã thu hoạch hơn 30 bao thóc, còn vụ đông xuân này thì cũng sản xuất giống lúa đó nhưng chỉ gặt được 30kg/sào. Mất mùa lúa chắc chắn, không những gia đình em gặp khó khăn mà nhiều gia đình nông dân ở đây cũng sẽ bị đói giáp hạt.    

Về huyện Mộ Ðức, nơi được coi là vựa lúa của tỉnh cũng bị mất mùa nặng. Toàn huyện gieo sạ 4.840 ha lúa đông xuân, nhưng toàn bộ diện tích lúa trà đầu đã thu hoạch gần như bị mất trắng và lúa trà giữa mất khoảng 30% diện tích. Ði kiểm tra những cánh đồng lúa ở HTX nông nghiệp Tú Sơn 1 và Tú Sơn 2 thuộc xã Ðức Lân (Mộ Ðức), chúng tôi thấy nhiều ruộng lúa không hạt, bà con nông dân đang cắt về làm thức ăn cho bò. Còn trên cánh đồng Ðức Phú, Ðức Thạnh, Ðức Phong, Ðức Chánh, nông dân đã thu hoạch hàng nghìn ha, nhưng năng suất lúa chỉ đạt từ 20 - 50 kg/sào. Chị Nguyễn Thị Sen ở HTX nông nghiệp Tú Sơn 2 cho biết: Nhà chỉ có chị là lao động chính, nhờ làm mấy sào ruộng lúa để nuôi mẹ già và ba con nhỏ, nhưng vụ lúa này mất trắng, chắc chắn năm nay gia đình sẽ thiếu ăn. Bà con ở đây từ trước đến giờ chỉ nhờ vào hạt thóc, con lợn, đàn vịt để sống nhưng bây giờ thì lúa mất mùa, lợn bị bệnh, vịt chết đàn, giá cả leo thang từng ngày, coi như nông dân chúng tôi gặp "họa" rồi...

Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề lúa không hạt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộ Ðức Nguyễn Xuân Thủy cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay ở đây mất mùa đã rõ. Nhiều diện tích lúa không hạt, nông dân buộc phải cắt về làm thức ăn cho bò. Ðây là thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp. Một mặt, huyện chúng tôi năm nay sẽ không đạt chỉ tiêu về sản lượng lương thực. Mặt khác, hàng nghìn hộ nông dân phải chịu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhiều bà con bây giờ không có tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu và giống để chuẩn bị sản xuất vụ hè thu tới... 

Trước tình hình sản xuất lúa đông xuân mất mùa, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại và tìm ra nguyên nhân lúa trổ không hạt dẫn đến mất mùa. Thực tế cho thấy, ở một số địa phương có diện tích lúa mất trắng hoàn toàn là do thời tiết lạnh kéo dài, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, trổ bông của cây lúa. Nhiều địa phương trong tỉnh còn chủ quan, chưa thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo về cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân. Qua kiểm tra sơ bộ của ngành nông nghiệp cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn ha lúa đông xuân sử dụng giống sai cơ cấu và gieo sạ trước lịch thời vụ, cho nên lúa trổ gặp lạnh dẫn đến mất mùa. Trước mắt, các huyện hỗ trợ giống (chủ yếu giống ngô, rau đậu) cho nông dân để có điều kiện sản xuất bù vào phần lương thực bị thiếu hụt. Ðối với những hộ nông dân không có khả năng tái sản xuất, đời sống bấp bênh có thể dẫn đến đói giáp hạt thì địa phương lập danh sách đề nghị tỉnh trợ giúp lương thực, bảo đảm ổn định đời sống cho nông dân trong vùng.

Có thể bạn quan tâm