Vì sao giá vé máy bay tăng, các hãng hàng không vẫn kêu khó

NDO - Giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo mặc dù vậy các hãng hàng không đang phải đối mặt với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Vì sao giá vé máy bay tăng, các hãng hàng không vẫn kêu khó

Đây là một trong những chủ đề nóng được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Hàng không-du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 12/6, tại Hà Nội.

Nhiều chi phí tăng cao kéo theo giá vé máy bay tăng cao

Theo nghiên cứu, đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so với thời điểm trước. Với tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, những thay đổi về tính bền vững, tình hình nâng cấp đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, vấn đề thiết hụt nhân lực, giá phục vụ tại các cảng hàng không… như hiện nay, dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Chia sẻ tại hội thảo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines cho rằng thực tế, giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu do chịu tác động bởi nhiều nguyên nhân như giá nguyên liệu, tình hình lạm phát và mất giá đồng tiền, tình trạng khan hiếm tàu bay toàn cầu ảnh hưởng đến giá thuê tàu bay…

“Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, tỷ lệ giá vé cao chủ yếu rơi vào các ngày cao điểm trong dịp nghỉ lễ hoặc các khung giờ đẹp, ngày đẹp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Trong thời gian hiện tại, hành khách vẫn có thể lựa chọn các mức giá thấp, hợp lý khi chọn lựa các chuyến bay tránh dịp cao điểm, ngày, giờ cao điểm”, ông Trung chia sẻ.

Vì sao giá vé máy bay tăng, các hãng hàng không vẫn kêu khó ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển Vietnam Airlines chia sẻ tại Hội thảo.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) nhận định: Giai đoạn vừa qua, trước các biến động kinh tế-chính trị quốc tế và việc nhà sản xuất triệu hồi sửa chữa động cơ, ngành hàng không thế giới và Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi các chi phí đầu vào tăng mạnh. Đáng chú ý nhất gồm chi phí nhiên liệu, thuê động cơ, bảo dưỡng máy bay hay biến động của tỷ giá và tắc nghẽn hạ tầng sân bay... Cụ thể, giá nhiên liệu hiện neo cao ở mức trên 100 USD/thùng. Dự báo chi phí vận tải hàng không của Vietnam Airlines trong cả năm 2024 sẽ tăng thêm 5.527 tỷ VND so với năm 2019 vì giá nhiên liệu cao.

Bên cạnh đó, tỷ giá biến động bất lợi trong khi nhiều chi phí của hãng được thanh toán bằng USD và bằng đồng bản tệ tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo đó, trên góc độ tỷ giá chi phí vận tải hàng không của Vietnam Airlines trong cả năm 2024 sẽ tăng thêm 4.729 tỷ VND so với năm 2019.

Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Mặt khác, giá thuê động cơ máy bay năm 2024 tăng gấp 2 lần so với năm 2019 (động cơ máy bay Airbus A321 có giá thuê 48-50 nghìn USD/tháng vào năm 2019, đã tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng vào năm 2024; động cơ máy bay Boeing 787: 160 nghìn USD/tháng năm 2022 tăng lên 370 nghìn USD/tháng vào năm 2024). Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13%.

“Thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài hơn gấp đôi: Năm 2019 mất khoảng 75 ngày thì hiện nay mất 140-160 ngày. Có những trường hợp đặc biệt lên đến 1 năm. Điều này làm thiệt hại doanh thu vì máy bay phải nằm đất kéo dài. Tình trạng tắc nghẽn không lưu, mặt đất tại các sân bay lớn trong mùa cao điểm làm thời gian bay kéo dài hơn kế hoạch, gây phát sinh chi phí. Đáng chú ý, các hãng hàng không nước ngoài liên tục mở mới, tăng tần suất trên các đường bay dài, đặc biệt là các hãng Trung Quốc, dẫn đến cạnh tranh cửa ngõ gia tăng", Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam phân tích thêm.

Trong khi đó việc các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia liên tục có các chính sách miễn visa, giảm lệ phí hoặc kéo dài thời gian lưu trú cũng gia tăng tình trạng cạnh tranh điểm đến.

Các giải pháp giúp ngành hàng không vượt khó

Chia sẻ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, từ nhiều năm qua Vietnam Airlines đã thực hiện chiến lược nâng tầm dịch vụ, hướng tới tiêu chuẩn 5 sao quốc tế. Hãng đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp đội tàu bay, mở rộng mạng đường bay, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho hành khách.

“Thông qua nâng tầm chất lượng dịch vụ, các hãng bay có thể thu hút ngày càng nhiều khách hàng yêu cầu chất lượng tốt với khả năng chi tiêu cao. Qua đó, làm tăng trưởng hiệu quả doanh thu và lợi nhuận không chỉ cho hàng không, mà còn lan tỏa ra toàn ngành du lịch”, ông Trung nói.

Trong bối cảnh thị trường và môi trường còn nhiều khó khăn, các nỗ lực của ngành hàng không trong thời gian qua đã góp phần trọng yếu trong việc phục hồi hoàn toàn khách quốc tế đến, bảo đảm năng lực cạnh tranh điểm đến của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Trung với tiềm năng du lịch của Việt Nam, các con số về lượng khách du lịch và tốc độ phát triển của ngành du lịch trong nước còn có thể ấn tượng hơn nếu việc hợp tác giữa 2 ngành hàng không và du lịch được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Vì sao giá vé máy bay tăng, các hãng hàng không vẫn kêu khó ảnh 2

Ông Hoàng Nhân Chính Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề xuất các giải pháp giảm chi phí cho các hãng hàng không.

Đề xuất những giải pháp nhằm giảm chi phí cho các hãng hàng không trong bối cảnh các chi phí đầu vào đang tăng cao, tạo điều kiện cho các hãng hàng không giảm mặt bằng giá vé, hỗ trợ việc kích thích du lịch, ông Hoàng Nhân Chính Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề nghị bỏ quy định về giá trần, xem xét lại cơ chế giá trần vé máy bay nội địa đang áp dụng tại Việt Nam để thị trường quyết định giá vé máy bay nội địa theo quy luật cung cầu, có sự quản lý, điều tiết theo Luật Cạnh tranh.

Trước mắt, áp dụng giá trần linh hoạt theo giá xăng dầu. Trường hợp Bộ Giao thông vận tải chưa áp dụng bỏ quy định về giá trần thì áp dụng giá trần theo biến động các chi phí đầu vào của hàng không, đặc biệt là giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới. Điều này sẽ cho phép việc đầu tư, thành lập hãng hàng không thuận lợi và cạnh tranh trên thị trường hàng không bình đẳng hơn so với hiện nay. Qua đó, tăng năng lực cạnh tranh và công suất bay của các hãng hàng không.

Về vấn đề hỗ trợ chính sách thuế, phí và giá, ông Chính kiến nghị: “Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, miễn mức thuế 7% nhập khẩu xăng dầu đối với các chuyến bay nội địa, áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định”.