Vì sao diễn biến dịch bệnh tại Nhật Bản trái ngược với nhiều quốc gia châu Á?

NDO -

Trong khi số ca mắc Covid-19 tại nhiều khu vực ở châu Á tiếp tục tăng mạnh, con số này tại Nhật Bản lại đang giảm đáng kể.

Người dân đeo khẩu trang khi đi vào phố mua sắm Ameyoko tại thủ đô Tokyo, tháng 12/2021. (Ảnh: Reuters)
Người dân đeo khẩu trang khi đi vào phố mua sắm Ameyoko tại thủ đô Tokyo, tháng 12/2021. (Ảnh: Reuters)

Số ca nhiễm mới tính theo ngày tại Nhật Bản đã giảm xuống còn chưa đầy 1 ca/1 triệu người, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn trừ Trung Quốc. Số ca tử vong do Covid-19 tại "đất nước mặt trời mọc" cũng về mức gần bằng 0 trong những ngày gần đây.

Có độ phủ vaccine tương đương Nhật Bản song Hàn Quốc đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục. Số ca bệnh vẫn duy trì đà tăng tại Singapore và tăng trở lại tại Australia trong bối cảnh 2 quốc gia này đang nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đi lại.

Một giả thuyết mới được đưa ra nhằm giải thích sự khác biệt trong diễn biến dịch bệnh tại Nhật Bản và các quốc gia khác tại châu Á là loại virus chủ đạo tại Nhật Bản đã tiến hóa theo cách làm giảm khả năng tái tạo của nó.

Giáo sư Ituro Inoue (Viện Di truyền quốc gia Nhật Bản) cho rằng một biến thể phụ của Delta, được gọi là AY.29, hiện có thể mang lại một số khả năng miễn dịch cho cộng đồng.

"Tôi nghĩ rằng AY.29 đang bảo vệ chúng ta khỏi các chủng khác. Nhưng tôi không chắc chắn 100%", Giáo sư Ituro Inoue nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nghiên cứu của ông vẫn chỉ là lý thuyết.

Giáo sư Paul Griffin (Đại học Queensland, Australia) cho rằng sự khác biệt trong số ca nhiễm của các quốc gia là kết quả của sự kết hợp phức tạp giữa yếu tố thời tiết, mật độ dân số và các chiến lược khác nhau để chống lại đại dịch Covid-19.

"Chúng ta cần cố gắng và học hỏi từ các quốc gia khác, nhưng chúng ta không nên cho rằng các quốc gia đều có trải nghiệm giống nhau vì vẫn còn nhiều biến số", chuyên gia của Australia khuyến nghị. 

Ông Griffin nói thêm: "Một số quốc gia đang sử dụng các chiến lược khác ngoài biện pháp tiêm chủng để kiểm soát sự lây lan, đó là các biện pháp đơn giản như vệ sinh tay, giãn cách xã hội và sử dụng khẩu trang, theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện".

Nhật Bản chưa bao giờ phong tỏa đất nước tương tự cách mà nhiều quốc gia đã làm, nhưng nước này cũng chưa bao giờ từ bỏ việc yêu cầu người dân phải thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch nhất định, cũng như triển khai kiểm soát biên giới trước khi bắt đầu chương trình tiêm chủng. 

Ông Kazuaki Jindai - nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku - cho biết: "Đeo khẩu trang và bảo đảm vệ sinh cá nhân vẫn được giữ nguyên và có vai trò quan trọng. Vaccine là một khía cạnh quan trọng của việc phòng ngừa nhưng không phải là cách giải quyết dễ dàng và nhanh chóng nhất".

Ngay cả khi tính đến yếu tố vaccine và khẩu trang, một số ý kiến cho rằng tốc độ giảm các ca nhiễm ở Nhật Bản còn nằm ở vấn đề thời gian. Việc Nhật Bản bắt đầu tiêm phòng muộn có nghĩa là hiệu lực của vaccine vẫn còn mạnh. Một nguyên nhân khác có thể liên quan đến xu hướng theo mùa, theo đó virus có xu hướng phát triển và giảm trong khoảng thời gian 2 tháng.

Tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã ra lệnh đóng cửa biên giới để ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập và lây lan. Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 4 ca nhiễm biến chủng này.

Dù nguyên nhân khiến số ca mắc tại Nhật Bản giảm là gì, Thủ tướng Fumio cho rằng việc quan trọng là chuẩn bị ứng phó với kịch bản tồi tệ nhất. Nước này đã bắt đầu tiêm liều tăng cường từ tuần trước. Chính phủ cũng đã tăng công suất cho các bệnh viện thêm hơn 30% kể từ khi một số người bệnh tử vong tại nhà trong thời gian làn sóng thứ năm bùng phát hồi tháng 8 vừa qua. 

Nhà nghiên cứu Jindai hoan nghênh sự chuẩn bị của Chính phủ Nhật Bản, song ông vẫn lo lắng về cách các biện pháp sẽ được triển khai và liệu Nhật Bản có thể tăng cường quản lý dữ liệu về chăm sóc sức khỏe hay không.

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới