Xét chuyển vùng cho giáo viên huyện Mường Nhé:

Vì sao chậm trễ?

NDO -

Đó là câu hỏi khiến không chỉ người trong ngành mà dư luận cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) nói chung đang hết sức quan tâm. 

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trần Văn Thọ - nơi có giáo viên đang chờ được chuyển vùng nhưng vướng Thông báo 460 của Ban Thường vụ Huyện ủy.
Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trần Văn Thọ - nơi có giáo viên đang chờ được chuyển vùng nhưng vướng Thông báo 460 của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn cụ thể của Sở Nội vụ Điện Biên về việc chuyển vùng đối với viên chức sự nghiệp giáo dục thì rất nhiều giáo viên huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đủ điều kiện chuyển vùng theo nguyện vọng, song vì chờ huyện “rà soát tổng thể biên chế” nên hàng chục lá đơn của giáo viên Mường Nhé đang phải xếp góc… đợi chờ!

Những nguyện vọng thiết tha…

Gấp lại những lá đơn xin chuyển công tác của 14 thầy, cô giáo đang công tác tại các trường thuộc huyện biên giới Mường Nhé, tôi như bị ám ảnh bởi hoàn cảnh khó khăn riêng của mỗi người. 14 lá đơn là 14 hoàn cảnh của những người từ nhiều miền quê song vì cuộc sống, vì sự nghiệp giáo dục vùng khó mà họ đã trụ lại và cống hiến, trong khi không ít bạn bè cùng khóa học chỉ một lần đặt chân đến Mường Nhé đã quay bước trở về. Mường Nhé, vùng đất đâu chỉ xa xôi cách trở mà còn gian khó nhiều bề, mà bao bài viết trên các trang báo hay mỗi cuốn nhật ký làm sao ghi hết những gian khó và nỗi niềm riêng.

Gian khó nhiều vô kể song những người ở lại làm nghề dạy chữ như: cô giáo B.T.S. ở Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trần Văn Thọ; cô N.T.D. Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Quảng Lâm số 1; thầy giáo T.V.T. Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Vì… vẫn không quản ngại. Sau mỗi buổi lên lớp, những người như cô S., thầy T., cô D. lại chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho học trò tuổi lên 7, lên 10. Trong khi ở quê xa cách gần nghìn cây số, con thơ của họ khóc ngặt vì thèm hơi mẹ và nhớ cha. Không ít người nghe tin cha mẹ già đau ốm, chỉ biết “khóc thầm” vì chữ hiếu nặng trĩu ở trong tim.

Đằng đẵng mấy nghìn ngày trên biên giới, cô S., thầy T… lấy công việc để quên đi gian khó và quên đi bao nỗi nhớ thương đè nén trong lòng. Với họ, các danh hiệu như: Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh… cũng phần nào động viên rất nhiều “song không vui bằng nụ cười hồn nhiên con trẻ” mà cả nghìn ngày qua họ đã coi đó là niềm vui, là động lực để cố gắng.

Rồi khi đặt bút viết lá đơn “Xin chuyển công tác” lòng họ lại lo trăm mối như tơ vò. Như lời tâm sự của thầy T.V.T. với chúng tôi: “Thương mẹ em già yếu không người chăm sóc; con em chẳng nhớ mặt cha nên em mới xin chuyển vùng”. Hay trường hợp cô B.T. S. dù đã 14 năm dạy học tại Mường Nhé song mãi cuối tháng 5-2020 cô S. mới xin chuyển vùng với những mong, có thời gian chăm sóc cha mẹ và gẫn gũi con, để mai này các con cô không trách mẹ “Cứ đi mãi không ở nhà như mẹ các bạn con”!

… và rất chính đáng!

Tìm hiểu việc tiếp nhận, giải quyết đơn xin chuyển vùng của 14 giáo viên huyện Mường Nhé, chúng tôi có buổi làm việc với ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé. Xác nhận đã nhận đơn xin chuyển vùng của 14 giáo viên, ông Trần Ngọc Kiên còn cho biết: Không chỉ đủ điều kiện mà nguyện vọng chuyển vùng của 14 giáo viên đều chính đáng.

Do vậy, sau khi tiếp nhận đơn của giáo viên, ngày 6-7-2020 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để xem xét, cho ý kiến từng trường hợp cụ thể. Căn cứ kết quả cuộc họp, Phòng đã giao bộ phận Tổ chức hoàn thiện thủ tục trình UBND huyện xét duyệt theo thẩm quyền.

Tìm hiểu về điều kiện, tiêu chuẩn chuyển vùng đối với giáo viên huyện Mường Nhé mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã áp dụng, thực hiện trong những năm qua, chúng tôi được biết có hai văn bản là: Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ quy định chi tiết về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Văn bản số 1292/SNV-TCBC&TCPCP ngày 29-8-2019 của Sở Nội vụ Điện Biên hướng dẫn cụ thể với việc cán bộ, công chức, viên chức liên hệ chuyển vùng.

Theo đó, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 61 đã quy định, giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ ba năm (đối với nữ) và năm năm (đối với nam) thì được tạo điều kiện liên hệ chuyển công tác, thuyên chuyển công tác theo nguyện vọng. Hướng dẫn chi tiết hơn về trách nhiệm của UBND các huyện khi xem xét cho giáo viên liên hệ chuyển vùng nội tỉnh, ngoại tỉnh, tại Văn bản 1292, Sở Nội vụ Điện Biên còn quy định thời gian xem xét, cho phép giáo viên được liên hệ chuyển công tác là “khoảng thời gian giữa hai kỳ học của năm học và trong kỳ nghỉ hè sau khi kết thúc năm học”.

Chiểu theo quy định trong hai văn bản cùng với các thông tin Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cung cấp, thấy rằng, ở góc độ quản lý thì đơn vị này đã làm đúng các bước theo trình tự, thủ tục. Còn yêu cầu bảo đảm ổn định tổ chức, cơ cấu và bảo đảm chất lượng giảng dạy tại cấp trường thì Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé đã xem xét và tất nhiên có phương án không để ảnh hưởng.

Hỏi ông Trần Ngọc Kiên câu hỏi mà 14 giáo viên đang rất nóng lòng mong đợi: “Khi nào huyện có quyết định cho giáo viên chuyển vùng”, chúng tôi nhận lại câu trả lời ngắn gọn: “không biết”, trong khi việc ấy mọi năm huyện vẫn “giải quyết bình thường và không vướng víu gì”!

Vì sao lại vướng?

Chiều 29-7, trao đổi với chúng tôi về nội dung sự việc, ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé xác nhận: Đúng là UBND huyện đã nhận tờ trình của Phòng Giáo dục và Đào tạo, song hiện tại UBND huyện chưa thể quyết định vì… đang vướng.

Ông Nguyện nói rằng: Thông báo 460-TB/HU ngày 23-6-2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy, nội dung mục 4 trong Thông báo thì hiện tại việc chuyển vùng, tiếp nhận công chức, viên chức đang tạm dừng vì Huyện ủy đã giao “Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp UBND huyện rà soát tổng thể biên chế toàn huyện, căn cứ đề án vị trí việc làm của huyện để báo cáo và tham mưu chủ trương cho Ban Thường vụ Huyện ủy theo quy định”.

Bí thư Huyện ủy Mường Nhé - Nguyễn Quang Hưng cho biết: Có tiếp nhận đề xuất chuyển vùng của một số giáo viên, nhưng hiện tại Huyện ủy không giải quyết trường hợp nào vì đang giao Ban tổ chức rà soát biên chế toàn huyện, sau nữa là bận nhiều việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện.

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Quang Hưng nói rõ: “Huyện dự kiến 11-8 tổ chức đại hội, sau đó thì mới xem xét các trường hợp chuyển”!.

Như vậy, giáo viên có nguyện vọng chuyển vùng ở Mường Nhé vẫn phải đợi trong khi thời hạn các huyện, thị trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung thông báo xét tuyển, tiếp nhận giáo viên không còn nhiều. Cơ hội liên hệ chuyển vùng của giáo viên Mường Nhé càng ít hơn và khó khăn chắc sẽ nhiều hơn. Mặt khác, ai cũng biết với nơi tiếp nhận không phải lúc nào họ cũng để trống vị trí đợi người về và đó là “thời điểm vàng” cho mọi trường hợp.

Khi không chuyển được thì giáo viên Mường Nhé chẳng khác gì “đi vướng núi, ở lại mắc sông” trên chính mảnh đất họ đã từng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trong hàng chục năm trời!

“Không chỉ là quy định mà còn là chính sách ưu tiên đặc thù dành cho giáo viên vùng khó khăn như Mường Nhé. Do vậy, giải quyết chậm ngày nào thì giáo viên lỡ cơ hội ngày ấy và như thế, họ sẽ rất thiệt thòi”, ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên cho biết.