Ung thư đại trực tràng di truyền cao
Tại Bệnh viện K đã ghi nhận nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết, gần đây, bác sĩ gặp trường hợp 12 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng. Bệnh nhi có tiền sử táo bón từ rất sớm.
Theo mẹ bệnh nhi, từ lúc em khoảng 7-8 tuổi đã xuất hiện đau bụng, siêu âm kết quả bình thường. Tới 12 tuổi, các cơn đau xuất hiện nhiều và bệnh nhi đi ngoài lẫn máu. Bệnh nhi được nội soi, kết quả nghi ngờ ung thư nên đã được chuyển tới Bệnh viện K điều trị.
Tại Bệnh viện K, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng và có chỉ định phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhi phải điều trị hóa chất. Trước đó, cả ông nội và bác bệnh nhi đều mắc bệnh này và mất sớm.
Một trường hợp khác mắc ung thư đại trực tràng khi còn khá trẻ là bệnh nhân nam 16-17 tuổi. Bệnh nhân có triệu chứng đi ngoài ra máu nên được bố mẹ đưa đi khám. Không may cho trường hợp bệnh nhân này, ở thời điểm phát hiện, ung thư đại trực tràng đã di căn gan.
Khối u của bệnh nhân khá lớn, nguy cơ bán tắc ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền hóa chất. Bệnh nhân này cũng có yếu tố gia đình.
Theo bác sĩ Nam, ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình thường gặp ở người có bệnh lý đa polyp. Và ung thư đại trực tràng không có đa polyp thì thường gặp ở người mắc hội chứng Lynch.
Bệnh lý đại trực tràng đa polyp là do đột biến gene APC, gene này có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng, khi bị đột biến nó có thể diễn biến thành ung thư.
Theo chuyên gia, ung thư đại trực tràng là căn bệnh có tiên lượng tốt hơn so với các căn bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
Bác sĩ Hà Hải Nam. |
Một số triệu chứng cảnh báo ung thư đại trực tràng là thay đổi thói quen đại tiện: lúc lỏng, lúc táo bón mà không rõ nguyên nhân, đi ngoài không hết, khuôn dẹt nhỏ, thay đổi hình dạng khuôn... Bệnh nhân có thể đi ngoài có nhầy lẫn máu hoặc đen nếu khối u ở đầu đại tràng.
Khi khối u phát triển, nó có thể lấp kín lòng đại tràng, trực tràng, gây ra tình trạng tắc ruột. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như táo bón, đau bụng, đầy bụng…
Một số trường hợp mắc ung thư đại trực tràng có dấu hiệu mệt mỏi, thiếu sắt, da xanh xao, gầy sút, ăn kém, sốt không rõ nguyên nhân.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, trong đó có chế độ ăn thiếu lành mạnh như ăn quá nhiều dầu mỡ, muối, thịt động vật, thức ăn lên men, thức ăn xông khói…
Các thức ăn này khiến cho quá trình nhu động của ruột bị cản trở (chậm lại). Quá trình tiêu hóa thức ăn chậm sẽ khiến các chất độc tiếp xúc lâu với niêm mạc, dẫn tới biến đổi cấu trúc tế bào, đặc biệt là biến đổi cấu trúc niêm mạc đại tràng có thể dẫn tới ung thư hóa đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư thường gặp nhất của đường tiêu hóa.
Tại Việt Nam, năm 2020 ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 về cả số ca mới mắc và tử vong trong các loại ung thư thường gặp sau ung thư gan, phổi, vú, dạ dày với 16.426 ca mới mắc (chiếm tỷ lệ 9%) và tử vong 8.524 ca (chiếm tỷ lệ 6,9%).
Một số bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, thí dụ như viêm loét đại trực tràng mạn tính, bệnh crohn, các u lành tính (polyp kích thước lớn). Ngoài ra, người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng cũng có nguy cơ cao hơn.
Phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Để phát hiện ung thư đại trực tràng sớm, việc tầm soát có ý nghĩa rất quan trọng. Trong trường hợp gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng thì người dân cần tầm soát căn bệnh này khi tới tuổi trưởng thành. Với người bình thường, khi còn trẻ tuổi nên tầm soát 3 năm/lần, với người từ 40 tuổi nên tầm soát 1 năm/lần.
Bác sĩ Nam cho biết đối với việc phòng ngừa ung thư đại trực tràng, dinh dưỡng là rất quan trọng. Người dân nên hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; tăng cường ăn các loại chất xơ, hoa quả tươi; hạn chế ăn các loại thức ăn nhiều muối, thức ăn lên men, thịt xông khói; tránh lạm dụng rượu bia. Mọi người cũng cần tránh các chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn.
Để phòng ngừa ung thư, ngoài ăn uống thì mọi người cũng cần phải tăng cường hoạt động thể chất.
Những người có người thân mắc các bệnh có tính di truyền như ung vú (nữ), đại trực tràng (nam), ung thư dạ dày... cần phải được tầm soát từ rất sớm. Tại nước ngoài, khoảng 15 tuổi, nhóm đối tượng này đã được khuyên đi tầm soát ung thư, Việt Nam hiện đang khuyến cáo 18 tuổi nên tầm soát.
Trường hợp bệnh nhân ung thư đại trực tràng có polyp sẽ chẩn đoán rất dễ dàng bằng nội soi. Với trường hợp ung thư đại trực tràng có yếu tố gia đình không có polyp sẽ rất khó sàng lọc. Lúc này, các chuyên gia sẽ phải dựa vào tiền sử bệnh và sàng lọc đột biến gene.