Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam xếp thứ 50/185 quốc gia

NDO - Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới bệnh nhân ung thư tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Ngày 26/8, tại thành phố Huế diễn ra Hội nghị khoa học Phòng, chống ung thư thường niên Huế lần thứ 10 năm 2022. Đây là một trong những hội nghị chuyên ngành quan trọng thuộc chương trình hoạt động hằng năm của Hội Ung thư Việt Nam, do Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y-Dược Huế phối hợp tổ chức với sự tham dự của gần 600 đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế đến từ các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Cuba.

Ban Tổ chức hội nghị cho biết, đã nhận được hơn 150 bài báo khoa học. 120 bài được chọn báo cáo tại Hội nghị và 21 bài báo khoa học đạt chất lượng được chọn in trong tạp chí Y học Lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế.

Ung thư vẫn luôn là mối quan tâm trên toàn cầu. Tại hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp những số liệu cập nhật về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư trên thế giới và tại Việt Nam. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho hay, năm 2021 là năm mà cả thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã có 10 triệu người tử vong do ung thư.

Đại dịch Covid-19 lại càng tác động xấu hơn đối với việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Khảo sát của WHO tiến hành trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...

Cũng theo GLOBOCAN, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

GS, TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, số liệu thống kê của bệnh viện cho thấy, số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung Bướu của Bệnh viện Trung ương Huế tăng qua từng năm, mức tăng từ 30-45%. Từ giữa năm 2021, sau khi đại dịch Covid-19 vừa tạm lắng xuống, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng trở lại. Các loại ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, thực quản, dạ dày, các ung thư đầu-cổ.

Theo GS, TS Phạm Như Hiệp, tại sự kiện năm nay, ngoài trao đổi chuyên môn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, hội nghị giới thiệu các tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam. Cụ thể, tổ chức tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa về những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan, ung thư vú-phụ khoa, ung thư phổi; chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án hợp tác phát triển ung thư nhi và chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư.