Tham dự tọa đàm có đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan; đại diện lãnh đạo Hải quan các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và khoảng 100 doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có nhiều diễn biến phức tạp, tinh vi, có chiều hướng gia tăng, khó lường trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, địa bàn trong cả nước.
Nổi cộm nhất là các mặt hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng hóa khan hiếm trên thị trường như khoáng sản, xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như đường cát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng, hàng lậu, phụ tùng xe đạp, xe máy…
Tại các cửa khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.692 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 430 tỷ đồng.
Còn theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan Công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lô hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan Hải quan phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Quang cảnh buổi toạ đàm. (Ảnh T.H) |
Dự báo trong những tháng cuối năm 2023, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cả nước sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) cho biết, ngoài các phương thức vận chuyển truyền thống, hiện nay, các đối tượng còn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế để thực hiện các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán nếu thiếu sự quản lý, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
“Hiện, các lực lượng chống buôn lậu đang triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu và gian lận thương mại nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm từ cửa khẩu đến thị trường…”, ông Vũ Hoài Linh nhấn mạnh.