Các chuyên gia, các nhà làm phim trong và ngoài nước đã cùng ngồi lại với nhau để chia sẻ những cách thức hiệu quả nhất nhằm hạn chế tình trạng sản phẩm tinh thần của mình bị sao chép, ăn cắp tràn lan…
Ông Đào Việt Dũng, Công ty CNC chia sẻ một vài thông tin “giật mình” trong dịch vụ hình ảnh trên mạng Internet: Trong tháng 3 -2012, tổng số lượng người dùng Internet ở Việt Nam lên đến hơn 16 triệu lượt người, đạt mức cao nhất trong khu vực Đông - Nam Á về số lượng người dùng trong một tháng. 90% người dùng xem các video trực tuyến, và thói quen xem truyền hình đang chuyển dần sang xem video trên Internet. Điều đáng chú ý là, tất cả các nội dung khai thác video trực tuyến đều không có bản quyền.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, hiện nay Net Flix, một kênh truyền hình trực tuyến đang có số lượng người xem vượt qua HBO, một trong những kênh truyền hình phổ biến ở Mỹ hiện nay.
Ông Đào Việt Dũng phân tích, sự tăng vọt về các video trực tuyến đồng nghĩa với việc thất thoát rất nhiều tiền mỗi năm. Ước tính, mỗi năm giá trị của các video được khai thác trên mạng vào khoảng 165 tỷ đồng, còn VOD (video theo yêu cầu) là vào khoảng 200 tỷ đồng. Ông Dũng cho hay, tính đến năm 2018, chúng ta sẽ mất khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho VOD và các video chia sẻ trên mạng.
Ông Val Duelmen, Giám đốc A Company (Đức) cho biết, tình trạng vi phạm bản quyền, quyền sở hữu đối với các tác phẩm điện ảnh khá phổ biến trên thế giới, và làm đau đầu nhiều chính phủ, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Đối với tâm lý phần đông người tiêu dùng, việc lựa chọn mua một sản phẩm không có bản quyền thường đơn giản hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, và họ không quan tâm đến việc có vi phạm bản quyền hay không.
Chia sẻ những bức xúc đã lâu về tình trạng vi phạm bản quyền, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ: “Không có lĩnh vực nào mà quyền tác giả bị vi phạm công khai và trắng trợn như điện ảnh. Trong điện ảnh, không ai bảo vệ ai hết. Quyền của các nhà làm phim, các nghệ sĩ không được quan tâm. Vì một thời gian dài điện ảnh Việt Nam được bao cấp, nghệ sĩ làm công ăn lương, có nhuận bút làm phim tùy theo. Người lao động cho rằng mình được làm là sướng rồi, còn hơn ngồi không. Phim làm ra chiếu ở đâu không biết, không được báo, và đương nhiên cũng không được hưởng đồng nào từ doanh thu chiếu phim”.
Nghị định 131 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, ra đời tháng 10-2013 là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, việc áp dụng Nghị định này không đơn giản, bởi khái niệm quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm còn chưa được làm rõ.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, bộ phim “Đừng đốt” của ông, sau khi làm xong, quyền sở hữu lại được trao cho công ty BHD. Nhiều lần, khán giả, trong đó có gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đề nghị chiếu bộ phim trên truyền hình để đông đảo khán giả được xem, nhưng không được. Ông bức xúc: “Không nói gì đến quyền lợi cao siêu, chúng tôi chỉ mong phim được chiếu đến đông đảo khán giả mà cũng không được. Ở đây, cần xác định như thế nào là quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh, người làm phim hay người bỏ tiền ra làm phim. Đó là chưa kể có rất nhiều chức danh tác giả trong một tác phẩm điện ảnh”. Đạo diễn cao niên cũng bày tỏ, nếu như thế này, có nguy cơ điện ảnh của chúng ta sẽ đi theo con đường coi người bỏ tiền là có quyền, bảo vệ quyền lợi cho người bỏ tiền ra chứ không phải là người sáng tạo.
Chia sẻ với vị đạo diễn Việt Nam, chuyên gia Đức Van Duelmen nói: “Các tác phẩm nghệ thuật là mồ hôi nước mắt, công sức, vì vậy việc trả chi phí khi sử dụng là điều rất nên làm, và phải làm. Việc này cần huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, từ hoàn thiện hệ thống luật pháp, quy định chung quanh vấn đề bảo vệ quyền sở hữu tác giả, cho đến huy động các tổ chức, hội nghề nghiệp (như ở Việt Nam là Hội Điện ảnh), mở rộng tuyên truyền, giáo dục công chúng về bảo vệ quyền tác giả, cho người xem hiểu đó là trách nhiệm và lương tâm của mỗi người, và cũng là lòng tự trọng, danh dự của người dùng mỗi khi lựa chọn tác phẩm có bản quyền”.
Ông Van Duelmen cũng đề cập đến vai trò của nhà sản xuất trong việc cân nhắc giá tiền của các sản phẩm nghệ thuật khi đưa chúng đến với khán giả: “Nếu như tác phẩm có bản quyền có giá quá cao, nghĩa là vô tình nhà sản xuất đã đẩy người tiêu dùng vào việc vi phạm bản quyền”.
Nhận thức của xã hội cũng vô cùng quan trọng. Ông Van Duelmen cho biết, phải xác định mục tiêu là bảo vệ quyền tác giả, tạo tâm lý được tôn trọng và bù đắp xứng đáng cho các nghệ sĩ, hay chỉ nhăm nhăm chiến đấu với những kẻ vi phạm. Vị chuyên gia Đức nhấn mạnh: Nhận thức và sự đồng thuận của xã hội là vô cùng quan trọng, khi đó hệ thống luật pháp mới có thể hoạt động thật sự hiệu quả.