Vì mục tiêu di cư lao động an toàn, bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam

NDO -

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Hợp tác thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 

Ảnh: Molisa.
Ảnh: Molisa.

Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, với vai trò là cơ quan chủ quản về những vấn đề lao động và bình đẳng giới của Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn quan tâm hướng tới việc thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm. Bộ luật Lao động 2019 cũng đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu nhằm làm giảm khoảng cách cũng như cơ hội việc làm giữa nam và nữ. Luật Bảo hiểm xã hội cũng cho phép nam giới được nghỉ phép khi vợ sinh con...

Tuy nhiên, phụ nữ lao động di cư Việt Nam nói riêng và trong ASEAN nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như phải làm những công việc có mức lương thấp hơn, gặp phải nhiều rào cản hơn, có nhiều khả năng bị sa thải khi mang thai và sinh con… Lao động nữ cũng có ít cơ hội được tiếp cận với các cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả cũng như các dịch vụ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết khi ở nước ngoài.

Hội thảo nhằm trao đổi về những cơ hội và thách thức mà lao động nữ gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài, cũng như xác định được những vấn đề ưu tiên trong tương lai, đặc biệt là năm 2022. Từ đó, đưa ra những hoạt động phù hợp nhằm hỗ trợ các cơ quan trong việc quản lý hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tại sự kiện, Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Koen Duchateau chia sẻ, theo báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc gia, mặc dù phụ nữ Việt Nam chỉ chiếm một phần ba tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhưng họ đã đóng góp tới 50% lượng kiều hối. Như vậy, có thể nói, vấn đề di cư lao động của phụ nữ là một yếu tố quan trọng của sự dịch chuyển lao động, và đây có thể trở thành một đòn bẩy quan trọng để trao quyền cho phụ nữ, nhất là với phụ nữ di cư.

Tuy nhiên, phụ nữ đã và đang phải đối mặt với nhiều rào cản hơn nam giới. Họ đặc biệt có nguy bị cơ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, tuổi tác, tình trạng di cư hoặc các đặc điểm liên quan đến giới tính.

Ông Koen Duchateau đánh giá, trong những năm vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao nói riêng, các cơ quan, ban ngành khác của Việt Nam nói chung đã nỗ lực xây dựng các khuôn khổ pháp lý nhằm kiến tạo một môi trường không bạo lực và không phân biệt đối xử cho tất cả phụ nữ cũng như người lao động nhập cư, đồng thời bảo đảm khả năng thực thi của các khuôn khổ pháp lý này. EU sẵn sàng cung cấp và chia sẻ kinh nghiệm của mình để Việt Nam có thể nâng cao hơn nữa năng lực trong lĩnh vực này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày về những kết quả đạt được liên quan đến tạo dựng môi trường thuận lợi cho phụ nữ di cư; những bài học kinh nghiệm trong công tác điều phối các dịch vụ hỗ trợ lao động nữ di cư bị bạo lực; tổng quan về các kết quả chính đã đạt được trong khuôn khổ chương trình Safe and Fair (SAF) và kế hoạch năm 2022.

Các đại biểu đã thảo luận toàn thể, tập trung vào việc giải quyết các thách thức mà phụ nữ đang gặp phải trong toàn bộ tiến trình di cư lao động của mình, những giải pháp sáng tạo nhằm duy trì và đẩy nhanh việc thực hiện chương trình SAF trong năm 2022 và những lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là hơn 78,6 nghìn người. Trong số đó, có gần 28,8 nghìn lao động nữ.