Ðối với phụ nữ có trình độ học vấn cao thì việc kết hôn muộn sẽ làm giảm thời gian sinh đẻ, do đó họ sinh ít con. Hơn nữa, khi có trình độ học vấn cao, việc đầu tư cho con cái họ trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập sẽ tốt hơn với người trình độ học vấn thấp. Họ chú trọng nhiều đến vấn đề chất lượng nuôi dạy, giáo dục con cái. Khi con cái trưởng thành, thành đạt, có sức khỏe tốt là nguồn động viên lớn nhất đối với các bậc cha mẹ, họ hy vọng con cái có một cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Ðối với các gia đình đông con, khi điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn, cha mẹ phải vật lộn với những vất vả của cuộc sống đời thường để kiếm sống thì việc quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thường ít được quan tâm. Ở người học vấn thấp, họ ít có thời gian học tập, tiếp nhận thông tin trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có vấn đề giáo dục để có thể định hướng, dẫn dắt con cái theo phương pháp tốt nhất. Vòng luẩn quẩn của "đói nghèo đông con, chất lượng cuộc sống giảm sút" đã kìm hãm những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống...
Qua số liệu dân số nước ta năm 2008 cho thấy rõ mối liên hệ giữa trình độ học vấn và mức sinh. Thể hiện tổng tỷ suất sinh (TFR), cao nhất (2,65) ở những phụ nữ chưa đi học, ở dưới mức sinh thay thế (2,1) ở những phụ nữ đã tốt nghiệp trung học cơ sở và đạt mức thấp nhất (1,64) ở những phụ nữ đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Số liệu này cho thấy những phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, họ thường sinh ít con hơn. Ðiều đó cho thấy chương trình DS - KHHGÐ cần tập trung vào nhóm có học vấn thấp để cung cấp cho họ thông tin về lợi ích của quy mô gia đình ít con sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển, nâng cao trình độ học vấn của người mẹ và mang lại lợi ích về sức khỏe cho con cái họ.
Một số gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ vẫn có thể vượt lên thoát nghèo bằng những hành động thiết thực qua việc đầu tư cho con cái theo học và thực tế đã chứng minh rất rõ điều này, nhất là với những gia đình hiếu học. Hơn nữa, với lòng yêu thương, sự giúp đỡ tận tình giúp con cái họ trưởng thành, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ; khi con cái đã trưởng thành và thành đạt, chính họ lại không quên những năm tháng cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả để kiếm sống; những gia đình như thế trong cuộc sống hằng ngày họ có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, không lãng phí, đầu tư đúng mức ở những công việc mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, họ biết quan tâm tới người khác, những số phận, những con người còn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội rất cần sự giúp đỡ, động viên để có thể vượt lên những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, đó là những nghĩa cử cao đẹp, mang tính cộng đồng cao...
Như vậy, có thể thấy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình vẫn tồn tại và ngày càng được củng cố trong xã hội hiện đại. Thực tế, những kinh nghiệm ở các nước phát triển đã đem lại kết quả như mong muốn; việc chú trọng đến chất lượng con cái hơn là số lượng đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống trong gia đình, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, nâng cao chất lượng dân số. Từ những kinh nghiệm quốc tế, qua những thông điệp truyền thông dân số ở nước ta đều mang tính gợi mở, "mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con để nuôi dạy cho tốt"; hay mục tiêu xây dựng gia đình "ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc" là những phương hướng tích cực trong xây dựng gia đình theo những chuẩn mực nhất định, đóng góp vào phát triển gia đình và đất nước, tiến tới sự ổn định, giàu mạnh và văn minh...
Nước ta với những phong trào thiết thực "lá lành đùm lá rách", những nỗ lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từ các cá nhân, những tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước là những động viên tinh thần rất lớn. Tuy nhiên, ở những gia đình đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân, tổ chức thì việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình là những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.
Nghiên cứu tác động của trình độ học vấn tới mức sinh là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân tích mối quan hệ giữa hai khía cạnh này trong dân số về mặt phương pháp luận, giúp cho việc hoạch định và thực hiện chính sách dân số một cách khoa học; cũng như đề ra các biện pháp từng bước nâng cao chất lượng dân số hiện nay và những năm tiếp theo. Vì vậy, cần phải có sự "chung tay góp sức" của cả cộng đồng thì bài toán dân số mới thật sự có sự chuyển biến đáng kể và kết quả mang tính bền vững.
Nguyễn Hữu Tài