Vẹn nguyên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt, quan tâm xây dựng và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, định hình những phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn xứng đáng là đội quân anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tuyên truyền với dân về Luật Biển Việt Nam.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tuyên truyền với dân về Luật Biển Việt Nam.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với trách nhiệm, tình cảm của mỗi cá nhân trở thành nét văn hóa đặc trưng của "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới.

Dấu ấn bộ đội thời bình

Ở tuổi 89, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, được mọi người kính trọng và gọi vui "Đại tướng của vạn dặm đường". Dù đã về hưu gần 20 năm nhưng cuộc sống của ông vẫn khá bận rộn với những chuyến đi thăm và giúp đỡ đồng đội khó khăn.

Từ năm 2013 đến nay, Đại tướng Phạm Văn Trà đã kêu gọi nguồn kinh phí "xã hội hóa" để làm 740 căn nhà, tặng đồng đội nghèo, gia đình có công với cách mạng, xây dựng nhiều đền thờ liệt sĩ và Thiền viện Trúc Lâm - chùa Hộ quốc tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Ông cũng là người khởi xướng quỹ khuyến học, khuyến tài của tỉnh Bắc Ninh với số tiền 100 tỷ đồng, góp phần thiết thực nối dài mơ ước cho học sinh, sinh viên trên quê hương quan họ...

Mỗi việc ông làm đều lan tỏa ý nghĩa nhân văn, động viên tinh thần, vật chất đối với nhiều hộ gia đình khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống. Nhưng với Đại tướng Phạm Văn Trà, đó đơn giản chỉ vì "mình sống và được như thế này chính là nhờ nhân dân cho nên khi mình còn sức khỏe thì mình phải nghĩ tới nhân dân". Như lời Bác Hồ đã dạy: "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu...".

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng là người đặt nền móng cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam được đồng đội và bạn bè quốc tế yêu mến gọi là "Sứ giả hòa bình" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là người chỉ huy cao nhất của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chịu trách nhiệm tuyển chọn, đào tạo huấn luyện, quản lý, chỉ huy, điều hành các lực lượng Việt Nam ở các phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc.

Trong huấn luyện, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng luôn đặt yêu cầu rất cao đối với binh sĩ, không chỉ đáp ứng các tiêu chí của Liên hợp quốc mà còn tự rèn luyện bản thân trở thành những người có kiến thức và phẩm chất, thể hiện hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ trên đất bạn. Mỗi cán bộ được quân đội tín nhiệm cử đi phải là một "đại sứ" cho văn hóa Việt Nam yêu chuộng hòa bình trước bạn bè quốc tế.

Sau này nhiều câu chuyện cảm động đã được lan truyền từ các đơn vị bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh và các sĩ quan hoạt động độc lập. Trong đó ấn tượng nhất là hình ảnh sĩ quan quân đội ta đi đến đâu cũng luôn được nhân dân nước bạn tin yêu, ủng hộ; có những vùng chiến sự mà chỉ có sĩ quan của ta mới tiếp cận được bởi Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh của Việt Nam - đất nước bạn bè châu Phi tin tưởng.

Trên khắp đất nước, nơi nào người dân gặp khó khăn, thiên tai, hoạn nạn ở đó có người lính Cụ Hồ. Họ đến với người dân bằng những việc làm thiết thực và lặng lẽ, kiên trì và bền bỉ. Trong thời bình, quân đội vẫn luôn là lực lượng đi đầu giúp nhân dân mọi lúc, mọi nơi.

Đây là kết quả của quá trình thực hiện, triển khai các nghị quyết, các cuộc vận động của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và hơn thế, đó là việc làm thiết thực, hiệu quả thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Đó là Bộ đội Cụ Hồ tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, thông qua các hoạt động xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng.

Các đơn vị quân đội đã hoàn thành nhiều công trình cầu, đường, trường lớp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Lực lượng vũ trang còn xây dựng nhiều chương trình bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Nhiều đơn vị quân đội tích cực tham gia vào công tác giáo dục với phong trào "con nuôi đồn biên phòng", "nâng bước em đến trường". Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo sức khỏe cộng đồng, y tế thôn bản được các đơn vị quân đội thường xuyên tổ chức tại những nơi vùng sâu, vùng xa, nhất là những nơi thiếu thốn về y tế.

Lan tỏa giá trị văn hóa "Bộ đội cụ Hồ"

Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" vì nước quên thân, vì dân phục vụ trong chặng đường 80 năm qua đã trở thành biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân. Những hành động mang ý nghĩa nhân văn không ngừng lan tỏa. Trong đại dịch Covid-19, người dân sẽ không bao giờ quên hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ không ngại hiểm nguy tận tình đến tận gia đình, khu phố hỗ trợ người dân.

Những vòng tay tha thiết của người dân vùng lũ, khi phải chia tay cán bộ, chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong cơn bão số 3 (bão Yagi). Các chiến sĩ không chỉ hỗ trợ người dân đến nơi tránh trú an toàn mà còn dựng khu nhà tạm, để ổn định cuộc sống.

Nhận thức rõ "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" quân đội ta đã trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Giai đoạn 2014-2024, toàn quân đã điều động hơn 2,2 triệu lượt người, gần 60.000 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Kết quả, cứu được 26.121 người, khắc phục 450.000 nhà, xưởng; sửa chữa 2.550 km đường. Dù có những hy sinh, mất mát trong nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, song cán bộ, chiến sĩ luôn vượt qua đau thương, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất.

Trên thực tế, các phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Quân đội chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau"; chương trình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân", "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển", "Nâng bước em tới trường", "Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới", "Con nuôi đồn biên phòng",… và rất nhiều phong trào, mô hình khác đã được triển khai phù hợp thực tiễn ở từng cơ quan, đơn vị, mang lại hiệu quả cao trong công tác dân vận.

Trong những đợt công tác gần đây tại các xã biên giới thuộc các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Nghệ An… chúng tôi có nhiều dịp tìm hiểu, trao đổi ý kiến với cấp ủy và chính quyền về kết quả của các đoàn kinh tế, quốc phòng đối với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã thoát nghèo một cách bền vững nhờ sự hỗ trợ hiệu quả, tích cực của các đội sản xuất thuộc các đoàn kinh tế quốc phòng. Trong đó, Đoàn 326, Quân khu 2 đưa ra nhiều mô hình, sáng kiến như trồng cây trên sườn dốc, cải tiến nông cụ, xuất khẩu lao động tại chỗ…

Đại tá Vũ Hồng Mạnh, Đoàn trưởng 326 cho biết, thời gian qua thực hiện nhiệm vụ tại địa phương các đội sản xuất, xí nghiệp đã đưa hàng nghìn lượt cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện xuống với dân, phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; cung cấp cây giống các loại; hỗ trợ vốn cho nhân dân; xây dựng nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các đội sản xuất phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã và đang tiếp tục phát huy và làm lan tỏa những giá trị văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ".