Nhiều năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã được các cấp Hội triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; các hội viên tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ngăn chặn, đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động, tích cực phòng chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm, tệ nạn xã hội; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ; phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục quốc phòng, diễn tập phòng thủ khu vực; tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp, nảy sinh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hội Cựu chiến binh các cấp đã đẩy mạnh hoạt động tình nghĩa, giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, với các mô hình: “Câu lạc bộ cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”; “góp vốn xoay vòng, chuyển đổi cây trồng”; mô hình “5+1” (năm hội viên khá giúp một hội viên nghèo)... Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp, Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động có hiệu quả; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, tri ân đồng đội, khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đóng góp vào các hoạt động xã hội - từ thiện hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
5 năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp đã ký kết và thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội vận động hội viên, nhân dân tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động, như: “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ nghĩa tình cựu chiến binh Việt Nam”… Kết quả, toàn Hội đã đóng góp được hơn 246 tỷ đồng.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2020 đến nay, toàn Hội đã ủng hộ hơn 2.028 tỷ đồng, hơn 4,5 triệu ngày công, hơn 6,9 triệu mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn, mở rộng đường làng, ngõ xóm; nâng cấp, duy tu hơn 33.700 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng; tham gia xây, sửa hơn 2.780 cây cầu, cống, kênh mương thủy lợi; tham gia xây, sửa gần 5.300 trường học, lớp học, các cơ sở văn hóa, thể thao; đóng góp hàng triệu tấn vật liệu xây dựng, cây, con giống, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác.
Phong trào thi đua đã góp phần xây dựng Hội vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu quả. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2022-2027, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới (2024-2029) tiếp tục đổi mới, tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Đảng đoàn, cấp ủy và Ban chấp hành Hội các cấp tập trung chăm lo xây dựng tổ chức Hội phát triển vững mạnh cả số lượng và chất lượng. Bảo đảm tổ chức Hội các cấp, hội viên luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong cựu chiến binh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tích cực tham gia chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quy chế giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần bảo đảm thành công Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng, Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; Chỉ thị số 39/CT-TTg ngày 15/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ XI; làm cho tổ chức Hội các cấp, hội viên hiểu rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới, từ đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu thi đua giai đoạn 2024-2029.
Ba là, phát huy tinh thần tích cực, chủ động sáng tạo, gắn kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với các phong trào cách mạng, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đổi mới mạnh mẽ hình thức, phương pháp tổ chức thi đua, hướng mạnh về cơ sở, thiết thực hiệu quả, hạn chế phô trương hình thức; kịp thời phát hiện, nhân rộng, nuôi dưỡng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Bốn là, tiếp tục củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cụm thi đua, khối thi đua. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết với từng phong trào, từng nhiệm vụ. Rút kinh nghiệm kịp thời trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu thi đua. Đa dạng hóa các loại hình và phương thức tuyên truyền về điển hình tiên tiến “Cựu chiến binh gương mẫu”, nhằm phổ cập rộng rãi trên mạng xã hội; tận dụng sức mạnh của mạng internet, nền tảng số để lan tỏa hiệu ứng xã hội tích cực, thực hiện tốt phương châm “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác”.
Năm là, toàn Hội hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” do Trung ương Hội phát động giai đoạn 2024-2029, lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, Đại hội lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ (2026-2031) và các ngày lễ lớn (năm 2025-2030).