Bà Vương Phong, nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam: Khai thác tiềm năng vô tận trong giao lưu văn hóa
Hai nước Trung Quốc và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ, nhân dân hai nước đã xây dựng mối tình hữu nghị hết sức sâu đậm. Ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Ngày 18/1/1950, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới thành lập không lâu, đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 75 năm qua, tình hữu nghị Trung-Việt đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; chúng ta vui mừng thấy, đến nay, những lá cờ đỏ tung bay và mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện bền chặt là kết quả của sự kiên định niềm tin giữa hai Đảng, hai nước.
Bà Vương Phong bên những kỷ vật, bức ảnh về Việt Nam. |
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, tưởng nhớ đến Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những vĩ nhân của hai Đảng, tôi cảm nhận sâu sắc về tất cả những gì mà các thế hệ cách mạng tiền bối đã mang lại cho nhân dân Trung Quốc và Việt Nam. Chúng ta hãy đoàn kết và cùng nhau đối mặt với những thách thức trên con đường đi tới, để tiếp tục giành những thắng lợi mới.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, năm nay được xác định là "Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam". Tôi thấy rằng điều này sẽ nâng tầm giao lưu văn hóa vốn sôi động và phát triển mạnh mẽ trước đây giữa nhân dân Trung Quốc và Việt Nam lên tầm mức hợp tác sâu sắc giữa hai quốc gia và tăng cường kết nối, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Giao lưu văn hóa là cầu nối và sợi dây liên kết để giao tiếp, hiểu biết và thấu hiểu lẫn nhau giữa con người với nhau và giữa các dân tộc. Trung Quốc và Việt Nam đều là những quốc gia có nhiều dân tộc và đều nhận thức rõ rằng sự trao đổi mật thiết là cơ sở để đạt được sự đồng thuận và hợp tác. Trong suốt chiều dài lịch sử, giao lưu văn hóa đã đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc giúp nhân dân hai nước cùng nhau chống lại sự xâm lược của thực dân, phát triển thương mại song phương, phát triển kinh tế và quảng bá nền văn hóa đặc sắc của mình.
Khi còn nhỏ, tôi từng có thời gian ngắn sang Việt Nam sinh sống cùng cha mẹ đi công tác theo nhiệm kỳ. Khi trở lại Việt Nam sau 43 năm, tôi thấy rằng Việt Nam đã đứng lên một cách kiên cường từ đống đổ nát của thực dân xâm lược và xây dựng được những thành phố và làng mạc khiến thế giới kinh ngạc và ấn tượng.
Bà Vương Phong, nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam
Khi còn nhỏ, tôi từng có thời gian ngắn sang Việt Nam sinh sống cùng cha mẹ đi công tác theo nhiệm kỳ. Khi trở lại Việt Nam sau 43 năm, tôi thấy rằng Việt Nam đã đứng lên một cách kiên cường từ đống đổ nát của thực dân xâm lược và xây dựng được những thành phố và làng mạc khiến thế giới kinh ngạc và ấn tượng. Giọng hát của người dân Việt Nam vẫn rất mềm mại và vang vọng, tinh thần của người dân Việt Nam vẫn rất kiên cường và hiên ngang. Những mảnh đất khác nhau, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, phong tục và nhận thức khác nhau đã ngưng tụ thành bức tượng đài về ý chí và văn hóa trong trái tim tôi.
Bước chân trên đất nước Việt Nam, điều tôi khó quên nhất là tình cảm và sự tưởng nhớ của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẻ đẹp nhân cách của Bác đã trở thành tài sản tinh thần chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, giúp họ đấu tranh chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng ngôi nhà chung tươi đẹp trong thời bình, thể hiện một tinh thần kiên cường và trí tuệ tuyệt vời. Sự kế thừa tinh thần này và chuyển hóa nó thành vật chất chính là cảnh giới cao nhất của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt.
Sau khi về hưu, tôi rất muốn làm được điều gì đó cho tình hữu nghị Trung-Việt. Nhận lời mời của những người bạn hai nước, tôi nhiều lần sang thăm Việt Nam, dùng những bài viết để giới thiệu về thành tựu đổi mới của Việt Nam, dùng ngôn ngữ tiếng Trung để chuyển dịch và phổ biến những khúc dân ca Việt Nam, nỗ lực tăng cường giao lưu về kinh tế-thương mại giữa hai nước… Những người bạn Việt Nam của tôi đã từng xuất bản những cuốn sách về thơ Đường được dịch ra tiếng Việt, hay tham gia những sự kiện ngâm thơ, giới thiệu về văn hóa, văn học Trung Hoa… Những việc làm tích cực và tình cảm nồng hậu của họ giúp tôi thấy được tiềm năng vô tận trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự khuyến khích và thúc đẩy của Chính phủ hai nước, giao lưu nhân văn Trung Quốc-Việt Nam sẽ được đẩy mạnh một cách vững chắc, đem lại lợi ích cho người dân hai nước, từ đó góp phần tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai bên, lan tỏa ra các lĩnh vực trao đổi kinh tế-thương mại, hợp tác du lịch, văn hóa, nghệ thuật, đưa tình hữu nghị Trung-Việt bước lên tầm cao mới trong lịch sử quan hệ hai nước.
Ca khúc Việt Nam-Trung Hoa được các cháu thiếu nhi thể hiện tại Lễ kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao hai nước tổ chức tại Bắc Kinh. (Video: HỮU HƯNG) |
Giao lưu nhân văn là một trong những phương hướng cơ bản, quan trọng nhất trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Năm 2025 là dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời cũng là năm được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước lựa chọn là Năm giao lưu nhân văn Việt-Trung. Đây là dịp để hai bên phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa, nhằm tăng cường sự hiểu biết, vun đắp và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ… Tôi tin rằng, thông qua các hoạt động này, tình hữu nghị giữa hai nước sẽ ngày càng được củng cố và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
– Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình
Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang: Xây dựng nhiều “công trình lòng dân” trong quan hệ hai nước
Tôi cho rằng, việc xác định năm 2025 là Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt có ý nghĩa rất lớn. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực báo chí, văn hóa-du lịch, thanh niên, hợp tác địa phương…, xây dựng ngày càng nhiều “công trình lòng dân” trong quan hệ hai nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tôi nghĩ điều này xuất phát từ triết lý “quốc chi giao tại ư dân tương thân” (quan hệ giữa các quốc gia cốt ở sự đi lại thân thiết giữa người dân), người dân hai nước có giao lưu, tìm hiểu lẫn nhau, thì mới có thể tạo nên tình hữu nghị thực sự giữa hai nước. Dưới dự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo cao nhất, mối quan hệ hữu nghị Trung-Việt cần phải có sự thúc đẩy, đóng góp của mỗi người dân, nhờ đó mà trở nên có ý nghĩa, thiết thực hơn.
Ngoài ra, việc xác định Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt, cốt ở làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, điều này có lợi cho tình hữu nghị muôn đời giữa hai nước, để cùng bước trên con đường hợp tác cùng thắng, cùng nhau bảo vệ công lý và chính nghĩa trên thế giới.
Về việc triển khai các hoạt động giao lưu nhân văn như thế nào, tôi cho rằng có nhiều phương thức và biện pháp khác nhau. Thứ nhất, mở rộng giao lưu văn hóa giữa hai nước, thúc đẩy trao đổi, học hỏi lẫn nhau, để người dân nước này hiểu hơn về văn hóa nước kia. Thứ hai, tăng cường trao đổi và tương tác giữa thế hệ trẻ hai nước, thí dụ giao lưu giữa các trường học, để tăng cường hiểu biết của thế hệ trẻ. Thứ ba, mở rộng hợp tác về du lịch, để có ngày càng nhiều người dân nước này đi đến thăm nước kia, từ đó kế thừa truyền thống hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Thứ tư, tổ chức cho nhiều thanh niên Việt Nam đến các địa phương như Quế Lâm (Quảng Tây), Quảng Châu (Quảng Đông) là những địa chỉ đỏ ghi lại lịch sử của cách mạng và tình hữu nghị Trung-Việt, để hiểu rõ về những chặng đường lịch sử đồng cam cộng khổ, chung tay gắn bó của các thế hệ người dân hai nước, từ đó nhận thức sâu sắc về tình hữu nghị giữa hai nước.
Lịch sử là một tấm gương, tình hữu nghị lâu bền giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ giúp hai nước vượt qua thử thách và khó khăn giữa những biến động to lớn của thời đại, cùng nhau bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa vĩ đại.
Ông Lăng Đức Quyền, nguyên chuyên gia Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã: Phát huy vai trò riêng có của báo chí-truyền thông
Giao lưu nhân văn, văn hóa có vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ ngoại giao hai nước Trung Quốc-Việt Nam. Lĩnh vực này còn nhiều không gian, dư địa rộng lớn cần được khai thác. Hai nước có nền văn hóa gần gũi, nhiều nét tương đồng, nhưng cũng có đặc sắc riêng, lịch sử giao lưu, trao đổi về văn hóa hết sức lâu đời.
Hiện nay, người Trung Quốc muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam chủ yếu qua 3 kênh là đi du lịch, mua hàng hóa và qua mạng internet. Các cơ quan chức năng, các địa phương hai nước cần phát huy vai trò cầu nối hoặc cung cấp những dịch vụ tốt hơn, góp phần thúc đẩy giao lưu, trao đổi về văn hóa, tăng cường hiểu biết giữa người dân hai nước.
Ông Lăng Đức Quyền, nguyên chuyên gia Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã. |
Năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam. Ngày 18/1/1950, Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đi đầu trong việc thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Đây là sự kiện có tính chất dấu mốc trong lịch sử ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Hai Đảng, hai nước xác định năm 2025 là Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt có ý nghĩa hết sức trọng đại, bởi nhân văn là những gì tiến bộ, khoa học, xuất sắc và lành mạnh nhất trong văn hóa của con người. Quan hệ bang giao chính nằm ở việc giao lưu mật thiết của người dân. Nền tảng của sự đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển và phồn vinh của hai nước chính là ở sự kết nối mật thiết của nhân dân hai nước. Tôi tin tưởng rằng, Đảng và Chính phủ hai nước sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhân văn với nội dung phong phú, hình thức đa dạng.
Là một nhà báo về hưu đã qua tuổi “cổ lai hy”, tôi xin chia sẻ một suy nghĩ chân thành, báo chí-truyền thông là phương tiện truyền tải văn hóa quan trọng, cũng là phương tiện quan trọng để thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân văn Trung-Việt. Tôi mong muốn các phương thức truyền thông truyền thống và hiện đại được phát huy tốt hơn nữa, nhằm góp phần đặc biệt vào thúc đẩy giao lưu nhân văn Trung-Việt. Tôi kỳ vọng vào sự thành công tốt đẹp của Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt.