Về Vĩnh Linh hôm nay, những con đường nhựa trải dài thẳng tắp, những diện tích hồ tiêu, cao-su, rừng trồng xanh ngút ngàn phủ lên trên mảnh đất từng hoang tàn, đổ nát của chiến tranh; những khu vực nuôi trồng thủy sản nổi tiếng, năng suất cao, rộng rãi, xa tít tắp bên dòng sông Bến Hải, cho thấy mảnh đất và con người nơi đây luôn tràn đầy năng lượng.
Sẵn sàng tâm thế xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại
Trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Trị vào năm 2015, khi biết xã Vĩnh Thủy của huyện Vĩnh Linh vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và vừa được công nhận xã nông thôn mới trước kế hoạch đề ra một năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định về thăm xã vào chiều 4/2.
Khi được nghe báo cáo từ những năm 1973-1975, Vĩnh Thủy đã chủ động, sáng tạo làm những công việc mà sau này có trong các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như: Quy hoạch đồng ruộng, khu dân cư, cơ giới hóa ruộng đất…
Tổng Bí thư rất mừng và mong muốn xã luôn phát huy bản chất cách mạng của lũy thép anh hùng, truyền thống xã Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới để xứng đáng là đầu tàu của chương trình xây dựng nông thôn mới mà cả đất nước đang vào cuộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh ngày 4/2/2015. |
Lần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở xã Vĩnh Thủy cũng như huyện Vĩnh Linh, nông thôn mới không chỉ xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của người dân, quan trọng hơn phải xây dựng con người mới năng động, văn minh, sáng tạo, nông thôn hiện đại; biết tận dụng lợi thế để làm giàu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Lời chỉ bảo, động viên của Tổng Bí thư luôn được Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Thủy khắc ghi, nỗ lực thực hiện. Ðảng bộ xã Vĩnh Thủy đã tạo được sự đồng thuận cao giữa các tầng lớp nhân dân, huy động sự vào cuộc của các hợp tác xã, cơ quan, doanh nghiệp, toàn dân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nên mạnh mẽ vươn lên, băng băng về đích. Năm 2022, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị có vinh dự này, và nay tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch Ủy ban nhân xã Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Chiến tự hào cho biết, người dân Vĩnh Thủy luôn phát huy những phẩm chất quý báu của mình, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Thế mạnh của Vĩnh Thủy là kinh tế gò đồi, ngoài diện tích gần 1.000 ha cao-su tiểu điền đang mang lại cho người dân nguồn thu nhập đáng kể, bền vững; còn có gần 1.600 ha rừng trồng đang cho khai thác gỗ. Tính trung bình mỗi héc-ta rừng trồng khai thác bán 100 triệu đồng thì người dân Vĩnh Thủy có rất nhiều triệu phú từ kinh tế gò đồi.
Cao-su là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện Vĩnh Linh với gần 6.500 héc-ta giúp nhiều nông dân làm giàu. |
Và ở huyện Vĩnh Linh, thôn, xã nào cũng luôn sẵn sàng tâm thế xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, trong đó có Vĩnh Giang, một trong bốn xã của huyện sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tại Vĩnh Giang, thôn Tùng Luật đã xây dựng làng quê nổi tiếng theo cách mà không phải ở đâu cũng làm được. Nằm ở bờ bắc, đoạn cuối sông Bến Hải-Vĩ tuyến 17, Tùng Luật có phong cảnh đẹp như tranh.
Vị trí sát cửa sông, nhưng thổ nhưỡng ở đây lại là đất đỏ ba-zan, thuận lợi cho việc trồng cây hồ tiêu và các loại cây khác. Tùng Luật chưa giàu có nhưng cuộc sống luôn ấm áp, nghĩa tình. Người dân đoàn kết, chia sẻ với nhau. Cụm từ “chung tay, góp sức” trong cuộc sống luôn được nhắc đến. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Tùng Luật đã có hàng chục công trình công cộng được người dân đóng góp xây dựng.
Ðiều làm cho nhiều người thán phục nhất là việc Tùng Luật làm được công viên dọc bờ sông, thường gọi là “công viên danh vọng”. Sống giản dị, chất phác, song người dân luôn biết tự nâng tầm cho làng quê của mình nổi tiếng không kém bạn bè.
Xây dựng con người với tư duy và tầm nhìn mới
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới ngoài những thuận lợi, huyện gặp một số khó khăn, trong đó ba xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, có xuất phát điểm thấp, nhưng là địa bàn rất quan trọng.
Trước thực tế này, huyện quyết định ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội giảm nghèo bền vững cho các bản có tỷ lệ nghèo cao của ba xã, giai đoạn 2016-2020; đề án phát triển kinh tế-xã hội để đạt chuẩn nông thôn mới cho ba xã giai đoạn 2021-2025.
Sự vào cuộc đúng và trúng, kịp thời của huyện Vĩnh Linh cùng với sự giúp sức của các sở, ban, ngành trong tỉnh Quảng Trị, đã làm cho diện mạo ba xã này thay đổi rõ rệt, trở thành ba xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Trị đạt nông thôn mới; đủ các điều kiện cần thiết để huyện Vĩnh Linh hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới.
Cửa Tùng trước khi đổ ra Biển Đông. |
Làm thế nào để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương phục vụ xây dựng nông thôn mới là vấn đề được bàn sâu trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện giai đoạn 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “phấn đấu xây dựng huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025”.
Vì vậy Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định muốn thành công trước hết phải tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn với phương châm lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá thực hiện các tiêu chí khác, sớm cụ thể hóa tiêu chí đó thành các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề, yêu cầu các cấp chính quyền xây dựng đề án, kế hoạch huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Xác định thế mạnh, tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp để chọn trúng hướng đi; đồng thời khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động, tích cực của người dân tạo động lực thực hiện chương trình ý nghĩa.
Theo đồng chí Trần Nhật Quang, tùy từng giai đoạn, huyện có mục tiêu cụ thể để thực hiện. Giai đoạn 2020-2025 được xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng hơn nữa phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, gắn nông nghiệp với dịch vụ thương mại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Tận dụng lợi thế địa phương, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng số lượng gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
Những con đường nhựa trải dài, thẳng tắp rợp bóng xanh. |
Hiện thực hóa chủ trương và khát vọng này, ngay khi bước vào năm 2024, năm tăng tốc của nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiếp tục có Chỉ thị số 22 “đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới” lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh.
Huyện Vĩnh Linh xác định đạt kết quả huyện nông thôn mới là sự cộng hưởng trách nhiệm từ cấp ủy đến người dân. Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, vì vậy cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững, nâng tầm sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; quan tâm đầu tư, cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, làng nghề; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, để nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, giàu có như lời nhắn nhủ ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm Vĩnh Linh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phương châm xây dựng nông thôn mới không chỉ riêng cơ sở hạ tầng, mà còn xây dựng con người mới với tư duy và tầm nhìn mới.