Với những người làm nhiệm vụ đặc biệt trên đất bạn Campuchia, tìm thấy đồng đội là khoảnh khắc đáng quý nhất. (Nguồn: Đội K93)
Với những người làm nhiệm vụ đặc biệt trên đất bạn Campuchia, tìm thấy đồng đội là khoảnh khắc đáng quý nhất. (Nguồn: Đội K93)

Hành trình đưa các anh về đất mẹ

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian

NDO - Một buổi sáng tháng 7, khi chúng tôi vượt 90km từ thành phố Long Xuyên lên tới huyện biên giới Tịnh Biên – nơi đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đóng quân thì đã thấy căn phòng bên hông trái của doanh trại được bài trí rất trang trọng. Phía trong, dãy quách sơn cờ Tổ quốc được đặt xếp hàng ngay ngắn như tiểu đội lúc duyệt binh. Sát bên cạnh, bàn thờ cũng đã ngan ngát nhang bay…

Hôm đó cũng là ngày Đội K93 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang hoàn thành nhiệm vụ đợt 1 năm 2022 trên đất bạn trở về…

Hai mươi năm nặng một lời thề

Thượng tá Lê Đắc Thoa – Chính trị viên Đội K93 đưa chúng tôi tới thắp hương cho các anh ngay trước khi vào doanh trại. Do chưa rõ danh tính nên các thành viên của đội tìm kiếm đành phải đánh số trên nắp. Những ký hiệu khô khốc thay cho tên gọi: 1987, 1988, 1989…

“Chúng tôi vừa về nước vào ngày 20/7. Cả giai đoạn 1 mùa khô năm nay, cùng với K90 (Quân khu 9), đơn vị quy tập được tổng cộng 63 hài cốt liệt sĩ trên đất bạn”, vừa lẩm nhẩm đếm lại, Thượng tá Thoa vừa kể.

Theo thượng tá Thoa, trước thực tế vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ vẫn chưa tìm thấy phần mộ, năm 2000, Bộ Quốc phòng đã chính thức chỉ đạo khẩn trương thành lập các đội tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ tại chiến trường Campuchia và trong nước. Không lâu sau, 4 đội mang phiên hiệu “K” lần lượt ra đời. Riêng K93 trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang; hoạt động chủ yếu trên địa bàn các tỉnh Tà Keo, Kampong Speu, Kandal, Kampot, Koh Kong của Vương quốc Campuchia.

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 1

Chiến đấu và hy sinh tại đất nước của hoa Chăm Pa, đến lúc yên nghỉ, hoa Chăm Pa lại canh giấc cho các anh. Phía trước nhà lưu hài cốt của K93 là một dãy hoa trắng đang lặng lẽ tỏa hương... (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Là người gắn bó với đội từ những ngày đầu, Đại tá Phạm Quang Trung – nguyên Đội trưởng K93 nhớ lại: Do nhiệm vụ hoàn toàn mới nên phải mất gần 5 tháng sau, công tác chuẩn bị lực lượng, huấn luyện mới được hoàn thành. Giữa tháng 6/2001, tổ công tác đầu tiên chính thức lên đường làm nhiệm vụ.

Tới đất bạn, việc đầu tiên cần làm là cắm trại hành quân. Nhưng do nhiệm vụ đặc biệt, nên đội thường chỉ căng tạm lều bạt giữa rừng hoặc giữa cánh đồng nắng để ăn cơm. Người khỏe còn đỡ, ai yếu một chút là lử đử say dưới cái nóng như nung của xứ Chùa Tháp. Những khi buộc phải hành quân xa, các chiến sĩ trở dậy từ tờ mờ sớm, mang theo cơm hộp, cuốc xẻng rồi nối nhau cuốc bộ vào rừng. Có những bữa cơm, anh em phải chui vào mùng để… trốn muỗi bu vào như vãi trấu.

Ăn uống đã thế, chuyện ngủ nghỉ những ngày trên đất bạn cũng cực không kém. Ngày đào bới cật lực, đêm nào may mắn được về trại thì còn được ngả lưng trên tấm ván bắc tạm cho thẳng lưng. Gặp hôm phải ở lại “hố”, cánh đàn ông chỉ biết co mình trên chiếc võng quân dụng bịt kín đầu. Hơi thở theo đó cũng hầm hập vị nóng của rừng sâu…

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 2

Do đặc thù riêng, toàn bộ việc quy tập hầu hết đều phải sử dụng đôi tay và sức người để tránh làm vụn vỡ hài cốt. Cánh “lính đào” K93, ngón tay ai cũng bè ra, móng tay tái nhợt, chai sần vì quá quen với sỏi đá. (Nguồn: Đội K93)

Do đặc thù riêng, toàn bộ việc quy tập hầu hết đều phải sử dụng đôi tay và sức người để tránh làm vụn vỡ hài cốt. Mùa khô ở Campuchia, các hồ nước đều cạn, đồng ruộng không một bóng cây, mặt đất cứng ngắc lại. Cánh “lính đào” K93, ngón tay ai cũng bè ra, móng tay tái nhợt, chai sần vì quá quen với sỏi đá. Họ trân mình dưới nắng, cẩn trọng xới từng lưỡi xà beng.

Xắn xuống 3 tấc, nếu “nghe” thấy lưỡi xẻng chạm vào ni-lon hay xương là ngay lập tức dừng lại. Đến đây, tất cả các công đoạn còn lại hầu hết là dùng… tay trần. Tỉ mẩn gạt từng lớp đất để di cốt dần lộ ra sau vài chục năm ngủ quên. Gặp lúc ấy, ai cũng mừng tới… chảy cả nước mắt.

Kể về chuyện tìm mộ, ông Hai Trí – người đã dành cả phần đời sau khi về hưu để “kiếm đồng đội” bên kia biên giới cho biết: Cánh lính làm nhiệm vụ này có những kinh nghiệm riêng. Xắn xuống 3 tấc, nếu “nghe” thấy lưỡi xẻng chạm vào ni-lon hay xương là ngay lập tức dừng lại. Đến đây, tất cả các công đoạn còn lại hầu hết là dùng… tay trần. Tỉ mẩn gạt từng lớp đất để di cốt dần lộ ra sau vài chục năm ngủ quên. Gặp lúc ấy, ai cũng mừng tới… chảy cả nước mắt.

Chỉ trong nửa tháng mùa khô năm 2001, tiểu đội đặc biệt do Đại tá Phạm Quang Trung, tức Tư Trung dẫn đầu đã đào được 170 hố với… gần 1.000m3 đất đá. 19 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa về với đất mẹ Việt Nam, mở đầu cho hành trình kéo dài mãi tới tận bây giờ.

“Ngày bắt đầu, anh em chúng tôi có một lời thề: Chừng nào còn thông tin về mộ, chúng tôi sẽ còn đi. Nhưng không ai dám nghĩ, đã 22 năm trôi qua, lời thề ngày nào vẫn chưa thể được hoàn thành trọn vẹn”, Cựu đội trưởng K93 trầm ngâm, đôi mắt nhìn ra xa ngái.

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 3

Mỗi lần nhớ về những ngày đã qua, mắt ông Tư Trung lại đỏ hoe. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nói đoạn, ông bảo chúng tôi đợi rồi tất tả chạy vào nhà, kiếm tìm trong ngăn tủ. Một cuốn sổ nhỏ cỡ bàn tay được mang ra, bên trong ghi chép cụ thể từng chuyến đi nặng nghĩa tình.

Tháng 7/2001, chúng tôi đào được 95 bộ hài cốt ở Krivong. Tất cả có 277 hố tương đương gần 1.000m3 đất.

Từ 15/12-15/12002, cũng ở Krivong, đào 282 hố tương đương 1175m3 đất, tìm thấy thêm 30 người

Tính tới lúc ông nghỉ hưu, K93 đã triển khai 45 đợt tìm kiếm, cất bốc, quy tập.

45 chuyến hành quân, hơn 2.000 liệt sĩ được K93 đưa về với Đất mẹ Việt Nam - ấy cũng là những ngày Tư Trung và tất cả đồng đội trong Đội K93 chạy đua với thời gian, thậm chí đối mặt với hoàn cảnh mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở….

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 4

Cuốn sổ này là tài sản quý giá nhất của ông Tư Trung. Nó ghi lại hành trình ông cùng đồng đội đi đưa các anh trở về với đất mẹ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cuộc chạy đua khốc liệt

Ngồi trong căn chòi nhỏ đối diện nhà lưu giữ hài cốt trong khuôn viên doanh trại K93, Thượng tá Lê Đắc Thoa khẽ nhăn mặt khi chúng tôi nhắc tới sự tàn khốc của tháng năm. Đối với những người làm nhiệm vụ quy tập, dường như, thời gian là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất.

Chỉ tính riêng cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, chống chế độ diệt chủng Pol Pot, lịch sử đã có độ lùi tới hơn 40 năm. Số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trên đất bạn hầu hết đã cao tuổi, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút. Một số người đã qua đời khiến cho việc cung cấp thông tin mộ chí phần lớn có độ chính xác không cao.

Thời gian cũng khiến cho địa hình, địa vật thay đổi, dẫn tới quá trình định vị rất khó khăn. Cựu binh Hai Trí – người dẫn đường tận tụy của K93 mặc dù đã có nhiều năm chiến đấu trên đất bạn vẫn phải lắc đầu ngán ngẩm vì sự tàn khốc này. Ông kể: Trên trục lộ huyết mạch dẫn về Phnompenh trước đây từng xảy ra cuộc giao tranh dữ dội giữa quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng Pol Pot. Ngày xảy ra chiến sự, dân chạy hết vào rừng sâu. Các liệt sĩ nằm lại trên một khoảng đất mênh mông mà không còn nhân chứng sống.

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 5

Đối với những người làm nhiệm vụ quy tập, dường như, thời gian là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất. (Nguồn: Đội K93)

Những tưởng “điểm mốc” con đường này rất dễ nhận ra và thuận lợi cho việc quy tập, thế nhưng trải qua năm tháng, các công trình mới mọc lên khiến người lính già không sao tìm lại được dấu vết. Có những cánh rừng vốn là ngôi mồ tập thể của quân tình nguyện giờ hóa thành làng mạc, đồi nương. Đội K93 chỉ biết vừa đi, vừa hỏi, vừa mải miết ghi chép và đánh dấu những điểm đáng nghi. Có điểm đội chuyên trách phải đào tới 2,3 lần, có lúc sâu tới cả chục mét mới phát hiện những mẩu xương đã đen sạm và vài mảnh vải dù rách nát

“Tôi biết, trên K93 còn có chục sơ đồ mộ chí mà địa điểm ngày xưa đều ra rừng rậm. Khi anh em sang tìm thì thấy tất cả đều đã trở thành ruộng đồng, vườn tược. Địa hình, địa mạo thay đổi dữ dội khiến công tác quy tập gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, ngay cả những vị trí trước đây bộ đội ta ghi lại tọa độ cũng không chính xác do phương pháp đo khi đó chưa chuẩn”, Đại tá Trí chua xót kể.

Cựu đội trưởng Tư Trung cũng thừa nhận: Do sự thay đổi địa hình, địa vật, việc đào nhiều lần không thấy đã trở thành chuyện… bình thường. Ông kể, có đợt suốt 2 tháng ròng rã, dù đã đào qua hàng nghìn mét khối đất đá, cả đội vẫn không phát hiện được bất cứ một bộ hài cốt nào.

Thậm chí, ngay cả khi gặp nhân chứng là người bản địa Campuchia, thông tin vẫn có độ sai lệch cực lớn. Đại tá Huỳnh Trí nhớ lại: Có lần đội tìm kiếm vào một phum, sóc của người Khmer. Biết đoàn sang tìm kiếm mộ, một bà cụ đi nhặt củi dẫn anh em tới một tảng đá rất lớn nằm giữa cánh đồng rồi bảo: “Tôi nhớ trước đây, ở đây có chôn cất một bộ đội Việt Nam vì có chén cơm lạ lắm, làm bằng bom B52”.

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 6

Ông Hai Trí không giấu nổi sự xúc động khi nhớ lại những ngày đi tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Mừng như bắt được vàng, cả đội lao vào đào ở vị trí bà lão chỉ. Thế nhưng, càng đào, càng hun hút mà hài cốt chẳng thấy đâu. Khi tất cả đã mệt rã rời, ông Hai Trí mới động viên anh em mở rộng ra chung quanh với hy vọng mong manh.

Đào rộng ra chừng 2m thì lưỡi xẻng của một người lính trẻ đánh “cạch”. Biết đã thấy, gần chục người đàn ông lấm lem mới thở phào nhẹ nhõm.

Hơn 20 năm rong ruổi trên đất bạn, Đại tá Phạm Quang Trung thấm thía một sức ép khác của thời gian: Mùa mưa. Thông thường, các đội K sẽ có 2 đợt thực hiện nhiệm vụ ở nước bạn trong khoảng 10 tháng, chia thành 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7. Đợt 2 kéo dài từ tháng 11 năm trước tới tháng 3 năm sau. Đây cũng chính là thời điểm Campuchia bước vào mùa khô.

“Nếu đi vào mùa mưa, nước ngập sẽ không thể làm được. Thời gian ngắn thế nên chúng tôi gần như không có ngày nghỉ”, cựu đội trưởng K93 nói.

Vất vả là thế, nhưng không ai nề hà. Tất cả chỉ mong sớm đưa các bác, các chú trở về với quê hương...

Bởi vậy, khi có thông tin về mộ chí, cánh “lính K” lại huy động tối đa nhân lực. Từ bác sĩ, y sĩ, lái xe, phục vụ… đều tham gia đào “hết trơn, hết trọi”. Đào từ 4 giờ sáng, tới trưa nắng quá thì tranh thủ “tăng ca đêm”. Vất vả là thế, nhưng không ai nề hà. Tất cả chỉ mong sớm đưa các bác, các chú trở về với quê hương…

Sốt rét, bom mìn – khi hiểm nguy rình rập

Theo Đại tá Phạm Quang Trung, quá trình thực hiện nhiệm vụ của Đội K93 nói riêng và các đội K nói chung còn đối mặt thách thức khác là rừng ở nước bạn khá nguyên sinh nên có thú dữ, đặc biệt là rắn độc và muỗi…

“Suốt 5 năm đầu tìm kiếm, do trang bị còn thiếu nên anh em toàn nằm nghỉ dưới đất. Khi ngồi dậy còn in nguyên hình người bằng… mồ hôi trên mặt cát,” ông Trung kể.

Đáng sợ nhất phải kể tới muỗi rừng Campuchia. Muỗi bay từng đàn khi thấy hơi người. Muỗi vo ve theo sát từng bước chân. Chỉ cần hở ra, chúng sẽ bâu vào… mở tiệc. “Lính cũ” của Đại tá Trung trong một lần làm nhiệm vụ đã dính “thứ đặc sản quái gở”: Sốt rét. Cả người anh run lên từng cơn, sức khỏe nhanh chóng giảm sút. Bên ngoài, mồ hôi vẫn vã ra như tắm.

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 7

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người lính K93 thường xuyên đối mặt với nguy hiểm rình rập như bom mìn và sốt rét. (Nguồn: Đội K93)

Nhận thấy tình hình không ổn, ngay trong ngày, đội trưởng Tư Trung xin ý kiến cấp trên rồi cử một cánh đưa bệnh nhân khẩn trương về nước. Vào thời điểm đó, do tình trạng quá nặng, bệnh viện 175 tại An Giang đã chẩn đoán nguy hiểm.

“Rất may, đúng lúc này, có hai bác sĩ viện 108 ngoài Hà Nội vào công tác nên kịp thời đưa thuốc vào. Nhờ đó, đồng chí mới được cứu sống”, đội trưởng Tư Trung kể, tay vẫn khẽ run run. Ông nói thêm, bản thân ông cũng đã từng đối mặt với căn bệnh sốt rét rừng quái ác.

Một trong những hiểm nguy khác luôn rình rập những người lính K phải kể đến… bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Do các liệt sĩ hầu hết đều hy sinh ngay trên trận địa, nên khu vực tiến hành tìm kiếm thường xuyên xuất hiện các bãi mìn lớn. Ở nhiều tỉnh như Pailin, Krivong…, các chiến sĩ phải rất thận trọng khi tiến hành khảo sát ở những địa điểm mới. Người đi sau phải đặt đúng vào dấu chân người đi trước. Đội rà phá mìn được “lĩnh ấn tiên phong”.

“Nhiều trường hợp, quân Pol Pot thậm chí còn cài lựu đạn lên trên thi thể của quân tình nguyện Việt Nam. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ khi gặp hài cốt phải hết sức bình tĩnh, rà soát kỹ để tránh rủi ro”, Thượng tá Lê Đắc Thoa chia sẻ.

Vào vùng đất lửa giữa thời bình: Cuộc chạy đua khốc liệt với thời gian ảnh 8

Bất chấp hiểm nguy, gian khó, các chiến sĩ của Đội K93 luôn phấn đấu để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình. (Nguồn: Đội K93)

Hơn ai hết, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí là người thấm thía khoảng khắc sinh tử chỉ cách nhau một hơi thở. Ông kể, trong một lần đào hài cốt tại huyện Tịnh Biên, ông đã gặp phải mìn.

“Khi ấy còn chưa có đội. Tui nghe thông tin phát hiện 2 hài cốt thì cùng 2 người khác vào đào. Đến lúc gần lộ ra, tôi xắn xuống đất thì nghe tiếng "cọc" nên dừng lại, dùng tay móc lên thì phát hiện một quả mìn Zip địch gài ngay dưới thắt lưng hài cốt bộ đội. Loại mìn này nếu gặp trọng lượng trên 1kg là phát nổ. May mà thời gian đã làm hỏng, nếu không cả ba chúng tui đã xong đời rồi”, ông Trí hồi tưởng.

Một lần khác, khi cùng K93 tiến hành quy tập 5 hài cốt trên đất bạn Campuchia, ông Trí phát hiện ra đầu đạn M79 – một loại vũ khí có sức sát thương rất cao. Để bảo đảm an toàn, sau khi bốc cất xong, ông cùng đội tìm một khoảng đất trống, không có người rồi đào hố chôn.

“Anh em đào xong, tui mới cầm đầu đạn để trên tay, nhẹ nhàng bước đi. Được một đoạn thì cổ áo mắc vào bụi tre gai khiến tui ngã ngửa về sau. Lúc ấy, tôi chỉ biết nắm chặt đầu M79, tim muốn rớt ra ngoài. Phải mấy phút sau, tui mới ngồi dậy được, mồ hôi toát ra, lạnh ngắt hết trơn. Sống và chết khi đó chỉ cách nhau một giây”, ông Trí kể, giọng vẫn còn run run.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đội K93 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba; Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; Bộ Tư lệnh Quân khu 9 hai lần tặng Cờ đơn vị xuất sắc 5 năm liền trong phong trào thi đua Quyết thắng; UBND tỉnh An Giang tặng 13 Bằng khen; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tặng 10 Bằng khen, 7 Giấy khen và 12 danh hiệu đơn vị Quyết thắng…

Đặc biệt, Đội K93 là một trong những tập thể ưu tú của tỉnh An Giang vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020. Đây vừa là động lực, niềm tin và là hành trang để những người lính K93 “chân cứng đá mềm,” tiếp tục vượt suối, băng rừng trong hành trình tìm hài cốt liệt sỹ sinh qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh An Giang và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia để đưa về quê hương.

back to top