Người lính già hơn 20 năm tìm… đồng đội trên đất bạn Campuchia

Hành trình đưa các anh về đất mẹ

Người lính già hơn 20 năm tìm… đồng đội trên đất bạn Campuchia

NDO - Từng là người lính cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam, chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, Đại tá Huỳnh Trí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đã dành 20 năm sau khi nghỉ hưu để đi tìm… đồng đội. Nỗ lực của ông Hai “tìm mộ”– như cách bạn bè vẫn gọi đã góp phần quy tập được hơn 2.000 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó 275 hài cốt liệt sĩ có tên.

Một ngày cuối tháng 7… Ông Hai Trí - người cựu binh may mắn trở về từ chiến trường Campuchia lại lạch cạch thức dậy từ rất sớm để tự tay chuẩn bị cho đám giỗ đặc biệt nhất của mình: Giỗ đồng đội.

Ở cách đó hàng nghìn cây số, gia đình bà Trần Thị Tuyến (Mỹ Lộc, Nam Định) cũng đã sắp đủ 3 mâm cơm trước khi ra… “ngôi mộ gió” mời người thân là liệt sĩ trở về.

Trên khắp đất nước Việt Nam, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai. Hàng nghìn ngôi mộ gió, hàng chục nghìn tấm bia khuyết danh, hàng nghìn đám giỗ tập thể không di ảnh vẫn cứ âm thầm tồn tại như nỗi ẩn ức chẳng thể phai.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết “Hành trình đưa các anh về đất mẹ”. Loạt bài như một nén tâm nhang tri ân lớp lớp các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do.

Từ nỗi đau chiến trận

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bày biện đầy kỷ vật của những năm tháng chiến trận đã qua, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vẫn tỏ ra vô cùng minh mẫn, mặc dù đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hy.

Kể về cơ duyên đến với hành trình “tìm mộ” đồng đội, Đại tá Huỳnh Trí cho hay: Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, ông được phân về Ban Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang. Cuối tháng 4/1977, khi đang dự hội nghị mừng công tại Cần Thơ thì ông nhận được thông tin từ biên giới, lính Pol Pot đang xâm lấn nước ta. Ngay lập tức, ông được cử về An Giang để một lần nữa cầm súng chống quân thù. Trong cuộc chiến lần thứ hai này, những người đồng đội thân thiết nhất của ông đã vĩnh viễn nằm lại và bị thất lạc.

Lặng lại một lúc, ông trải lòng: Trong một trận công đồn, Đại đội 1 của ông hy sinh 5 người khi đang cố gắng tiếp cận lô cốt địch. Lệnh từ trên cũng như quyết tâm của tất cả anh em là phải bằng mọi giá đưa thi thể các đồng đội về tuyến sau.

Người lính già hơn 20 năm tìm… đồng đội trên đất bạn Campuchia ảnh 1

Tủ đồ được đặt trang trọng trong nhà, bên trong là những kỷ vật 20 năm ông Hai Trí mang theo để đi tìm đồng đội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

“Chúng tôi 3 lần nã đạn B40 vào lô cốt địch nhưng không công phá nổi. Cứ tới gần, từ bên trong, chúng lại quăng lựu đạn ra, không sao vô sát được. Ngay bên cạnh, một ngôi nhà trúng pháo nên cháy rừng rực, như một ngọn đuốc khiến mọi di chuyển của chúng tôi bị lộ hết”, Đại tá Huỳnh Trí kể.

Trận đánh thất bại. Đại đội buộc phải rút lui. Nhưng từ đó, nỗi day dứt lại đi theo ông Hai Trí. Tận tới sau này, khi hòa bình, ông tới chiến trường xưa kiếm tìm nhưng vẫn không thấy được hài cốt đồng đội. Nỗi day dứt ấy theo ông vào từng giấc mơ, nơi những gương mặt thân quen của những đồng đội lại hiện về. Nó đeo đẳng ông trong cả những câu chuyện nhuốm màu khói đạn mà ông vẫn thường kể lại cho các thế hệ sau nghe.

Đến độ, khi đã được điều động về làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, mặc dù chưa đến tuổi hưu, nhưng ông vẫn quyết tâm xin nghỉ để đi tìm đồng đội như cách trả nợ lịch sử.

Người lính già hơn 20 năm tìm… đồng đội trên đất bạn Campuchia ảnh 2

Những ngày tìm đồng đội trên đất bạn để lại những ẩn ức không nguôi trong lòng ông Hai Trí. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Một buổi sáng cuối năm 1999, Đại tá Huỳnh Trí đã chính thức xin tổ chức cho nghỉ để thực hiện tâm nguyện của mình. Ở tuổi 52, quyết định đó khiến tất cả đều bất ngờ.

“Khi ấy, không ít người cản tôi, nói tôi không minh mẫn. Tôi chỉ trình bày: Tôi từng tham gia hơn 100 trận đánh, trải qua nhiều vết thương, nhưng vẫn may mắn khi còn sống. Còn rất nhiều anh em khác đang phải gửi thân nơi xứ người, lạnh lẽo và cô đơn lắm. Ở tuổi 52, tôi còn sức nên muốn tập trung đưa anh em trở về”, cựu binh mặt trận Tây Nam nhớ lại.

Thấy chúng tôi thắc mắc về quyết định “về hưu sớm” của mình, ông Hai Trí cười khà khà. Ông bảo: Nỗi ám ảnh về những người đã nằm xuống trên chiến trường K thật ra chỉ là một phần nhỏ lý do. “Nhưng tôi thì lúc nào cũng nghĩ: Hòa bình mà chúng ta đang được hưởng bây giờ đã được đánh đổi bằng rất nhiều máu thịt của những đồng chí, đồng đội. Còn sống là một điều may mắn, thế nên, tôi phải tìm cách tri ân, đưa anh em trở về.”

… đến hành trình 20 năm đồng đội đi tìm… đồng đội

Việc đầu tiên ông Hai Trí làm khi nghỉ hưu là lên kế hoạch chi tiết về thông tin mộ chí. Người dân các huyện biên giới như Tri Tôn, Tịnh Biên dần quen với hình ảnh ông già chân cà nhắc, vai khoác ba lô, đi trên chiếc xe cũ mèm lặn lội tới từng nhà hỏi chuyện… liệt sĩ hy sinh. Tất cả được ông cẩn trọng ghi vào một cuốn sổ tay nhỏ. Mỗi khi xác định được chính xác, ông sẽ thông báo với Huyện đội địa phương để hỗ trợ cùng tìm kiếm. Có mộ ở quanh Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn, căn cứ Tỉnh ủy An Giang trước 1975), có mộ nằm ven tuyến biên giới Tây Nam quanh huyện Tịnh Biên hay sâu hơn trong Tân Châu, Châu Thành.

Cung đường đi tìm đồng đội mỗi lúc lại được mở rộng thêm ra. Từ trong nước, ông nghĩ tới việc sang nước bạn Campuchia để tiếp tục hành trình. Ông nhờ bộ đội biên phòng “gửi gắm” sáng đi, chiều về để có thể tìm kiếm quanh bán kính 10km sát biên. Cuốn sổ tay mộ chí theo đó cũng bị lấp đầy nhanh chóng.

“Hồi đó khó khăn lắm. Thấy tôi mang theo cuốc, xẻng lỉnh kỉnh, có người không tin tôi sang tìm hài cốt. Mặc dù đã xin phép và làm các thủ tục trước, nhưng không ít lần, tôi bị đuổi về. Nhưng tôi không nản. Bao nhiêu năm anh em đã mồ hoang mả lạnh, mình vướng một chút đã là gì”, ông Hai Trí nói.

Người lính già hơn 20 năm tìm… đồng đội trên đất bạn Campuchia ảnh 3

Khi nói chuyện, đôi mắt ông luôn đỏ hoe. Những ký ức từ những ngày đi tìm đồng đội dội về khiến ông luôn muốn... khóc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Với quyết tâm ấy, chỉ trong 2 năm 1999-2000, ông Hai đã đưa được 145 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 15 bộ hài cốt trên đất nước chùa Tháp về quy tập tại các nghĩa trang của tỉnh An Giang. Thế nhưng, để có thể được đi sâu hơn vào nội địa Campuchia – nơi những trận đánh khốc liệt nhất xảy ra, cần phải có một giải pháp khác.

“Vì thế, cuối năm 2000 tôi đã viết bức thơ gửi Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lúc bấy giờ, đề đạt nguyện vọng sớm có đội quy tập chính quy, quy mô hơn. May mắn là chỉ vài tháng sau, một loạt đơn vị như thế được thành lập. Riêng An Giang, đội tìm kiếm K93 (Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) được ra đời”, ông Hai Trí kể.

Cũng từ đó, ông trở thành cố vấn đặc biệt cho Đội K93. 17 năm ròng tiếp theo, ông Hai “tìm mộ” trực tiếp cùng các chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ sâu trong các xã của 4 tỉnh Takeo, Kampong Speu, Kampot và Koh Kong.

Ám ảnh hơn cả là lần cả đoàn tìm tới huyện Buset. Theo chỉ dẫn của những người già, gần chục con người xoay trần đào trên trảng rừng cao su. Chỉ một lát, hai bộ hài cốt được phát hiện ngay bìa rừng. Mộ được vùi nông, chỉ cách mặt đất chừng 50cm.

Linh cảm đây có thể chỉ là một phần nhỏ trong một nghĩa địa khổng lồ, ông Hai quả quyết đề nghị anh em tiếp tục mở rộng diện tìm kiếm. Những nhát xẻng công binh dần dần xắn sâu hơn, xa hơn. Hương khói và những tiếng lầm rầm cầu khấn vang vọng khắp rừng.

Sau vài ngày nỗ lực, hơn 10 bộ hài cốt khác được phát hiện thêm, lẩn khuất trải dài vào sâu lõi rừng cao su rậm rịt. Nhìn đồng đội, đồng chí ngày nào giờ chỉ còn những nắm xương tàn, không ai kìm được nước mắt.

Người lính già hơn 20 năm tìm… đồng đội trên đất bạn Campuchia ảnh 4

Những kỷ vật dưới lòng đất trở thành thứ tài sản quý giá nhất của ông Hai. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Lại có lần khác, khi tới một phum (bản của người Khmer) tại xã Tà Ô, huyện Krivong, thông qua người dân địa phương, ông Hai và các thành viên đội K93 biết được có ngôi mộ chung của 5 quân nhân tình nguyện Việt Nam. Ngày đó, trong thời gian đóng quân tại Tà Ô, mặc dù thiếu đói, nhưng cả 5 người vẫn kiên quyết không đào củ mỳ của dân để ăn. Các anh vào rừng, kiếm củ dại để lót dạ, không may trúng độc và qua đời.

“Khoai mỳ, khoai lang dân trồng dày xung quanh mà các anh vẫn không dám lấy. Nghe chuyện, chúng tôi chỉ biết lặng người đi, không thể nói thành lời”, ông Hai nghẹn lại, mắt đã đỏ hoe.

Năm nào cũng vậy, cứ tới gần ngày 27/7, ông lại đem những kỷ vật cóp nhặt được trong suốt chừng ấy năm đi tìm đồng đội ra lau lại, trong đó có chiếc bát thủng đáy làm từ mảnh bom B52, chiếc thắt lưng da đã xỉn màu...

Mỗi một chuyến đi lại để trong ông rất nhiều day dắt. Mãi tới khi sức đã yếu hơn, ông mới đành lui lại. Nhưng trong gần 20 năm qua, ông Huỳnh Trí và Đội K93 đã tìm được 2.533 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó 275 hài cốt liệt sĩ có tên.

Năm nào cũng vậy, cứ tới gần ngày 27/7, ông lại đem những kỷ vật cóp nhặt được trong suốt chừng ấy năm đi tìm đồng đội ra lau lại: Một chiếc bút máy Hồng Hà vẫn còn viết tốt, chiếc bát thủng đáy làm từ mảnh bom B52, chiếc thắt lưng da đã xỉn màu… Lau xong, ông lại ngẩn ngơ, chép miệng: “Giá mà tôi vẫn còn sức để đi…”

Bên ngoài, cơn mưa cuối tháng 7 đất An Giang bất chợt ào ào đổ…

(Còn nữa)

back to top