Tái hiện vẻ đẹp thi ca của Truyện Kiều bằng tiếng Anh

10 năm sau ngày xuất bản ba tập tiểu thuyết giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom ở tuổi lên 10, tác giả trẻ Nguyễn Bình bất ngờ trở lại văn đàn Việt Nam, nhưng với một vai trò khác, đó là dịch giả bản tiếng Anh của Truyện Kiều (Nguyễn Du), thi phẩm văn học vẫn được coi như là “quốc hồn, quốc túy” của Việt Nam.

Bìa sách bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Bình.
Bìa sách bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Bình.

Cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành dưới dạng song ngữ Anh-Việt, phần đầu là bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Anh của dịch giả Nguyễn Bình; phần hai là bản tiếng Việt do cụ Bùi Kỷ thực hiện, giúp độc giả tiện đối chiếu. Cùng với bìa sách khá ấn tượng được thiết kế bởi họa sĩ Lê Thiết Cương, tác phẩm còn có 15 tranh phụ bản do các họa sĩ: Lê Thiết Cương, Lê Chí Dũng, Bùi Mai Hiên, Bùi Tiến Tuấn thể hiện, mang đến những cảm nhận hội họa mới về Kiều được xem là khá ăn nhập với một tinh thần cũng rất mới của bản dịch.

Lý giải vì sao chưa đầy 19 tuổi đang học ngành Thiên văn học lại quyết định dịch Truyện Kiều, Nguyễn Bình cho hay cậu bắt đầu tiếp xúc với thi phẩm này từ những năm học cấp hai, song cũng như nhiều bạn bè đồng trang lứa, cách dạy khô cứng và áp lực phải học thuộc đã khiến cậu chẳng mấy mặn mà. Đến khi học cấp ba, Bình mới nhận ra bóng dáng Truyện Kiều trong các bài ca dao, lời ăn tiếng nói hằng ngày để rồi buộc mình phải đọc từ đầu đến cuối và thẩm định lại.

Tháng 8/2019, “khi sang đầu bên kia quả đất để học đại học, tôi bắt đầu đồng cảm rất nhiều với cuộc đấu tranh mười lăm năm ròng của nàng Kiều. Tôi nhớ có một lần đi xuống núi, dọc theo con đường mòn gồ ghề từ một đài quan sát thiên văn giữa một đêm tháng 10 lạnh lẽo, khi mặt trăng lập lòe sau hàng cây đang bắt đầu trụi lá và khiến tôi nhớ nhà. Bỗng nhiên tôi nhớ lại hai dòng thơ tả cảnh bên đường khi Kiều rời xa nhà lần đầu tiên: “Dặm khuya nhất lạnh, mù khơi/Thấy trăng mà thẹn những lời non sông!”.

Ấy cũng là lúc Bình thấy mình trong nỗi cô đơn của Kiều. Điều này thôi thúc Bình dịch Truyện Kiều bằng tiếng Anh, để những người chưa biết nhiều về tiếng Việt hay văn hóa Việt Nam có thêm cơ hội để khám phá một thi phẩm văn học thấm đẫm bản sắc, tâm hồn Việt.

Lâu nay, dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh vốn không đơn giản vì ngôn ngữ tiếng Việt giàu thanh điệu còn tiếng Anh thì không; chuyển ngữ Truyện Kiều càng là thách thức lớn, bởi việc cố gắng giữ thể thơ lục bát có tính tối giản cao của thi phẩm trong bản dịch tiếng Anh là điều gần như không tưởng, nhất là khi thể thơ này vốn hoạt động dựa trên những yếu tố mà tiếng Anh không có. Trong khi đó, Nguyễn Bình lại muốn thể hiện “những khía cạnh Việt Nam nhất về mặt ngôn ngữ của Kiều”, nên để bạn đọc tiếng Anh có thể cảm nhận rõ nét vẻ đẹp nhạc tính của bản gốc, cậu quyết định chuyển thể thơ lục bát của Việt Nam thành thể thơ “anh hùng song cú” (heroic couplet), lấy cảm hứng từ bản dịch sử thi Aeneid của John Dryden, bản dịch các sử thi của Homer, của Alexander Pope.

Theo Nguyễn Bình, cả hai thể thơ đều có đơn vị cơ sở là một cặp câu thơ vần với nhau, “một cặp câu của thể anh hùng song cú có thể không cho vần của nó nhỏ giọt xuống cặp câu kế tiếp như trong lục bát, song nó cũng thúc đẩy cái đà thơ y như thế bằng cách chia mỗi dòng thành các “nhịp thơ iambơ” - các cặp âm tiết trong đó âm tiết đầu tiên không được nhấn trọng âm, còn âm tiết thứ hai thì có”. Tạo cho bản dịch tính nhạc của riêng nó dựa trên việc liên kết bằng vần giữa các dòng thơ theo thể thơ tiếng Anh, có thể coi đó là hướng tiếp cận mới, chưa thấy ở các bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Anh trước đây.

Hẳn vì theo học một chuyên ngành khoa học, cho nên Nguyễn Bình quan niệm việc dịch Truyện Kiều “tương đương việc đưa sinh vật này ra khỏi môi trường sống tự nhiên của nó rồi vận chuyển tới môi trường hoàn toàn khác, nơi sinh vật buộc phải tự thích nghi để sống sót một cách trung thực với bản thân”. Trong quá trình đó, dịch giả - “nhà sinh học” của ngành nhân văn, phải đóng vai trò chủ động và điều chỉnh sao cho “sinh vật văn học” có thể thích nghi.

Đó là lý do khi dịch thi phẩm, Bình đã chọn một thể thơ được các nhà thơ Anh sử dụng phổ biến đầu thế kỷ 18, đủ gần với thời điểm sáng tác Truyện Kiều để có thể mượn phong cách thơ mà “nhuộm bản dịch của mình bằng đúng màu sắc trung đại của bản gốc trong tiếng Việt”, mặt khác tìm cách giữ nguyên các thành ngữ, lối nói tiếng Việt, thậm chí cả biện pháp tu từ với hy vọng bản dịch sẽ “ảnh hưởng tới người đọc theo đúng cách mà bản gốc đã ảnh hưởng tới tôi - một độc giả Việt Nam ngày nay”, Nguyễn Bình chia sẻ.

Để làm điều này, Bình xây dựng một hệ thống gồm 290 ghi chú tỉ mỉ với 51 trang, trong đó có ghi chú dài hàng trang, thể hiện sự nghiên cứu công phu của người dịch. Có lẽ đó là một trong các cơ sở để sau khi tiếp cận bản dịch, nhà thơ, giáo sư văn chương người Mỹ Bruce Weigl đã nhận xét trên bìa bốn cuốn sách: “Đây là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay. Điều khác biệt giữa bản dịch của Nguyễn Bình với hầu hết các bản dịch khác là chiều sâu và bề rộng nghiên cứu của dịch giả, và quan trọng nhất, cho phép dịch giả đưa chúng ta đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử của tác phẩm này. Tôi đánh giá bản dịch này chủ yếu vì những gì nó dạy cho chúng ta về hiện tượng văn học, văn hóa và chính trị có ý nghĩa mà Kiều đại diện. Đây là bản dịch xứng đáng sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Bản thân việc một người trẻ mới gần 20 tuổi đang du học nước ngoài nhưng yêu di sản thi ca dân tộc và muốn chuyển ngữ Truyện Kiều để thế giới biết thêm về một tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng của Việt Nam đã là điều đáng trân trọng. Trước khi dịch, Nguyễn Bình đã đọc bản dịch Truyện Kiều trước đó của nhiều dịch giả, những người rất tên tuổi và giàu kinh nghiệm. Bình cũng đọc các sử thi nổi tiếng của Anh, Ấn Độ hay châu Âu để tìm phương pháp, quan điểm dịch của riêng mình, qua đó mang đến một tinh thần, cảm nhận rất mới cho bản dịch Truyện Kiều. Bản dịch sẽ được gửi tới một số nhà xuất bản và các tổ chức văn chương quan trọng trên thế giới để họ có thể tiếp cận thi phẩm Truyện Kiều. “Trong nhiệm kỳ khóa X (2020 - 2025), Hội Nhà văn Việt Nam xác định việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới là chiến lược vô cùng quan trọng.

Chúng tôi luôn động viên, mong muốn các dịch giả trẻ Việt Nam dành tình yêu cho di sản văn học và có cách để chuyển tải tình yêu đó tới thế giới. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng để được thực hiện mạnh mẽ chiến lược dịch và quảng bá văn học Việt Nam. Khi đó, cùng với Truyện Kiều, những tác phẩm văn học nổi tiếng khác của Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều... cũng sẽ được chuyển ngữ để giới thiệu một cách cụ thể với thế giới về di sản văn học cổ điển của Việt Nam”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

TRANG ANH