Franz Kafka sinh năm 1883 tại Praha trong một gia đình Do Thái nói tiếng Đức trung lưu. Ông sáng tác bằng tiếng Đức, được giới phê bình xem như một trong những tác giả lớn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Ông được đào tạo để trở thành một luật sư. Sau khi tốt nghiệp ngành luật ở đại học, ông đi làm ở một công ty bảo hiểm. Kafka bắt đầu viết truyện ngắn trong những lúc rảnh rỗi.
Đời tư của Kafka khá phức tạp. Ông trải qua nhiều mối tình, nhưng đã hai lần từ hôn để cống hiến cho sự nghiệp viết văn. Trước khi mất vì lao phổi (năm 1924), ông đã đốt hầu hết tác phẩm của mình, đồng thời để lại di chúc yêu cầu người bạn thân Max Brod thiêu hủy mọi giấy tờ còn lại. Nhưng Max Brod, vô cùng ngưỡng mộ Kafka, đã làm trái ý nguyện này. Nhờ đó mà người đọc còn được biết đến thiên tài văn chương Franz Kafka - “thần tượng của những thần tượng”.
Một số tác phẩm của Kafka đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, nằm trong dòng sách kinh điển của Nhã Nam, như “Hóa thân”, “Lâu đài”…
Tuy sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng những gì mà Kafka để lại đã có ảnh hưởng to lớn đến văn học châu Âu. Dịch giả Đinh Bá Anh, người từng tham gia dịch một số tác phẩm của Kafka cho biết, lý do khiến cho Kafka trở thành một biểu tượng của văn học châu Âu là ông đã miêu tả một thế giới chưa từng có trước đó. Đó là thế giới chìm, thế giới của vô thức. Đọc Kafka, có cảm giác các câu văn của ông rất sâu, nhưng sâu như thế nào thì rất khó cắt nghĩa. Dịch giả Đinh Bá Anh cho rằng, Kafka đi trước thời đại, trước ông chưa có ai viết như vậy và sau ông cũng không có. Các dòng văn học phi hiện thực, văn học phi lý đều tôn ông làm “ông tổ” của mình.
Một bạn đọc chia sẻ rằng, văn của Kafka là văn kiểu “ám ảnh”. Nhân vật trong các tác phẩm của Kafka là những người tự thấy xa lạ với chính bản thân mình huống hồ là với những người khác. Trong các tác phẩm của ông luôn có một chặng đường không có hồi kết, mọi khái niệm về không gian và thời gian của mình không còn là của mình nữa.
Một bạn đọc khác nhận xét, văn của Kafka qua bao nhiêu manh mối như hoàn cảnh lịch sử, tiểu sử tác giả, nhưng việc tìm hiểu nó lại luôn là điều gì rất gần nhưng không bao giờ chạm tới được. Tác phẩm của ông luôn phảng phất một mô hình ngụ ngôn nguyên thuỷ, về nhu cầu kể của con người, cho ta cảm giác đã gặp ở đâu đó về một điều gì đó đã xảy ra rồi (Déjà vu).
Nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: “Nhìn bề ngoài, khó có thể nói Kafka là người cách tân về kỹ thuật. Ông phá vỡ những ý niệm về hiện thực, là người đầu tiên cho ta thấy tính bất định của hiện thực. Ông đẩy nhân vật của mình vào tình thế để người ta nhận ra rằng đó là cuộc đấu tranh để được tồn tại như một cá nhân và cuộc đấu tranh đó vô cùng khốc liệt".
Chính vì thế, việc chuyển ngữ các tác phẩm của Kafka sang tiếng Việt cũng là một thử thách rất lớn với các dịch giả, bất kể từ tiếng Anh hay tiếng Đức. Dịch giả Lê Vũ Cầu cho hay, đối với các tác giả khác, chỉ cần đọc từ 1-3 cuốn là có thể hiểu được, nhưng với Kafka thì không thể như thế nếu không biết rõ về cuộc đời và văn nghiệp của ông. Những sự cố trong cuộc sống gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ lên các tác phẩm của Kafka, thường là sự mâu thuẫn giữa cha và con, hình ảnh người cha khắc nghiệt và hình ảnh nhân vật chính bế tắc, không lối thoát trong cả cuộc sống bên ngoài và nội tâm.
Dịch giả Lê Vũ Cầu kể lại: “Khi bắt tay vào dịch tác phẩm của Kafka, tôi thấy rất nhiều điều phi logic, đến mức tôi phải đọc đi đọc lại và tìm bản tiếng Anh để kiểm tra xem có đúng không. Có những lúc tôi bỏ cả tuần không dịch chữ nào. Nghệ thuật của Kafka ở chỗ buộc độc giả phải đọc đi đọc lại. Không phải ngẫu nhiên mà 3-4 vị đoạt giải Nobel đều ca ngợi Kafka, còn chính Nabokov đã so sánh, với Kafka, những đại thụ khác của văn học Áo, Đức cũng chỉ như những người lùn mà thôi”.
Biên tập viên Cẩm Vân, tham gia biên tập cuốn “Lâu đài” của Kafka chia sẻ: “Sở dĩ các tác phẩm của ông nhận được rất nhiều bình luận, tranh cãi bởi chúng có nhiều tầng lớp ý nghĩa, và mỗi người khi đọc đều cảm nhận được bằng những trải nghiệm riêng của mình, vì thế ai nói cũng đúng. Kafka là người sống gần gũi với những người dân bình thường hơn các nhà văn khác cùng thời bấy giờ. Thành công của ông là “Tâm truyền tâm”, truyền được tâm thức của mình đến với người đọc”. Có lẽ chính đó là một trong những lý do khiến cho những sáng tác của Kafka, dù còn lại rất ít ỏi, nhưng vẫn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và đưa ông trở thành một hiện tượng của văn học thế kỷ 20.