Theo nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc (Trưởng khoa Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội), hiện nay, dù đất nước đã hòa bình và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế, vấn đề chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn cần được nhìn lại, được viết tiếp.
Về bao quát, có ba nhóm vấn đề đáng được quan tâm là: Từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay; Những biểu đạt văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ; Diễn giải điện ảnh-hội họa-nhiếp ảnh-âm nhạc về đề tài đặc biệt này.
Việc tiếp cận chủ đề chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ cần thể hiện từ nhiều khía cạnh khoa học và lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, đem lại những nhận thức mới cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Kim Lan (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, dòng văn học chiến tranh Việt Nam đã được chứng thực và lưu lại với một loạt tên tuổi hàng đầu, như: Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Bảo Ninh…
Mỗi người khắc sâu trong ký ức bạn đọc với một phong cách và tài năng khác nhau. Các cuộc chiến tranh hiện diện trong dòng chảy xô bồ, lắt léo và có cả sự phai nhạt nhiều giá trị của cuộc sống sau chiến tranh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Kim Lan dẫn chứng trường hợp tiểu thuyết "Mình và họ" của Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm này của Nguyễn Bình Phương được nhận diện giá trị ở hai khía cạnh: Hành trình tìm lại ký ức chiến tranh qua việc phân tích kiểu người kể chuyện bị bỏ quên, từ đó phô bày hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới cùng những dư âm của nó trong dòng đời xô bồ đương đại; nhận diện kiểu cấu trúc chấn thương qua việc phân tích tâm lý không được thấu hiểu, từ đó soi chiếu với tâm thức và lịch sử dân tộc để nhận ra phong cách riêng của nhà văn.
Tham luận "Thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay qua góc nhìn ký hiệu học văn hóa" của hai nhà nghiên cứu văn học Phạm Khánh Duy và Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Khoa Sư phạm, Trường đại học Cần Thơ) tại hội thảo cũng đã chứng minh mảng sáng tác về đề tài chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc luôn thu hút một lực lượng sáng tác dồi dào, nhất là ở thể loại thơ ca.
Các tác giả đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam, góp phần phác thảo diện mạo văn học, xem văn chương như "cột mốc" đánh dấu chủ quyền của đất nước.
Theo các nhà nghiên cứu, trong bối cảnh hiện nay, có một thực tế là những sáng tác về chiến tranh cách mạng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ngày càng khiêm tốn về số lượng và chất lượng. Cần lý giải thấu đáo để từ đó có thể đưa ra những nhận định, giải pháp.
Các nguyên nhân chính được đưa ra, gồm: Thế hệ nhà văn trải qua thời kỳ kháng chiến do tuổi cao sức yếu ngày càng hao hụt về số lượng; lực lượng văn nghệ sĩ làm công tác sáng tạo trong quân đội hôm nay còn mỏng; trải nghiệm của các cây bút trẻ chưa sâu sắc…
Không thể phủ nhận đã có những thế hệ người cầm bút tiếp nối mảng đề tài công phu; nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác trong và ngoài quân đội cũng được tổ chức khá sôi nổi, góp phần tô đậm thêm đề tài và hình tượng. Tuy nhiên, nếu xét về sự tương quan giữa hiện thực đời sống, giá trị cống hiến và hy sinh của người lính, của hậu phương thì cả số lượng và chất lượng tác phẩm văn học chưa thật tương xứng.
Giới chuyên môn nhận định, vấn đề cốt lõi nhất thuộc về tài năng, bản lĩnh của người cầm bút. Vẫn sẽ có những sáng tác hay về người lính hôm nay nếu như người viết hội đủ tài năng, có quan sát, trải nghiệm thực tế và thật sự tận tâm với đề tài này.
Vẫn còn đó những hy sinh thầm lặng của người lính trên khắp mọi miền của Tổ quốc cùng vô vàn khó khăn, gian khổ với nhiệm vụ hiểm nguy nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; vẫn còn đó truyền thống rất đỗi tự hào của thế hệ cha anh đang được vun đắp, dựng xây thành nét đẹp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời hiện đại.
Để có những tác phẩm xứng tầm, cần chú trọng vào tính tư tưởng, định hướng; sự đầu tư cho các cây bút ở mọi môi trường; phát huy vai trò của văn học trong giáo dục; đổi mới tư duy quản lý văn hóa, văn nghệ; coi trọng công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật nhằm định hướng, khích lệ, điều chỉnh hoặc phản biện hoạt động sáng tạo, quảng bá, tiếp nhận tác phẩm để tạo tương tác, đòn bẩy cho các tác phẩm được nung nấu, ra đời và đóng góp sôi nổi hơn.