Chỉ riêng điều này cũng đủ cho thấy, đã và đang phổ biến tình trạng một số nhà phê bình không tiếp cận tác phẩm bằng thái độ khách quan, mà chỉ bới móc, tìm ra những lỗi sai, điểm dở để phê theo kiểu "đập cho chết". Bởi thế, đôi khi chỉ vì những điểm hạn chế nhỏ nhặt, toàn bộ giá trị nghệ thuật của tác phẩm, khả năng sáng tạo của tác giả đã bị phủ nhận hoàn toàn. Không ít tác giả trẻ vì thế mà trở nên hoài nghi về năng lực sáng tạo, dẫn đến mặc cảm, thiếu tự tin để tiếp tục cầm bút. Những cuộc bút chiến nảy lửa trên văn đàn nhiều lúc còn biến người phê bình và người được (hay bị) phê bình thành hai phe đối chọi nhau. Ðến nỗi, có những trường hợp, người ta không nhìn vào thành quả sáng tạo để phê bình mà chỉ chăm chăm nhìn vào chủ thể sáng tạo để lên tiếng. Vô hình chung, phê bình đã không còn là "ngọn roi quất cho con ngựa văn chương vùng lên" như người ta hay ví nữa, mà trở thành dây cương kìm hãm sự phát triển của văn học - nghệ thuật.
Người làm phê bình văn nghệ là những người trực tiếp định hướng sự cảm thụ tác phẩm của công chúng. Những bình luận của người phê bình không chỉ tác động trực tiếp tới tác giả, tác phẩm mà còn chi phối tâm lý, tình cảm của công chúng đối với tác phẩm. Và khả năng chi phối này càng trở nên mạnh mẽ hơn nhiều khi giờ đây mỗi cá nhân đều có thể trở thành những nhà phê bình khi sở hữu những blog, tham gia các diễn đàn, mạng xã hội trên in-tơ-nét. Chính vì thế, để vai trò định hướng văn chương, định hướng dư luận của phê bình đi đúng hướng, những người làm phê bình chuyên nghiệp phải luôn luôn ý thức được một thứ gọi là văn hóa phê bình. Văn hóa phê bình biểu hiện ở cả mục đích phê bình, thái độ phê bình lẫn cách thức phê bình. Người có văn hóa phê bình phải xác định được phê bình là một cách để giúp tác phẩm hoàn thiện hơn, giúp tác giả nhìn được điểm mạnh, điểm yếu và sáng tạo tốt hơn, đạt nhiều thành công hơn. Ðến với tác phẩm, người phê bình cũng phải giữ thái độ khách quan trung thực, khen chê phải đúng liều lượng, đúng thời điểm trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối sự thật, dựa trên tinh thần đóng góp, xây dựng, không tô hồng cũng như bôi đen tác phẩm.
Văn học-nghệ thuật chỉ có thể phát triển khi sáng tác và phê bình tìm được tiếng nói chung. Vì thế, bên cạnh văn hóa phê bình, rất cần quan tâm tới văn hóa tiếp nhận phê bình của chủ thể sáng tạo. Thực tế cho thấy, không ít tác giả sau khi nhận được những ý kiến đánh giá, nhận xét không như ý đã tỏ thái độ bực tức và phản ứng thái quá bằng cách khăng khăng bảo vệ sáng tạo của mình và quay lại xăm soi, tìm kiếm những sai sót trong các sáng tác, các bài phê bình, thậm chí trong cả cuộc sống riêng tư của người phê bình. Ðã có những cuộc tranh cãi nảy lửa trên mặt báo không còn dừng lại ở việc trao đổi chuyên môn xoay quanh tác phẩm nữa mà biến thành những cuộc mạt sát nhau, trở thành đề tài gây cười cho công chúng, chẳng đem lại chút giá trị đóng góp nào cho văn nghệ. Văn học-nghệ thuật là "lãnh địa" của sáng tạo cá nhân, mà đã là sáng tạo cá nhân thì nhiều khi "ai cũng cho mình là hay nhất, là đúng nhất". Vì thế, tiếp nhận phê bình, đặc biệt là tiếp nhận những ý kiến chỉ ra hạn chế trong tác phẩm là điều không dễ, đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải bình tĩnh, biết lắng nghe và có thái độ tiếp thu trên tinh thần trao đổi, học hỏi, để tác phẩm của mình thêm hoàn thiện.
Chỉ khi nào văn hóa phê bình và văn hóa tiếp nhận phê bình được hình thành, bám sát mục đích nhân văn với tinh thần nghiêm túc, thân tình, xây dựng và thật sự mang tính học thuật, thì khi đó, phê bình mới thật sự trở thành đòn bẩy cho sự sáng tạo đúng hướng cũng như sự phát triển văn học - nghệ thuật.
HỒNG TRANG