Nửa năm trầm lắng
Quãng thời gian sau Tết đáng ra phải là lúc các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí diễn ra tưng bừng và nhộn nhịp nhất, nhưng không may, đầu năm nay lại cũng là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu lây nhiễm và diễn biến hết sức phức tạp ở nước ta. Chính vì thế, hàng loạt lễ hội, hoạt động đông người đều bị hủy bỏ. Các hoạt động ra mắt sách, tọa đàm, hội thảo, trình diễn, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, trưng bày, giao lưu… cũng đều không thể diễn ra.
Chưa hết, khoảng thời gian giãn cách xã hội để bảo đảm phòng chống dịch trong tháng 3 và tháng 4 cũng khiến cho hàng loạt hoạt động vui chơi giải trí thông thường như chiếu phim, biểu diễn xiếc, múa rối, ca nhạc… đều phải đóng cửa. Khi đó, cùng với du lịch, văn hóa trở thành một trong những lĩnh vực “im hơi lặng tiếng” trong sự lo lắng của nhiều văn nghệ sĩ.
Không chỉ các hoạt động trong nước, mà nhiều hoạt động thường niên của các cơ quan văn hóa nước ngoài cũng “đóng băng” trong nửa đầu năm nay. Từ “Những ngày châu Âu”, “Những ngày văn học châu Âu”, Liên hoan phim tài liệu châu Âu, các cuộc giao lưu, gặp gỡ…, cho đến các Tuần phim, Tuần văn hóa, Những ngày văn hóa của nhiều nước vốn vẫn tổ chức thường xuyên như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Đức, Pháp… đều không thể diễn ra, vừa bởi vì sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh khiến hệ thống y tế nhiều nước quá tải, và cũng do giao thông quốc tế đã tạm thời bị gián đoạn.
Những dòng chảy ngầm nhưng sôi động
Nhưng trong suốt những khoảng thời gian khó khăn đó, các nghệ sĩ không hề để sự sáng tạo đóng băng hay ngủ yên theo. Rất nhiều hình thức biểu diễn mới thông qua mạng xã hội, trang cá nhân, youtube được các nghệ sĩ sử dụng để kết nối, giới thiệu những sản phẩm của mình tới công chúng. Ca sĩ Hồng Nhung, thời điểm cuối tháng 3 còn kẹt lại ở Mỹ, đã cùng nhạc sĩ Vũ Quang Trung giới thiệu ca khúc mới nhất do chị sáng tác “Quê hương cần nắng” ngay trên trang cá nhân của mình. Các ca khúc “Ghen Cô Vy” do Bộ Y tế đặt hàng các nghệ sĩ Khắc Hưng, Erik và Min viết lại lời trên bản gốc “Ghen” đã trở thành hiện tượng toàn cầu về cổ vũ phòng chống dịch, “Việt Nam ơi” của Minh Beta cũng viết lại trên ca khúc gốc được đông đảo khán giả tìm nghe.
Ngay cả âm nhạc dân gian cũng không đứng ngoài cuộc. Nhóm xẩm Hà Thành gồm Mai Tuyết Hoa, Nguyễn Quang Long, Văn Phương, Phạm Trang, Phạm Dũng, Ngọc Xuân đã cùng nhau giới thiệu MV xẩm đầy tính thời sự: “MV “Tiêu diệt corona” được trình bày bản xẩm đầy dí dỏm, hóm hỉnh, lồng ghép các loại hình diễn xướng dân gian, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, phê phán những người thiếu ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều nghệ sĩ khác cũng hưởng ứng phong trào nghệ thuật cổ vũ phòng chống dịch bằng những sáng tạo của riêng mình.
Không chỉ cá nhân các nghệ sĩ hoạt động tự do, nhiều nhà hát và các nghệ sĩ chính quy cũng tìm tòi những phương thức mới chuyển tải tác phẩm đến khán giả. Nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã tải các tác phẩm, tiết mục trình diễn của mình qua mạng và nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả. Các nghệ sĩ Nhà hát còn chung tay thực hiện một clip ngắn mang tên "Một ngày cùng các nghệ sĩ VNOB và những người bạn", ghi lại hoạt động ở nhà một ngày của các nghệ sĩ trong thời gian giãn cách xã hội, với những buổi tập để chờ ngày trở lại sân khấu, trở lại với khán giả của mình.
Cùng trong thời gian này, lần đầu tiên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức biểu diễn trực tuyến “VNSO season opening concert”, phát sóng trên facebook và youtube với nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới: Holberg suite (Edvard Grieg), La Valse (Maurice Ravel), Bản giao hưởng số 9 From the new world (Antonin Dvorak)... Nhiều nhà hát khác như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… đều lần lượt giới thiệu các trích đoạn, tiết mục đặc sắc trên trang cá nhân của mình, vừa để góp phần khích lệ tinh thần người dân và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, vừa giúp các nghệ sĩ vơi đi nỗi nhớ sân khấu và khán giả.
Cùng trách nhiệm xã hội
Dịch bệnh và thiên tai, bão lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề và đảo lộn trong cuộc sống, nhưng đây cũng chính là lúc mà trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của những người làm nghệ thuật được thể hiện rõ ràng nhất. Từ bắc chí nam, từ già đến trẻ, các nghệ sĩ ở mọi loại hình nghệ thuật, mọi lĩnh vực của văn hóa đều bằng mọi cách, mọi khả năng để góp phần vào những công việc xã hội, mà nổi bật nhất là trong các đợt dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ. Các nghệ sĩ, các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật… đã đóng góp bằng sức lực của mình, vận động, quyên góp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cùng rất nhiều hiện vật để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân miền trung oằn mình chịu hàng loạt thiên tai bão lũ liên tiếp…
Không chỉ đóng góp và kêu gọi đóng góp bằng vật chất, các nghệ sĩ còn có những đóng góp tinh thần thông qua các tác phẩm, các sáng tạo…, vừa để ghi lại dấu ấn về một năm đặc biệt, vừa để khích lệ tinh thần người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Từ những ca khúc, bản nhạc, cho đến những vở kịch, chương trình biểu diễn…, đều mang dấu ấn của sức sáng tạo vượt lên trên khó khăn, đem sức mạnh, sự động viên tinh thần lớn lao đến với công chúng. Nếu âm nhạc có “Ghen Cô Vy”, “Việt Nam ơi”… thì sân khấu có “Người trong mắt bão”, “Đôi mắt Covid”… được người xem đánh giá cao.
Văn hóa nghệ thuật trong năm qua có nhiều biến động. Nhưng từ những khó khăn gian truân nhất, văn hóa đã chứng tỏ vai trò về mặt tinh thần của mình, khơi nguồn cảm hứng để những giá trị tốt đẹp trong xã hội nảy mầm.