Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.
Nội hàm của khái niệm văn hóa vô cùng phong phú và luôn thay đổi trong từng thời kỳ, do đó dễ dàng nhìn nhận thấy ở văn hóa một sự biến đổi, nối tiếp và phát triển mới. Xét chung nhất, văn hóa ý chỉ những giá trị tốt đẹp do con người sáng tạo ra.
Nhắc tới văn hóa, không thể không nhắc tới văn hóa tinh thần. Do những điều kiện tự nhiên và lịch sử, trong trái tim mỗi con người Việt Nam dần hình thành một tinh thần yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước, sự cần cù, chăm chỉ và sáng tạo trong lao động sản xuất, cũng như một tấm lòng nhân văn, khoan dung và cởi mở.
Văn hóa là “vũ khí tinh thần” của cả dân tộc, được hun đúc và lưu truyền qua nhiều thế hệ, “rực lửa cháy” cùng với ý chí quật khởi, kiên cường ở từng giai đoạn của lịch sử. Từ “Nam quốc sơn hà” của thời Lý, “Hịch tướng sĩ” của thời Trần, “Bình ngô đại cáo” của thời Lê, cho tới “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước” của Hồ Chủ tịch, như một lời hiệu triệu tinh thần yêu nước của cả dân tộc, góp phần vào từng thắng lợi của đất nước trước bất kể giặc ngoại xâm nào. Văn hóa nói chung và văn hóa tinh thần nói riêng đóng một vai trò hết sức ý nghĩa trong tạo dựng sức mạnh của mỗi quốc gia.
Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như một cách khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cũng như thúc đẩy bản sắc dân tộc và giá trị con người Việt Nam.
Trong thời điểm hiện tại, khi mà cả nước cần chung tay đồng lòng để sẻ chia những khó khăn, cùng nhau vượt qua những thách thức và thực hiện những mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đặc biệt trong vấn đề phát triển văn hóa và con người, văn hóa càng là một sức mạnh tinh thần lớn lao hơn bao giờ hết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, sau 75 năm nhìn lại, văn hóa đã thật sự đóng góp một vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước và gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể. “Qua từng giai đoạn của lịch sử, giới văn nghệ sĩ đã vượt qua vô vàn những khó khăn vất vả để tích cực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Tự ý thức được trách nhiệm mà Bác Hồ giao phó, giới nghệ thuật vẫn sẽ luôn luôn song hành cùng từng chặng đường cách mạng của Việt Nam trong thời gian tới”.
Văn hóa giờ đây đã trở thành một sức mạnh của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mọi quốc gia đều không chỉ tập trung phát triển nguồn lực chính trị kinh tế, tài nguyên thiên thiên, an ninh quốc phòng, mà còn chú trọng đẩy mạnh cả về văn hóa. Đóng vai trò như một “sức mạnh mềm”, văn hóa cũng góp phần củng cố hình ảnh, vị thế và tiếng nói của mỗi quốc gia trên bản đồ thế giới.
“Đảng và Nhà nước hơn bao giờ hết, dành một sự quan tâm đặc biệt cho công tác đẩy mạnh phát triển văn hóa và tạo mọi điều kiện cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ của từng văn nghệ sĩ, để có thể tạo ra những tác phẩm đạt được kỳ vọng của nhân dân, cả về mặt tư tưởng và nghệ thuật”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nước nhà, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng theo yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, đề cập đúng, trúng và toàn diện các vấn đề.
Bên cạnh chính trị và kinh tế, văn hóa Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì lẽ đó, chiến lược phát triển văn hóa dân tộc cần đi kèm với các giải pháp khả thi và đồng bộ, phù hợp với những điều kiện và yêu cầu của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân dịp 75 năm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, triển lãm với chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” diễn ra từ ngày 16 - 27/11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, có một ý nghĩa rất quan trọng, khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc trước một thời kỳ mới.