Cuốn sách bao gồm hai phần chính: “Một số vấn đề lý luận văn hóa” và “Tiếp nhận tác phẩm” là tập hợp những tiểu luận, bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trong 5 năm qua. Riêng phần một là những bài nghiên cứu lý luận mới nhất được thực hiện từ tháng 7/2021 cho đến tháng 8/2022. Bên cạnh bài viết chính định hướng chủ đề Phát triển văn hóa trở thành động lực nội sinh và hệ điều tiết phát triển theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, là các bài viết mới đặt ra những vấn đề trước đây trong nghiên cứu văn hóa còn ít hoặc chưa được đề cập đến như: Về chức năng điều tiết sự vận động và phát triển xã hội của văn hóa Việt Nam, Cảm nhận hay phác thảo về hệ giá trị quốc gia, Thời kỳ quá độ và sự nghiệp “trồng người”, Nghĩ về sự biến đổi và khả năng định hình các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, Văn hóa đời thường với sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội hiện đại...
Từ nghiên cứu thực tiễn, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng có những đúc kết về lý luận, đề xuất một số nhận định, suy nghĩ mới về các vấn đề nêu trên, đồng thời khẳng định những chuẩn mực văn hóa dân tộc được vun bồi qua các thế hệ đã trở thành hệ điều tiết sự phát triển, giúp điều chỉnh hành vi, nhận thức, hướng con người đến chân, thiện, mỹ, tạo dựng một môi trường xã hội văn minh, hài hòa. Trong 14 bài viết ở phần một cuốn sách, tác giả đưa ra những luận điểm cùng lập luận về hai nội dung lớn được gợi ý từ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, làm rõ vấn đề văn hóa phải là động lực nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước và vì chính sự phát triển bền vững đó mà cần phát huy cao độ chức năng điều tiết vốn có của văn hóa. Từ đó, giúp bạn đọc thấy rõ sự nhất quán, những bổ sung, điều chỉnh và phát triển trong hệ thống quan điểm của Đảng ta về văn hóa.
Những vấn đề được đề cập đã nêu bật vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước, từng bước định hình hệ giá trị văn hóa-tinh thần Việt Nam. Theo tác giả, văn hóa thẩm thấu vào toàn bộ đời sống xã hội, là những giá trị, chuẩn mực đã trở thành nhu cầu tự thân, bên trong con người, chi phối, điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm, hành vi và các mối quan hệ của mỗi người và cả cộng đồng, tạo nên các giá trị nhân cách, trở thành nền tảng tinh thần, định hướng và có sức mạnh điều tiết xã hội vì sự phát triển bền vững. Sức mạnh điều tiết của văn hóa không chỉ dừng lại ở những quan hệ cá nhân, cộng đồng mà còn có chức năng điều tiết các quan hệ của toàn xã hội, của một quốc gia, một dân tộc. Từ chiều cạnh của hệ điều tiết, sự phát triển, văn hóa không chỉ tác động ở dạng vi mô, cụ thể mà còn phát huy mạnh mẽ đối với sự phát triển vĩ mô trong các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội.
Các nghiên cứu mới thể hiện trong cuốn sách được nêu lên qua những tham chiếu từ kinh nghiệm vận dụng chức năng điều tiết phát triển xã hội của văn hóa ở Trung Quốc và các nước châu Âu cho đến những thành công của một số nước khu vực Đông Nam Á. Đối chiếu thực tiễn nước ta cùng những phân tích sâu sắc về hệ giá trị văn hóa-tinh thần Việt Nam, tác giả giúp người đọc từng bước nắm bắt được những định hướng đúng đắn về hệ giá trị văn hóa-tinh thần Việt Nam, phát huy chức năng điều tiết của văn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn, khoa học chức năng điều tiết của văn hóa với chức năng điều chỉnh của pháp luật và xây dựng các giá trị quốc gia nhằm định hướng, điều tiết hoạt động của con người.
Trên cơ sở nền tảng văn hóa dân tộc và sự tiếp nhận từ văn hóa nhân loại, tác giả bước đầu đã đưa ra những phác thảo về hệ giá trị quốc gia dưới góc nhìn của một nhà khoa học, hướng tới một hệ giá trị Việt Nam “Độc lập và giàu mạnh; Dân chủ và pháp quyền; Bình đẳng và hạnh phúc”. Trong đó chứa đựng các giá trị truyền thống của dân tộc và tính thời đại, đó là tinh thần độc lập, tự chủ, lòng yêu nước, khát vọng giàu mạnh, tình đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình cùng chung “một bọc đồng bào”, có cuộc sống hài hòa cá nhân, cộng đồng với các giá trị: dân chủ, bình đẳng, phát triển nhân cách gắn kết với giá trị truyền thống-cộng đồng. Khi những giá trị đó định hình và thấm sâu trong nhân cách, các chủ thể văn hóa hoàn toàn có thể chủ động và đầy đủ bản lĩnh tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa thật sự trở thành nguồn lực vô tận, động lực nội sinh của dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nội dung phần hai của cuốn sách tập trung phân tích, bình luận về các vấn đề trong xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật và những vấn đề có liên quan. Đó là các suy nghĩ, thể hiện quan điểm, cảm nhận của tác giả về các công trình, tác phẩm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật ở trong nước và quốc tế được chọn lọc từ “Nhật ký đọc sách” của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trong 5 năm qua, đề cập góc nhìn sâu sắc và hấp dẫn về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, các nền tư tưởng, triết học có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa dân tộc, phân tích mặt thành công, những giá trị và đóng góp của các công trình, đồng thời gợi ý, chỉ ra nhược điểm, hạn chế nếu có... Các bài viết tập hợp trong phần hai cũng cho thấy những dẫn chứng sinh động về hệ giá trị, tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam trong đấu tranh với thiên tai, địch họa và gần đây nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, hay thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống ở một số nơi, mang đến cái nhìn khá toàn diện về đời sống văn hóa Việt Nam hiện đại.
Cuốn sách “Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển” là tài liệu tham khảo hữu ích đối với cán bộ ngành văn hóa các cấp trong việc nhận thức, tham mưu, đề xuất đường lối, chính sách phát triển văn hóa giai đoạn hiện nay, đồng thời cung cấp những tư liệu quý, thiết thực giúp bạn đọc hiểu rõ, sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam, từ đó biết trân quý và phát huy những giá trị nhân văn, cao đẹp trong truyền thống dân tộc, xây dựng nền văn hóa nước nhà ngày càng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.