Văn hóa biển đảo Việt Nam-Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững

NDO - Chiều 28/4, tại Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Văn hóa biển đảo Việt Nam - Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững” với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà quản lý đến từ các bộ, ngành, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ trì hội thảo “Văn hóa biển đảo Việt Nam - Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững".
Các đại biểu chủ trì hội thảo “Văn hóa biển đảo Việt Nam - Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững".

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho hay, với vị trí đặc thù về địa lý trải dài hơn 3.200km bờ biển và quá trình “cộng sinh” với biển, dân tộc Việt Nam sở hữu hệ thống di sản văn hóa biển, đảo rất đa dạng với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể.

Trong nhiều năm qua, nước ta đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa lý và giá trị văn hóa biển, đảo trong phát triển, nhất là phát triển du lịch dịch vụ và xây dựng ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, việc bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa, biển đảo của đất nước vẫn còn những hạn chế, nhiều tín ngưỡng, lễ hội, giá trị văn hóa truyền thống bị mai một; môi trường sinh kế của cộng đồng bị ảnh hưởng, phá vỡ; việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo chưa được coi trọng đúng mức...

Văn hóa biển đảo Việt Nam-Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững ảnh 1
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo này cũng kỳ vọng sẽ làm rõ những vấn đề lý luận chung nhằm khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo làm nền tảng động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Cùng với đó, hội thảo cũng đánh giá tác động của thể chế, chính sách với việc phát huy giá trị văn hóa biển, đảo trong xây dựng các thiết chế văn hóa cho cộng đồng cư dân ven biển.

Đây cũng là cơ sở để khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa biển, đảo trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương có biển nói riêng.

Văn hóa biển đảo Việt Nam-Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững ảnh 2

Quang cảnh hội thảo.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang, từ xa xưa, văn hóa biển đảo đã là một hợp phần quan trọng của văn hóa Việt Nam. Văn hóa biển đảo khá phong phú, đa dạng; nếu chúng ta làm chủ và khai thác được những thế mạnh của nó sẽ mang lại hiệu quả to lớn, tích cực…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, với lợi thế tự nhiên có bờ biển dài hơn 125km, mảnh đất Hải Phòng đã sớm hình thành nên những không gian văn hóa đậm chất biển và là một điểm nhấn trong tiến trình phát triển của văn hóa biển, đảo Việt Nam.

Và vị thế địa lý tự nhiên cũng đã tạo cho Hải Phòng giữ vai trò một cảng biển cửa ngõ lớn nhất miền bắc, trở thành đầu mối giao thông quan trọng, là cửa chính ra biển của quốc gia khu vực phía bắc.

Văn hóa biển đảo Việt Nam-Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững ảnh 3
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam phát biểu tại hội thảo.

Đồng thời, Hải Phòng cũng là mảnh đất có nhiều hoạt động tín ngưỡng, lễ hội phong phú vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện nét văn hóa đặc sắc của vùng biển xứ Đông. Trong đó, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - một lễ hội đặc sắc mang tính chất toàn quốc mà hiếm vùng biển nào có, luôn hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Văn hóa biển, đảo Hải Phòng thể hiện rõ nét sự hào hùng, quật khởi trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, gắn với hình tượng Nữ tướng Lê Chân, Đức vương Ngô Quyền và 3 trận thủy chiến làm nên những trang sử hào hùng trên sông Bạch Đằng...

Cùng với đó, văn hóa biển, đảo Hải Phòng còn thể hiện sự bền bỉ, kiên cường gắn với quá trình mở đất, vươn ra biển chiếm lĩnh làm chủ không gian, chủ quyền biển đảo; tính mở và sự năng động, sáng tạo của 1 thành phố cảng cửa ngõ, thành phố công nghiệp...

Nhưng Hải Phòng cũng chứa đựng trong mình sự hấp dẫn, quyến rũ của văn hóa dân gian đa dạng, phong phú, vừa mang tính tâm linh của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo...

Văn hóa biển đảo Việt Nam-Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững ảnh 5

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống độc đáo của cư dân miền biển Hải Phòng luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam khẳng định, văn hóa biển, đảo đã và đang mang lại thế mạnh, tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hải Phòng, nhất là hoạt động cảng biển, du lịch, dịch vụ...

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung đánh giá vai trò, tầm quan trọng của các giá trị truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, đảo trong khát vọng phát triển đất nước bền vững; nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa biển đảo trong tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển và bảo vệ đất nước; quảng bá hình ảnh đất nước, con người và truyền thống văn hóa biển của Việt Nam ra thế giới; cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa biển của nhân loại, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, gìn giữ những nét đẹp văn hóa biển, đảo truyền thống…

Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những mặt chưa làm được trong trong quá trình triển khai chính sách, quản lý, khai thác văn hóa biển, đảo trên thực tiễn; phân tích, làm sáng tỏ kinh nghiệm của các địa phương có biển, đảo trong khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực giá trị văn hóa biển, đảo…