Tham gia thảo luận tại Tọa đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 chiều 18/9, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ là rất phức tạp và nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hai nguy cơ lạm phát và suy thoái, phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trong tình hình này, Việt Nam đã có lựa chọn khác, vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.
Giải thích cơ sở cho lựa chọn này, ông Thành nêu rõ cuối năm 2021, vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, thâm hụt, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức khả quan. Do vậy, Việt Nam đã quyết định dựa nhiều vào chính sách tài khóa, ngay cả việc hỗ trợ 2% thuế giá trị gia tăng, nguồn tiền hỗ trợ đều nhờ ngân sách, chưa cần dùng đến chính sách tiền tệ.
Theo ông, việc lựa chọn này là hợp lý, do chính sách tài khóa ít gây áp lực cho lạm phát hơn, đồng thời cũng có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.
Tiến sĩ Võ Trí Thành phát biểu ý kiến thảo luận. |
Nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, lựa chọn chính sách này đã giúp tình hình tài khóa của Việt Nam vẫn vững vàng khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, thu ngân sách tám tháng đầu năm tăng cao…
Về chính sách tiền tệ, ông Thành cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn, nếu nới lỏng hơn thì sẽ làm tăng áp lực lên tỷ giá và lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn.
Ông kiến nghị cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn, nếu nới lỏng hơn thì sẽ làm tăng áp lực lên tỷ giá và lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn.
(Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Chia sẻ về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết để tăng trưởng kinh tế, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà bản thân nền kinh tế cũng cần có vốn, chủ thể đầu tư. Theo đó, cần khơi thông đẩy đủ các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông, áp lực tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Sau 10 năm, quy mô nền kinh tế đã tăng 2,7 lần, quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Để hỗ trợ cho phát triển kinh tế, Ngân hàng nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là khoảng 14%, cao hơn 2 năm trước. Ông Hà nêu rõ, trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng để đạt được mức cao này.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn quan trọng
Phát biểu tại Tọa đàm cấp cao, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề rất được quan tâm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán cũng như định hướng phát triển thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ trưởng nêu 5 nhóm giải pháp mang tính đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ổn định, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của thị trường, rà soát các luật liên quan trực tiếp đến quyền được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn là Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Ngoài ra, Thứ trưởng cho rằng cần đa dạng hóa và cải thiện cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, do hiện nay thiếu nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức; đồng thời cần tổ chức đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho các nhà đầu tư trong quá trình phân tích những rủi ro tài chính của doanh nghiệp, để đưa ra quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu ý kiến thảo luận. |
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng của các định chế trung gian tài chính tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, định mức tín nhiệm của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, cần tăng cường giám sát, kiểm tra quá trình phát hành trái phiếu, đặc biệt phải thể chế hóa và phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước. Theo Thứ trưởng, khi xác định rõ trách nhiệm của từng đối tượng sẽ thực hiện nghiêm túc và hạn chế được rủi ro.
Về nhóm giải pháp cuối cùng, Thứ trưởng Tài chính kiến nghị công tác truyền thông phải minh bạch, kịp thời đến công chúng, đến xã hội về các chính sách, quy định của pháp luật đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị đối với thị trường đề phòng các rủi ro để có thị trường trái phiếu lành mạnh.
Ông Nishad Majmudar, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm Quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s đánh giá cao hiệu quả chính sách tài khóa của Việt Nam, đặc biệt là chính sách quản lý nợ mang tầm nhìn xa của Chính phủ. Điều này bao gồm việc giảm tỷ trọng các khoản vay nước ngoài và chuyển dịch sang vay thương mại nội địa sử dụng Việt Nam đồng. Qua đó góp phần làm giảm áp lực tổng vay nợ cho Chính phủ, đồng thời làm giảm rủi ro tái cấp vốn theo thời gian.
Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị Việt Nam cần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để có thể trở thành các đối tác địa phương tốt của các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng đòi hỏi đa dạng hóa mạng lưới. Bên cạnh đó, cần bảo đảm nguồn nhân lực bởi vấn đề cấp bách cho các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam chính là tuyển dụng.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội bày tỏ mong muốn nhìn thấy những chính sách, hệ thống pháp lý rõ ràng hơn, đạt chuẩn quốc tế, những chính sách phát triển không tạo gánh nặng hay gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi hoạt động tại Việt Nam.