Quá trình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn nhiều bất cập, hạn chế. Tuy nhiên về cơ bản, diện mạo Thủ đô đã có nhiều thay đổi tích cực. Do đó, tính kế thừa của quy hoạch vẫn là yếu tố quan trọng, được xác định rõ trong mục tiêu, nhiệm vụ của đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm từ một số đô thị có quy mô tương đồng trên thế giới. Các đô thị này có trình độ phát triển từ trung bình cao đến cao và thời gian phát triển hơn 20 năm.
Kinh nghiệm phát triển hạ tầng và thương hiệu của thành phố
Johannesburg là thành phố lớn nhất của Nam Phi, một trong 40 vùng đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố này đã phát triển theo mô hình TOD, phát triển mô hình thành phố nén để tối ưu hóa đất đai đô thị, tiết kiệm năng lượng và hạ tầng. Đây cũng là thành phố quốc tế có trụ sở của Tòa án Hiến pháp tạo ra đặc trưng và những yếu tố thúc đẩy phát triển.
Từ kinh nghiệm của thành phố Johannesburg, Hà Nội cũng định hướng phát triển theo mô hình TOD để phát triển hạ tầng đồng bộ, tạo độ nén cao, tối ưu hóa đất đô thị. Hà Nội sẽ trở thành thành phố 30 phút (thời gian để tiếp cận các địa điểm nội vùng). Thương hiệu được Hà Nội lựa chọn đó là Thành phố quốc tế vì hòa bình, trở thành trung tâm đối thoại hòa bình quốc tế và phát triển thành phố sáng tạo quốc tế về thiết kế.
Những đặc điểm nổi trội của Johannesburg trong phát triển đô thị được ứng dụng vào đồ án quy hoạch chung Hà Nội với lựa chọn phát triển cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài, đồng thời quy hoạch sân bay thứ hai đặt tại hai huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa; từ đó tạo nên trung tâm logistics, đẩy mạnh du lịch thiên nhiên, khai thác du lịch 5 sao MICE bao gồm trải nghiệm du lịch ngoài trời, tổ chức hội nghị, hội thảo, kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Hà Nội sẽ phát triển rừng hiện có tạo nền tảng cho phát triển đô thị bền vững. Việc bảo vệ rừng đồng thời khai thác tín chỉ các-bon, tạo lập hệ sinh thái du lịch ven rừng, gây dựng và kiến tạo rừng nhân tạo để gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Liên kết đô thị cũ-mới
Về mô hình cấu trúc đô thị, thành phố Seoul (Hàn Quốc) và thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có kinh nghiệm phát triển thành phố trung tâm và trung tâm phụ. Thành phố mới Gang Nam của Seoul và Phố Đông của Thượng Hải đều được khai thác và liên kết mạnh mẽ với đô thị cũ. Thành phố trẻ, năng động sẽ cân bằng và hỗ trợ cho thành phố cổ, giàu truyền thống, văn hóa, lịch sử. Hai thành phố này xây dựng hệ sinh thái đô thị để cùng hỗ trợ phát triển, khai thác hiệu quả không gian hai bên sông.
Thành phố mới có thế mạnh về khung chính sách thu hút nhân tài, đầu tư, hình thành động lực mạnh mẽ, làm tiền đề cho một thành phố trẻ, giàu có, hiện đại, sáng tạo… Seoul có ba trung tâm và bảy trung tâm phụ, Thượng Hải có hai trung tâm và ba trung tâm phụ. Các trung tâm phụ với các mục tiêu ưu tiên để dễ dàng xây dựng chính sách đặc thù, ưu tiên và giảm tải cho các thành phố trung tâm.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội học tập kinh nghiệm của Seoul và Thượng Hải để tạo dựng mô hình thành phố trong thành phố với định hướng phát triển hai thành phố mới làm đối trọng cho thành phố đã phát triển. Thành phố phía tây là khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai; thành phố phía bắc gồm khu vực các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.
Trong tương lai thành phố thứ ba được xác định ở khu vực các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, gắn với việc xây dựng cảng hàng không quốc tế thứ hai của Hà Nội, thiết lập trục tăng trưởng mới hỗ trợ sự phát triển bền vững của trung tâm cũ. Người dân của thành phố chỉ mất 30 phút để tiếp cận tất cả các tiện ích như nơi làm việc, nhà ở, khu vui chơi, giải trí, đồng thời thiết lập các hành lang kinh tế làm cơ sở xây dựng không gian phát triển đô thị.
Theo kinh nghiệm của Johannesburg, thành phố này cũng đã chuyển đổi thành công cấu trúc đô thị từ đơn cực sang đa cực; ứng dụng cho Hà Nội là định hướng phát triển phía bắc sông Hồng là cực mới, trung tâm đa chức năng, là khu vực hiện đại đối trọng với khu vực trung tâm nội đô có bề dày lịch sử, văn hiến, có lịch sử phát triển lâu đời.