Đầu tháng 9 vừa qua, dư luận cả nước xôn xao khi cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi có bài viết trên Facebook cá nhân phản ánh việc cô phải tự bỏ toàn bộ chi phí khi… đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Giải vô địch thế giới billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới 2024 tại Pháp. Trước đó, các vận động viên đỉnh cao khác của Việt Nam như Thùy Linh, Tiến Minh (bộ môn cầu lông) cũng không ít lần “than thở” về việc họ phải “du đấu tự túc” trong nhiều giải đấu lớn tầm quốc tế. Vấn đề liên quan đến “kinh phí hỗ trợ” thậm chí còn làm nóng nghị trường trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi nhiều đại biểu đã lên tiếng chất vấn về thực trạng các vận động viên thành tích cao bị bớt xén tiền thưởng và… cả khẩu phần ăn. Mặc dù, mỗi năm, ngân sách Nhà nước (chưa tính ngân sách của các địa phương) dành khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao, nhưng những “câu chuyện buồn” kể trên vẫn đang tiếp diễn. Loạt bài Thể thao Việt Nam - nhìn từ những sự việc "nhức nhối" đề cập về thực trạng, phân tích nguyên nhân, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển thể thao đỉnh cao của các nước trong khu vực và đề xuất giải pháp để thể thao Việt Nam vươn tầm quốc tế. |
TỰ BỎ TIỀN ĐẠI DIỆN CHO ĐẤT NƯỚC ĐI THI ĐẤU GIẢI VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI
Mới đây, nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi (vận động viên của thành phố Đà Nẵng) có chia sẻ trên trang facebook cá nhân một số vấn đề liên quan đến Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) khiến dư luận rất quan tâm và đặt nhiều dấu hỏi.
Theo đó, tại giải Billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới (World Championship Ladies) diễn ra tại Pháp vào trung tuần tháng 9, billiards carom 3 băng Việt Nam có 2 đại diện được cử đi tham dự là Nguyễn Hoàng Yến Nhi và Phùng Kiện Tường. Yến Nhi đã xuất sắc vào đến bán kết và đoạt Huy chương Đồng giải vô địch thế giới này. Trong lịch sử billiards thể thao Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một nữ cơ thủ giành được huy chương ở giải nữ vô địch thế giới.
Nguyễn Hoàng Yến Nhi (thứ hai từ phải sang) xuất sắc giành Huy chương Đồng trước những nữ cơ thủ hàng đầu thế giới. (Ảnh: FBNV) |
Yến Nhi cho biết, cô cùng đồng đội Phùng Kiện Tường đã tốn khoảng 55 triệu đồng/người cho lần đi Pháp dự giải nữ vô địch thế giới 2024 (gồm tiền vé máy bay khứ hồi, ăn uống trong 6 ngày, di chuyển tàu xe đến địa điểm thi đấu). Tuy nhiên, Yến Nhi bày tỏ sự thất vọng khi cô và đồng đội không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ kinh phí nào từ VBSF để cô trang trải cho chuyến du đấu ở Pháp. Tất cả số tiền chi phí đó, Yến Nhi và Kiện Tường phải tự bỏ “tiền túi” ra.
Yến Nhi chia sẻ, vào tháng 3/2024, VBSF ra thông báo thu tiền để trở thành thành viên VBSF với số tiền 500.000 đồng/cơ thủ/năm và 200.000 đồng để làm thẻ thành viên. VBSF đã thu tiền vận động viên và hoàn toàn không chi trả dù chỉ là một khoản tiền nhỏ cho cô và đồng đội tham dự giải đấu, dù thi đấu với tư cách là vận động viên được cử đại diện cho Việt Nam.
“Vậy số tiền VBSF đã thu của chúng em và các vận động viên khác, nếu không hỗ trợ cho vận động viên đại diện quốc gia thì chúng ở đâu? Trong khi đó, việc thi đấu với số tiền trên là rất nhiều so với 1 vận động viên có thu nhập lương đội tuyển là 11,5 triệu đồng/tháng như chúng em”, Yến Nhi đặt câu hỏi.
Yến Nhi bày tỏ: “Em cảm thấy thật sự rất bất công với các vận động viên đang thi đấu và cống hiến cho nước nhà mà không nhận được một khoản chi phí hỗ trợ nào từ VBSF. Vậy câu hỏi được đặt ra là thành lập VBSF để được gì, trong khi trước đó khi VBSF chưa thu tiền vận động viên thì đơn vị chủ quản của em sẽ tự lên kế hoạch cho việc có vận động viên đi thi đấu nước ngoài”.
Nguyễn Hoàng Yến Nhi mang theo màu cờ Việt Nam đến đấu trường quốc tế. (Ảnh: FBNV) |
Sau khi có phản ánh của cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi, trả lời báo chí, ông Đoàn Tuấn Anh, Tổng thư ký VBSF (kiêm phụ trách bộ môn này ở Cục Thể dục Thể thao) cho biết, khi hỗ trợ Yến Nhi làm thủ tục đi thi đấu, hai bên đã bàn bạc với nhau về việc sẽ không có kinh phí hỗ trợ từ VBSF mà do cá nhân hoặc địa phương tự chi trả.
Về các khoản thu từ hội viên, ông Tuấn lý giải, tiền hội phí từ các hội viên đóng góp là không đủ cho các sự kiện của liên đoàn làm trong năm. Hai giải của carom lẫn pool, chỉ tính riêng tiền giải thưởng nằm trong điều lệ là đã 700 triệu trong khi tiền hội phí từ các thành viên, tối đa chỉ khoảng 350 triệu/năm.
Về vấn đề này của Yến Nhi, trao đổi với PV Báo Nhân Dân, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, các chế độ của vận động viên thể thao tham dự các giải thi đấu quốc tế được quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Theo đó, vận động viên được hưởng nhiều chế độ như: Chế độ tiền lương, tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; các chế độ về tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tiền thưởng khi có thành tích.
Tuy nhiên, theo Luật sư Diệp Năng Bình, về kinh phí đi lại, ăn uống, hiện nay không có văn bản quy định chi tiết, cụ thể về việc vận động viên tham gia giải thể thao quốc tế tại quốc gia khác thì được hỗ trợ như thế nào, mức hỗ trợ ra sao.
Vì vậy, theo Luật sư, rất khó để khẳng định việc vận động viên tự bỏ kinh phí (tiền đi lại và tiền ăn) đi Pháp thi đấu mà không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng là đúng hay sai do chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể.
“Lẽ thường, các vận động viên đi thi đấu các giải quốc tế để mang danh dự về cho Tổ quốc thì xứng đáng được hỗ trợ, động viên, khích lệ tinh thần. Đặc biệt các khoản chi phí tham dự giải đấu cần thiết được các cơ quan, tổ chức ban ngành có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kịp thời”, Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.
NHỨC NHỐI CHUYỆN BỚT XÉN KHẨU PHẦN ĂN, TRÍCH PHẦN TRĂM GIẢI THƯỞNG
Trước đó, vào đầu tháng 10/2023, dư luận xôn xao khi các vận động viên của đội tuyển trẻ bóng bàn Việt Nam “kêu đói” vì khẩu phần ăn không đủ và nghi ngờ bị cắt xén dù mỗi ngày, vận động viên được nhận 320.000 đồng tiền ăn theo chế độ từ ngân sách Nhà nước.
Theo phản ánh, bữa ăn của nhóm 8 vận động viên tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với chi phí 800.000 đồng, nhưng chỉ có đậu rán, cá ba sa kho, nem rán (chả giò), một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua. Các vận động viên cho biết, vì ăn uống không đầy đủ nên thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập luyện…
Bữa ăn được cho là có giá 800.000 đồng (cho 8 vận động viên trẻ) ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. (Ảnh cắt từ clip) |
Sau phản ánh này, lãnh đạo Cục Thể dục Thể thao đã quyết định đưa đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tập luyện tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình về trung tâm Nhổn. Mục đích để bảo đảm tốt điều kiện ăn, ở cho vận động viên.
Vụ bữa ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ: Đình chỉ 2 huấn luyện viên
Gần đây nữa, vào giữa tháng 1/2024, vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương đã tố cáo việc phải trích phần trăm từ tiền thưởng huy chương để đưa cho huấn luyện viên N.T.D.
Theo phản ánh, cứ mỗi tấm huy chương được thưởng bao nhiêu tiền thì ngoài 10% tiền thuế thu nhập, cô phải nộp thêm 10% cho huấn luyện viên của mình ở bộ môn thể dục dụng cụ thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội. Ngoài việc phải trích 10% tiền thưởng huy chương, còn phải nộp cả tiền thưởng nóng, với mức lên tới 50%.
Ngay sau đó, sự việc đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên nghị trường.
Phát biểu chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng. Bên cạnh những câu chuyện đẹp, đậm nghĩa thầy trò của thể thao Việt Nam thì những vụ việc bị phát hiện ở trên đã thể hiện mặt trái của thể thao thành tích cao, phản ánh hiện thực rằng chế độ đãi ngộ cho đối tượng này chưa thực sự phù hợp, cơ chế quản lý chưa thực sự hiệu quả. Điều này còn kéo theo hậu quả là thể thao thành tích cao của Việt Nam không thể phát triển trong môi trường công bằng, minh bạch, không tạo được động lực cho vận động viên và huấn luyện viên”.
Bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn, để vận động viên phải tự trả toàn bộ chi phí đi thi đấu ở nước ngoài để mang vinh quang về cho Tổ quốc chỉ là một trong nhiều sự việc “nhức nhối” của ngành thể thao được phát hiện trong thời gian qua. Vậy, đây là những trường hợp cá biệt hay là hệ quả tất yếu đến từ những tồn tại, hạn chế của ngành thể thao đã xuất hiện từ lâu? Và đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến những thực trạng nêu trên?
(còn tiếp)