Với sự tham gia của đại diện 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hội nghị trực tuyến của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự thích nghi. Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là việc thích nghi với những ngày nắng nóng cực đoan, lũ quét và nước biển dâng đang trở thành một vấn đề sống còn. Nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển bền vững và Phát triển quốc tế ở Paris (Pháp), đồng thời là đồng tác giả báo cáo của IPCC cho rằng, ngay cả khi tìm ra các giải pháp nhằm giảm phát thải các-bon, thế giới vẫn cần có những biện pháp nhằm giúp thích nghi tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo cáo của IPCC với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đã khẳng định, nhiệt độ Trái đất gần như chắc chắn sẽ tăng ở mức hơn 1,50C trong vòng 10 năm tới. Hiện nhiệt độ ở bề mặt Trái đất đã tăng 1,10C so với thế kỷ 19. Trong khi đó, theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các bên cam kết giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng ở mức dưới 20C và mức lý tưởng nhất là 1,50C. Do đó, báo cáo của IPCC lần này là lời cảnh báo để các nước phải tăng cường những mục tiêu tham vọng hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Các tính toán cho thấy, tình trạng ấm lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm nguy cơ tuyệt chủng của các loài sinh vật, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh do muỗi gây ra, nắng nóng gây chết người, tình trạng thiếu nước ngọt, giảm sản lượng mùa vụ… Chỉ trong năm 2021, thế giới đã chứng kiến một loạt đợt lũ lụt, nắng nóng kéo dài và cháy rừng chưa từng có trước đây, xảy ra ở khắp bốn lục địa. Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nhận định, thế giới chưa ở trong lộ trình tốt để có thể đạt mục tiêu toàn cầu nhằm tránh các tác động tiêu cực nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, do vậy cần thiết phải tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ này.
Trong bối cảnh các quốc gia đang chật vật tìm cách thực hiện những cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26, thì vấn đề khó khăn tài chính càng khiến “lực bất tòng tâm”. Ngay cả nền kinh tế số một thế giới cũng đang đối mặt rào cản tài chính, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phải nỗ lực tìm kiếm nguồn tài chính hàng tỷ USD cần thiết để thực hiện cam kết khí hậu của chính phủ. Khoảng cách trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giữa nước giàu và nước nghèo cũng bị nới rộng bởi vấn đề tài chính và khoảng cách này càng cản trở việc đạt được các mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tháng 11 năm nay, Ai Cập sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao COP27 và trong vai trò chủ nhà, Ai Cập đặt mục tiêu huy động nguồn tài chính cho lĩnh vực khí hậu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, cũng như để chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước châu Phi đang thuộc nhóm chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhằm phát huy vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết, trong năm nay sẽ thúc đẩy thành lập một “câu lạc bộ khí hậu” với thành viên là nhiều nền kinh tế hàng đầu, đặt mục tiêu thống nhất các tiêu chuẩn chung về bảo vệ khí hậu và tránh những yếu tố bất lợi trong cạnh tranh khi các nước chuyển đổi nền kinh tế để đạt mục tiêu trung hòa các-bon.
Những cảnh báo, những chương trình hành động đã được đưa ra trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một vấn đề sống còn của toàn cầu. Trong bối cảnh không còn nhiều thời gian cho cuộc chiến cam go này, các quốc gia, nhất là các nước giàu, được khuyến khích đưa ra các cam kết tham vọng hơn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những tuyên bố đưa ra tại các hội nghị vẫn cần sự đoàn kết, quyết tâm và những hành động cụ thể của từng quốc gia trong nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới.