Vấn đề an ninh phi truyền thống trong nền an ninh quốc gia

NDO - Ngày 7/12, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia’’, thuộc đề tài KX.04.32/21-25.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: AJC)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: AJC)

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và nhiều các nhà khoa học, nghiên cứu, lý luận…

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, an ninh phi truyền thống là một vấn đề của thế giới đương đại và là thách thức đặt ra đối với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề có tính toàn cầu, xuyên biên giới đe dọa các quốc gia và cộng đồng quốc tế, từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh..., đến vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố mạng…

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trong môi trường truyền thông số, vấn đề an ninh phi truyền thống đặc biệt diễn ra tập trung trên môi trường mạng. Do đó, vấn đề an ninh mạng và quản trị mạng càng trở nên phức tạp, tội phạm công nghệ cao, an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh chính trị, an ninh thông tin... Tất cả những vấn đề đó đang có nguy cơ tác động lớn đến an ninh quốc gia. Đối mặt với những mối đe dọa này, các quốc gia không thể đơn phương giải quyết, mà cần có sự hợp tác, tham gia của nhiều đối tác khác nhau. Nhưng để giải quyết được những vấn đề nêu trên, cần phải có sự hiểu biết thấu đáo dựa trên những luận cứ khoa học vững chắc và thuyết phục.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến an ninh phi truyền thống như: tiến trình chuyển đổi số đã đặt ra một bối cảnh mới cho an ninh quốc gia; làm thay đổi hình thái tổ chức xã hội, trong đó đặc trưng quan trọng là kết nối toàn thể các cấu phần quốc gia vào các mạng lưới kết nối và gắn kết chặt chẽ với toàn cầu. Điều này tạo ra những thách thức mới cho việc kiểm soát an ninh quốc gia, đòi hỏi phải thay đổi căn bản về tư duy chiến lược…

Về tư duy, nhiều đại biểu cho rằng, hầu hết các quốc gia hiện nay, mặc dù nhận thức tính chất phi truyền thống nhưng cách tiếp cận được mở rộng từ an ninh truyền thống với các chính sách/chiến lược gắn với an ninh quốc gia và bảo vệ nền kinh tế.

Đối với các giải pháp phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ an ninh phi truyền thống, trọng tâm bảo đảm an ninh mạng, một số đại biểu đề xuất cần nâng cao nhận thức, năng lực bảo đảm an toàn an ninh mạng cho toàn xã hội; hệ thống mạng thông tin bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo mật; xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng; quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng được mở rộng và tăng cường…

Bên cạnh đó, cần ban hành Luật Quản trị khủng hoảng quốc gia, mục đích của Luật này là để tạo lập môi trường pháp lý cơ bản nhằm ứng phó, quản trị quốc gia trong khủng hoảng...

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang khẳng định, các nhà khoa học đã nêu lên nhiều luận điểm mới mà ban chủ nhiệm đề tài cần tiến hành nghiên cứu, trao đổi thêm. Các ý kiến đều thống nhất về những thách thức, thời cơ, thành tựu đạt được của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó đặt ra mối quan hệ giữa an ninh phi truyền thống, an ninh mạng và an ninh quốc gia. Điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải xây dựng chiến lược về an ninh quốc gia, an ninh mạng như thế nào để có thể phòng, tránh được mối nguy hiểm, sự tàn phá của an ninh phi truyền thống, an ninh mạng đối với đời sống của con người hiện nay.