Văn Cao – Cách mạng và cách mạng thơ

Văn Cao – Cách mạng và cách mạng thơ

NDO - "Hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo". Đó là chia sẻ của PGS, TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) về một góc nhìn khác chung quanh các sáng tác văn học của Văn Cao.

1.

Văn Cao có một giai đoạn lưu văn dài và chính giai đoạn lưu văn ấy làm cho rất nhiều phần của con người ông bị khuất lấp, bị thời gian vùi phủ lên và rồi con người văn nghệ của ông trở nên mờ ảo như một bóng hình bị chìm trong lớp sương mù của thời gian.

Dẫu sau 1986, vị trí của Văn Cao trong đời sống văn nghệ đã được khôi phục, nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là thơ, đã được tập hợp, in lại hoặc công bố lần đầu giúp người đọc có một cái nhìn rõ hơn về tác giả nhưng dường như, sự phục hồi đó vẫn còn đang trong một trạng thái dang dở. Dường như một toàn tập Văn Cao vẫn là một giấc mơ xa vời. Có những “vạt”, thậm chí không nhỏ, tác phẩm của ông vẫn chưa được tập hợp đầy đủ. Điển hình như phần hội hoạ, đặc biệt là hội hoạ ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của ông.

Ngay cả âm nhạc, phần tưởng như đã được tìm kiếm đầy đủ, nhất là sau năm 1986 khi nhạc của ông được diễn lại dày đặc, thì cho đến gần đây vẫn có những bản nhạc mới của Văn Cao được tìm thấy. Tôi đã khởi sự cuộc tìm kiếm một Văn Cao trong quá khứ từ một tình trạng như thế. Và chỗ này chỗ kia, tôi đã bắt gặp ông, khi thì trên những minh hoạ sách báo, nhiều khi là những tác phẩm quan trọng của một giai đoạn văn chương, và cũng có khi là trong những chồng sách cũ.

Và một cuộc gặp gỡ như vậy đã hé lộ cho tôi một Văn Cao rất đặc biệt: Văn Cao - người viết tiểu luận; Văn Cao - nhà phê bình. Đó cũng là một trong số không nhiều lần ông bộc lộ xác tín của mình về thơ trong thời đại Cách mạng khi ông viết lời giới thiệu cho tập thơ Những ngọn đèn của Yến Lan, một người gần như cùng thế hệ với ông và cũng là một tập thơ mà ông vẽ bìa. Trong bài tiểu luận đó, Văn Cao viết:

“…Sự chuyển hướng của thơ ca không phải là công việc xếp đặt hình thức theo bậc thang hay theo một hình kỷ hà mà là sự chuyển hướng về cách nghĩ, cách nhìn và cách gợi của nhà thơ…”.

Văn Cao – Cách mạng và cách mạng thơ ảnh 1

Triển lãm bên lề Hội thảo.

Ông nhìn thấy ở người bạn thơ của mình một điều rất đáng trân trọng:

“…Trong thơ, có cái đang chảy và có cái đọng lại. Đấy là thơ của một người đã qua gần hai mươi năm trong những sự biến đổi quá nhanh của lịch sử văn học Việt Nam, một con đường có nhiều người đã nằm đọng lại giống như những vũng nước chỉ còn sáng ánh lân tinh, nhưng Yến Lan, với sự luôn luôn thay đổi, còn có thể làm bạn đường với những lứa tuổi khác…”.

Có lẽ, ở chỗ này, Văn Cao vui sướng bắt gặp được niềm đam mê thay đổi ở người bạn thơ, cái hân hoan mà Trần Dần đã viết trong Bài thơ Việt Bắc:

Hãy sống như những con tàu

phải lòng muôn hải lý mỗi ngày

bỏ

sau lưng

nghìn hải-cảng-mưa-buồn!”.

Và chính nhờ tập thơ của người bạn mình, Văn Cao đã có dịp bộc lộ tuyên ngôn của mình về thơ ca:

“…Lần này, những người văn nghệ nào không có một thái độ yêu ghét rõ ràng và sáng suốt thì không thể nào thành công trong tác phẩm được. Càng gần thực tế bao nhiêu thì mỗi tác phẩm đều mang được sự sống bấy nhiêu, càng gần thực tế thì tác phẩm càng luôn mới bởi vì cuộc sống của chúng ta luôn đổi mới. Nhưng tất cả cái mới đó cần tới cách nhìn tinh tế và thái độ rõ ràng của nhà thơ. Ngay nay hãy nhìn lại những tác phẩm sơ lược tách khỏi đời sống, ta thấy chúng không khác gì những con sứa chết phơi trên bãi cát cùng với những thứ mục nát đã trôi trên mặt biển lâu ngày…”.

2.

Văn Cao là một người văn nghệ mà số phận có phần giống với Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán. Cũng phải nói ngay rằng ở Văn Cao không những tìm tòi hun hút, thậm chí đến tầm lý thuyết, như Trần Dần hay Lê Đạt. Ít nhất, cho đến giờ, chúng ta không được đọc những “Sổ bụi” (tên di cảo của Trần Dần) của Văn Cao để có thể hiểu hết những suy tư về văn nghệ của ông. Cũng không có những thể nghiệm đến mức “tử công phu” (và cũng có thể cực đoan) như Trần Dần, Lê Đạt. Thế nhưng, đặt không ít câu thơ của Văn Cao trong khoảng từ 1956-1957, từ thời ông viết Những người trên cửa biển, cho đến đầu những năm 1980, có thể thấy không ít sự tương đồng với thơ của những người cùng thế hệ và cùng hành trình sáng tác.

Trong thơ Văn Cao, cùng với biển, những vì sao là hình ảnh thơ lặp đi lặp lại, dù đó là sao trên bầu trời:

“Dù những ngôi sao đang nở trên trời Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại”.

Hay những vì sao - người thấu tỏ:

“Những mái nhà ủ những cánh chim đêm Ủ những giấc mơ dưới trời sao lồng lộng”.

Hay là ngôi sao - mắt người:

“Ở đây tôi gặp một phố mắt Sâu tối và xa lạ

Chỉ lấp lánh mấy ngày tết Trong dãy bàng vừa nảy lộc

Nhưng những đài nến màu xanh ngọc Mắt thắp lên hi vọng”.

Trần Dần cùng nói về những ngôi sao như thế, thơ Trần Dần cũng tràn ngập những vì sao:

“Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó. Hãy thắp sáng mọi chùm sao cũ! Cả những vì sao đã tắt lụi từ lâu”.

Văn Cao viết về thành phố:

“Mỗi góc phố mỗi góc đường mỗi góc nhà

Giấu một cái bóng Cổ kính”.

Và Trần Dần cũng từng nói về những số-phận-ẩn-giấu theo một cách gần như thế:

“mỗi người là vụ án?

mỗi người chôn sống một chân mây?”.

Cả Văn Cao và Trần Dần đều hay nói về con tàu cuộc sống. Nếu nhừ từ năm 1957, trong Những người trên cửa biển, Văn Cao viết về cuộc sống:

“Chung quanh những ngôi sao biển Vẫn thở hơi nồng khát vọng

Cuộc đời Dĩ vãng Thời gian

Bỏ neo trên mặt bến”.

Thì trong những Sổ bụi, Trần Dần cũng từng nói về con-tàu-cuộc-sống: “Người mộng du dạ khúc buổi chiều. Mỗi thức dậy buổi sáng,

lại bỏ neo ta, ở một bến tàu tờ lịch khác. Thứ năm. Chủ nhật. Này, nọ…”.

Trong thơ Văn Cao cũng có những câu thơ rắn đặc thành một khẩu hiệu.

Trong thơ Văn Cao cũng có những câu thơ rắn đặc thành một khẩu hiệu mà ta có thể bắt gặp trong thơ Phùng Quán:

“Giữa sự sống và cái chết Tôi chọn sự sống

Để bảo vệ sự sống Tôi chọn sự chết”.

Trong thơ của ông cũng có những buổi sáng tuyệt đối trống trải như cái cảm giác mà Trần Dần đã từng trải nghiệm:

“Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót Một buổi sáng không thật

Tôi bước đi, không thấy tiếng chân đi Cả thành phố cùng tôi im lặng

Tất cả những con người Chỉ thấy mắt đen lay láy”.

Và những lối dùng từ ngữ đầy ám ảnh như trong thơ Phùng Cung và Lê Đạt: “Đảo chìm

Xanh biển

Đáy sâu khoả nắng Chân trưa”.

Dẫn lại những văn bản này, chúng tôi hoàn toàn không có ý định làm một kiểm kê quyền sở hữu trí tuệ và giản lược tầm vóc của Văn Cao cũng như những tài năng thơ quan trọng bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại vào những quan hệ vay mượn - ảnh hưởng đơn giản.

Mỗi cá nhân nghệ sĩ như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán hay Hoàng Cầm đều là những cái-tôi-không-thể-quy-giản. Giống như những motif truyện cổ tích thần kỳ tương đồng một cách phổ quát trong nhiều nền văn hoá dù rất cách xa nhau, thuộc cùng một trào lưu, thơ các ông chứa đựng rất nhiều tương đồng. Lý thuyết văn học hiện đại đã phá vỡ ảo tưởng lãng mạn chủ nghĩa về viết như một độc sáng, một cái gì tuyệt đối cá nhân và riêng tư. Điều đó có nhưng chỉ là một chiều kích của viết, bên cạnh tính đối thoại cộng đồng của viết.

Và như vậy, bên cạnh tính cách độc đáo không thể quy giản thì Văn Cao vẫn cứ là một phần của một khuynh hướng thơ, dẫu chưa từng là dòng chính của thơ Việt Nam hiện đại nhưng cũng là một khuynh hướng quan trọng và có cội rễ từ những chuyển động của thơ Việt Nam hậu kỳ Thơ mới.

_________________________

Bên cạnh tính cách độc đáo không thể quy giản thì Văn Cao vẫn cứ là một phần của một khuynh hướng thơ, dẫu chưa từng là dòng chính của thơ Việt Nam hiện đại nhưng cũng là một khuynh hướng quan trọng và có cội rễ từ những chuyển động của thơ Việt Nam hậu kỳ Thơ mới.

_________________________

3.

Như đã nói, do những hoàn cảnh đặc biệt nên Văn Cao có một giai đoạn dài lưu văn, ít nhất, trong địa hạt văn chương. Từ sau năm 1957 đến năm 1988, thời điểm – tập thơ đầu tiên của Văn Cao được xuất bản, ông hiện diện trong đời sống văn nghệ chủ yếu với tư cách một người làm nhạc (ít nhất, ta biết một ca khúc của ông vẫn được đưa vào tuyển tập Tiếng hát chống Mỹ cứu nước 1964- 1968 xuất bản năm 1971 cùng những tên tuổi quan trọng như Hoàng Vân, Đỗ Nhuận) và đặc biệt với tư cách một người làm mĩ thuật ứng dụng: vẽ minh hoạ và bìa cho sách và báo.

Thế nhưng trong giai đoạn đó, thơ vẫn là một phần trong cuộc đời văn nghệ của Văn Cao, dù số lượng văn bản để lại được công bố cho đến nay không phải là nhiều. Nhìn lại di sản đó, có thể thấy Văn Cao không quá say mê với sự tìm kiếm sức gợi của vỏ âm thanh ngôn từ, một khuynh hướng mà cả Trần Dần lẫn Lê Đạt cùng theo đuổi, nhiều khi rất quyết liệt. Dấu vết hiếm hoi của những tìm tòi theo hướng này ở Văn Cao chỉ là một bài thơ Gửi một nhà thơ:

“Hãy xếp lại thang âm A ba ca

da đa la ma

Ôi vần thơ nhạc điệu

Trong trúc trắc nặng nề ngột ngạt Trong chua chát ngậm ngùi hàng ngày

quằn quại Chết mòn chết mòn chết mòn”.

Đó phải chăng là một đối thoại với những dự án kiểu Mùa sạch hay Dờ Dzoạc của Trần Dần?

Ở Văn Cao, thơ cũng không hoàn toàn là một sức mạnh như trong thơ Phùng Quán: “Có những lúc ngã lòng/ tôi vịn câu thơ đứng dậy”. Trong “những phút ngã lòng” như thế, hoặc thậm chí trong cả một giai đoạn dài khó khăn trong cuộc đời, Văn Cao tìm kiếm sự sưởi ấm tâm hồn mình trong tình yêu với một người-tình- cứu-rỗi chứ không phải với thơ:

“Những cánh cửa đều khoá chặt Trong gian phòng trong suốt thuỷ tinh Em ở đây với anh

Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo níu Thịt da em cho anh sưởi

Hơi ấm mình con chim khuyên Trong lòng bàn tay

Run rảy

Giữa hai cành non Nghe nhựa mùa xuân Những nụ hồng mới nở

Và mật vừa thơm và ong đã tới

Chúng ta đi vào bí mật của mùa xuân Ngày đầu tiên của em trên biển”.

Trong thơ Văn Cao giai đoạn dài nói trên không phải không có những vang vọng của đời sống xã hội, như một bè, dẫu không trầm, nhưng trì tục trong thơ ông. Đó là khi ông viết một thứ “thơ chiến đấu” không chỉ trong trường ca Những người đi tới biển mà cả trong một số bài thơ lẻ:

“Vào cuộc đấu tranh mới

Để mở tung các cánh cửa sổ Mở tung cả cửa bể

Và tung ra hàng loạt hàng loạt Những con người thật của chúng ta”.

_____________________________________

Thơ với Văn Cao là một công cụ thế để ông tự ghi lại nhật-ký-nội-tâm mình qua những năm tháng đặc biệt.

-- PGS, TS PHẠM XUÂN THẠCH --

____________________________________

Hoàn cảnh và có lẽ cả chính bản thân con người Văn Cao không đưa ông trở thành một nhà thơ chính luận. Theo tôi, với Văn Cao, thơ chưa bao giờ có một ý nghĩa tự thân theo cách mà Trần Dần và Lê Đạt từng nghĩ về thơ để khởi sự cho những cuộc thể nghiệm của mình. Thơ với Văn Cao là một công cụ thế để ông tự ghi lại nhật-ký-nội-tâm mình qua những năm tháng đặc biệt, những năm tháng mà:

“Có lúc

một mình một dao giữa rừng không sợ hổ

có lúc

ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt

có lúc

nước mắt không thể chảy ra ngoài được”.

Trong những năm tháng ấy, từ vị trí bên lề, chẳng khác một ngôi sao trong bóng tối như chính ông tự hoạ “một con mắt tôi/ lặng lẽ lấp lánh”, Văn Cao chiêm nghiệm về thế giới xung quanh và chiêm nghiệm về chính bản thân mình. Thơ ông ghi lại những khoảnh khắc giật mình:

“Một tiếng động khoá Xin mời vào

Cánh cửa mở thật rộng Chỉ thấy

Một chiếc cầu thang nhà trên gác

Và ánh sáng không động đậy

Một giọt mồ hôi Lăn trên trán tôi”.

Và đặc biệt thơ là một tư thế để Văn Cao quay vào chính mình, chiêm nghiệm về chính con người mình.

Thơ là cách để ông ghi lại những đốn ngộ về một vài chân lý của cuộc đời, về những người, có lẽ là một đồng nghiệp xung quanh:

“Những bó hoa mang tới

chúc tụng Thành công một con người Hàng ngày hằng ngày

Xây thành cái mồ chôn Con người thành công ấy

Người ta đôi khi bị giết

bằng những bó hoa”.

Hay chiêm nghiệm về những đám đông thèm khát bầy đàn trong những quán bia:

“Họ thèm bia hay thèm sống Thèm đám đông

Những đám đông bên ngoài đi lại Những đám đông trong này dày đặc Những đám đông những đám đông”…

Và đặc biệt thơ là một tư thế để Văn Cao quay vào chính mình, chiêm nghiệm về chính con người mình. Chính tính chất công cụ đó, sống-thơ như một tư-thế-sống chứ không phải như một hành động hướng đến cái tuyệt đối, mà thơ Văn Cao được vận động theo hướng làm nghĩa, nghĩa là đi tìm kiếm những khả năng biểu nghĩa phức tạp của kết hợp từ hơn là theo hướng làm chữ, nghĩa là đi theo hướng khai thác tính âm nhạc, giá trị tự thân của từng con chữ. Văn Cao kiên định con đường thoát khỏi thơ định thể và kiên định với thơ tự do, thơ không vần như một cách thế tạo một không gian đủ rộng cho thơ có thể co giãn từ cô đặc lại như một ý nghĩ vụt hiện (Đảo, Chọn, Khoảng trống…) hoặc dãn dài như một trường ca (Năm buổi sáng không có trong sự thật).

Về kỹ thuật, thơ Văn Cao khai thác những kết hợp ngữ nghĩa mà hình thức tưởng như mâu thuẫn hoặc phi lý nhưng lại cho thấy những chiều sâu phức tạp về nghĩa và những chân lý khó nắm bất trong cuộc sống. Đó chính là cách ông viết về những buổi sáng im bặt tiếng người hoặc những buổi sáng mà mọi người đều đeo mặt nạ và mồ hôi ròng ròng trên những mặt nạ đó. Và nhạc tính của thơ như một cách chủ yếu được khai thác từ nhịp điệu đa dạng mà thơ tự do tạo nên.

Văn Cao – Cách mạng và cách mạng thơ ảnh 2

Quang cảnh Hội thảo.

4.

Trong một tiểu luận đã công bố, tôi cho rằng hành trình thơ của Văn Cao là một hành trình phủ định Thơ mới. Văn Cao bắt đầu viết thơ từ trước năm 1945 và trong đó có dấu vết của những người cùng thời. Thế nhưng không phải những nhà lãng mạn giai đoạn đầu mà chính những nhà Thơ mới hậu kỳ như Chế Lan Viên và Vũ Hoàng Chương đã để lại dấu ấn trong thơ ông. Họ là những người báo hiệu một giai đoạn vượt qua Thơ mới, dù không ít sẽ “lại giống” và quay về Thơ mới, điển hình như Vũ Hoàng Chương.

Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc là điển hình cho giai đoạn viết khởi sự này. Hành trình ấy đi qua Ngoại ô mùa đông năm 1946 và hoàn tất sau năm 1954. Đó là một hành trình đi qua thơ định thể, đi qua thơ vần bằng để hướng đến thơ tự do, thơ không vần và khai thác tận độ những kết hợp ngữ nghĩa bất thường của từ. Đó là một khả thể của thơ Việt Nam từ cận đại đến hiện đại mà rất nhiều người đã đi, có người bỏ giữa chừng như Nguyễn Đình Thi, nhưng cũng có người hun hút theo đuổi như Trần Dần.

Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Ngay từ thời ấy, cùng với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn trong tư cách con-người-hành-động của cách mạng, thậm chí thực hiện những nhiệm vụ “không thơ”.

Trong một giai đoạn dài, khuynh hướng đổi mới thơ này với các đặc tính về sự tự do của hình thức thơ; sự phức tạp về nghĩa và sự mở rộng vào những trạng thái tâm lý vô cùng tinh tế là khác biệt với những đòi hỏi về vần điệu nâng đỡ cho khả năng phổ biến đến số đông; về tính sáng rõ và đơn nghĩa của thơ. Chính vì vậy, khuynh hướng đổi mới này trở thành một khuynh hướng tồn tại bên lề. Dẫu vậy, đó sẽ trở thành một khuynh hướng mạnh khi bắt gặp nhu cầu đổi mới thơ của thế hệ nhà thơ xuất hiện sau năm 1970 và đặc biệt, sau khi thơ cùng với đất nước quay về với trạng thái thời bình sau năm 1975. Thơ Văn Cao nằm trong khuynh hướng đó.

Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Ngay từ thời ấy, cùng với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn trong tư cách con-người-hành-động của cách mạng, thậm chí thực hiện những nhiệm vụ “không thơ”. Và hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Theo đó, chống lại mọi sự bảo thủ, với ông, cách mạng phải được chuyển hoá thành cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ.

back to top