Hiểu thêm một Văn Cao đa tài

Cùng với Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam và sự nghiệp âm nhạc đồ sộ cùng những bài thơ cách tân tiêu biểu, tài năng của nhạc sĩ Văn Cao còn thể hiện trong hội họa. Ngày 8/11, Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã phối hợp một số hội nghề nghiệp tổ chức hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023).
0:00 / 0:00
0:00
Ban tổ chức hội thảo tặng quà kỷ niệm cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Ban tổ chức hội thảo tặng quà kỷ niệm cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Nhạc và thơ hòa quyện

Con người nhạc sĩ Văn Cao hội tụ tài năng nghệ thuật thiên phú, thấm nhuần trong một cốt cách lớn. Ông được sinh ra trong một thời đại bi hùng của dân tộc, đó là nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tác nghệ thuật bất hủ. Như GS Phong Lê nhận xét, chỉ riêng “Tiến quân ca” là đủ làm tên tuổi Văn Cao sống mãi. Nhưng sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông dường như theo sát hơi thở thời đại. Từ trước năm 1945 với những nỗi buồn, trăn trở về thế sự đến khi hòa mình vào cuộc kháng chiến, âm nhạc của ông còn nở rộ với nhiều nguồn mạch, nhiều hướng như một dàn giao hưởng về cuộc kháng chiến.

Để đủ sức truyền tải sự hào hùng cách mạng hoặc trữ tình lãng mạn, ca từ trong bài hát của nhạc sĩ Văn Cao có sự hòa kết, tương giao. Theo các nhà nghiên cứu, trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao viết không nhiều, ông chỉ xuất bản duy nhất tập “Lá” với 28 bài và sau ngày ông mất là “Tuyển tập Văn Cao Thơ” cũng chỉ có 59 bài. Nhưng đó là sự kết tinh về chất hơn là lượng. Thơ Văn Cao là sản phẩm của những chiêm nghiệm sâu sắc, đậm tính triết luận. Thực tại trong thơ ông không tuyến tính mà biến ảo, chuyển động. Cái mới trong thơ Văn Cao là cái nhìn mỹ cảm, thể hiện những suy tư ráo riết về lịch sử, thời thế và phận người. Văn Cao hay viết về chia ly, nhưng ông cũng viết rất hay về đầm ấm và sum họp. Đó cũng chính là lý do tại sao mùa thu và mùa xuân hay xuất hiện trong cả thơ và nhạc của Văn Cao, bởi mùa thu là của chia ly, hoài niệm và mùa xuân là biểu tượng hạnh phúc, sum vầy. Như ý kiến của PGS, TS Nguyễn Thành: “Trong thơ của ông, giàu nhạc tính và trong lời nhạc của ông, đậm thi tính”.

Hiểu thêm một Văn Cao đa tài ảnh 1

Một số bìa sách do nhạc sĩ Văn Cao vẽ. Ảnh: QUANG HƯNG

Cuộc “dạo chơi” qua thế giới hội họa

Sẽ là rất khiếm khuyết nếu nhắc đến Văn Cao mà không đề cập tới tài năng hội họa của ông. Dù cái duyên của Văn Cao với hội họa chỉ như một cơn gió thoảng qua, nhưng nó lại đủ sức gây lưu luyến, mến thương. Thậm chí, từ bút pháp, tạo hình cho tới bố cục và cách dùng mầ̀u trong tranh ông đủ sức làm ngỡ ngàng giới nghệ thuật ngay từ năm 1944, qua một số tác phẩm “Nửa đêm”, “Cô gái dậy thì”… TS Phan Đăng Sơn nhận định: “Mầu sắc mà Văn Cao dùng trong các tác phẩm hội họa là rất tiết chế và tối thiểu, đây có lẽ là sự thâm thúy của ông theo tinh thần “less is more” mà nhiều nhà văn, người làm nghệ thuật các lĩnh vực trên thế giới theo đuổi và rất nhiều thành công. Đặc biệt sự thành công dạng này thường mang lại sự ám ảnh xao động dài lâu cho người thưởng thức cảm nhận”.

Tranh của Văn Cao còn mạnh dạn khai thác nhiều vào ngôn ngữ lập thể kết hợp hiện thực, trở thành lối vẽ có tính chất khái quát, ngay từ bức tranh của những năm 1951, hay bức chân dung bà Nghiêm Thúy Băng - người vợ của ông cho thấy rõ phong cách này. “Đến sau năm 1986, Văn Cao có một số tác phẩm mang tâm hồn tươi mới và phong cách mới mẻ, điều này tiếp tục khiến nhiều họa sĩ trẻ hơn cùng thời ngỡ ngàng”, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích.

“Với những đóng góp như vậy, Văn Cao được coi là một trong những họa sĩ design thực thụ và tiên phong”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng khẳng định thêm.

Ngoài các tác phẩm tranh sơn dầu, nhà sưu tầm Nguyễn Bình Phương, người đã giới thiệu hơn 100 đầu sách do tác giả Văn Cao minh họa trong hội thảo cho rằng, chưa có ai công nhận Văn Cao là họa sĩ, nhưng ông là người góp sức vào xây dựng nên lĩnh vực minh họa sách ở Việt Nam. Quả thực, từ những năm 70, Văn Cao dành nhiều tâm huyết để vẽ bìa và bài các trang báo Tết, báo xuân cho tuần báo Văn nghệ, báo Lao động, báo Đại đoàn kết… Có lẽ với thành tựu khoảng hàng nghìn minh họa báo và hơn 300 bìa sách, Văn Cao đã có được một vị trí quan trọng trong lĩnh vực minh họa, trình bày.

Những di sản nghệ thuật mà Văn Cao để lại cho đông đảo thế hệ người Việt Nam là tấm gương lao động nghệ thuật. Và cốt cách con người ông đã trở thành tấm gương trách nhiệm đối với những thế hệ sau này. “Gia đình rất biết ơn các đơn vị tổ chức hội thảo khoa học quý báu, có thể hội tụ đủ về cả ba lĩnh vực của nhạc sĩ Văn Cao. Đặc biệt hơn, đây cũng là lần đầu tiên gia đình được nhìn thấy những bìa sách minh họa của ông. Cá nhân mình vinh dự là cháu nội của nhạc sĩ Văn Cao, không chỉ tự hào mà còn cảm thấy có trách nhiệm giữ gìn di sản của ông. Không chỉ noi theo tấm gương lao động và cống hiến, mà sự khiêm tốn, cốt cách của ông sẽ được chúng tôi truyền lại cho thế hệ sau”, anh Nguyễn Văn Giang, cháu nội nhạc sĩ Văn Cao bày tỏ.