


Trong ấn tượng của bạn bè khoa Văn Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người hiền hậu, giàu lòng thương người; nghiêm túc và tận tụy với công việc và đặc biệt hết lòng vì việc chung.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, ông cùng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vốn là đồng môn tại lớp Văn 8 (1963-1967) tại trường Đại học Tổng hợp. Tổng Bí thư khi đó là một thư sinh trắng trẻo, hiền lành, chỉn chu và hòa đồng cùng bạn bè.
“Với tính cách ấy, Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên của lớp. Chính ông là người phát động nhiều phong trào rất lớn thời bấy giờ”, nhà báo Đức Lượng hồi tưởng.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc những năm 1964-1965, người sinh viên quê Đông Anh cũng cùng nhiều bạn bè trong lớp viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu. Trong giai đoạn lớp Văn 8 sơ tán tại Thái Nguyên, Tổng Bí thư tiếp tục thể hiện rõ những phẩm chất đặc biệt của mình.

“Vào thời điểm ấy, tôi ở tổ chuyên khoa Văn học Nga - Xô Viết, còn Nguyễn Phú Trọng ở tổ Văn học Việt Nam. Sau này, tôi chuyển sang cùng tổ với Phú Trọng và anh em được bố trí ở chung tại một nhà dân ở Vạn Thọ. Chủ nhà tốt bụng nên nhường trái nhà cho nhóm sinh viên từ Hà Nội. Chúng tôi tự tay làm thành 3 chiếc giường, quây hình chữ U. Phú Trọng thì nằm ở giữa”, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân kể.
Giai đoạn sơ tán vô cùng khó khăn. Lớp sinh viên chỉ có ăn cơm trộn mì kèm theo nồi canh lõng bõng nước mà thành phần chính là ít rau cải, củ sắn và chút mì chính. Đến giờ, họ được phát một rá đựng cơm, một xoong nước canh để… vào bữa.
Nhằm cải thiện, nhóm 3 người bắt đầu tăng gia bằng cách trồng mướp, bầu và nuôi gà. Cây nhanh chóng cho ra quả và rất sai. Những chàng sinh viên Văn khoa trẻ măng lúc này hái xuống, nhờ chủ nhà luộc, chấm muối ớt để có thêm sức học tập.

Thế hệ chúng tôi có lẽ là thế hệ của "Thép đã tôi thế đấy", của tinh thần Pavel Corsaghin. Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó cũng rất say mê với tác phẩm này. Tính cách mạng, tinh thần kiên trung và xả thân cho cách mạng đã âm thầm ngấm vào thế hệ sinh viên chúng tôi ngay từ lúc đó.
Vui nhất là những hôm trời mưa, con suối phía trước nhà dềnh lên. Cá từ đầu nguồn cũng theo đó kéo về. Ông Lượng, vốn có nghề nên nhận nhiệm vụ thả câu. Tổng Bí thư thì cầm theo nồi, mỗi khi cá được kéo lên lại lúi cúi gỡ. Gặp lúc cá bị tuột ra, chàng sinh viên làng Đông Hội cũng chẳng ngại ngần lội xuống. Bữa tối đó, cả nhóm lại có thêm bát cá kho cải thiện.
Một kỷ niệm khác nhà báo Đức Lượng không thể quên là dịp mùa hè năm đầu tiên đi sơ tán. Cùng với 10 đồng môn khác, ông Lượng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tình nguyện ở lại lao động. Trong nửa tháng, cả nhóm đã dựng được 3 căn nhà, 2 lớp học.
“Lớp học hồi đó phải đào sâu xuống mặt đất chừng 1m rồi mới lợp mái lên trên để tránh bom. Trong tay anh em chỉ có một chiếc dao quắm. Cứ sáng sáng, chúng tôi vào rừng chặt nứa, chặt gỗ về dựng công trình. Riêng tôi do biết nấu nướng nên khoảng 10 giờ sẽ được cử về trước chuẩn bị cơm. Chiều chiều, anh em sẽ đập dập nứa ra đan lại làm phên, rồi xin rơm, xin đất bùn của nhân dân để trát thành tường. Tất cả đều lao động cật lực mà không nề hà gì”, nhà báo Đức Lượng kể.
Cũng trong thời gian ở Vạn Thọ, sinh viên Văn 8 còn nhận nhiệm vụ biên tập và phổ biến tin chiến sự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra chủ trương… phát thanh miệng hằng ngày cho nhân dân toàn xã. Thế là, cánh sinh viên chia nhau trèo lên cột cao, rồi… ra rả đọc. Những thông tin nóng hổi theo đó cũng được lan xa.
Về chuyện học, Tổng Bí thư rất nghiêm túc và luôn tìm hiểu vấn đề tới tận cùng. Đặc biệt, Tổng Bí thư có nét chữ rất đẹp. “Cuối năm học thứ tư, chúng tôi phải viết luận văn tốt nghiệp. Do chữ tôi xấu, nên Phú Trọng đã thức gần như trắng 1 tuần để… chép lại 100 trang luận văn viết tay cho tôi. Tôi nhớ mãi hình ảnh chàng sinh viên gày gò ngồi thu lu trong màn, thắp đèn dầu để làm việc. Đó là kỷ niệm không bao giờ tôi quên”, nhà báo Đức Lượng rưng rưng.
Ông bảo, điều làm nên phẩm chất tuyệt vời của Tổng Bí thư có lẽ là sự tổng hòa của nhân cách sống, trí tuệ, sự chân thành, khả năng thuyết phục bằng chính tấm lòng của một nhà lý luận, một nhà thực tiễn đúng nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (người đứng thứ 2 từ trái sang) là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh chụp tháng 2/1965, ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội.

Các thành viên lớp Văn khóa VIII đã về tụ họp rất đông, trò chuyện dưới gốc đa trong khuôn viên báo Nhân Dân, mùa hè năm 2022.

Các thành viên lớp Văn khóa VIII đã về tụ họp rất đông, trò chuyện dưới gốc đa trong khuôn viên Báo Nhân Dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt.

Trong ấn tượng của nhà báo Đức Lượng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người đặc biệt trọng nghĩa tình. Trong các dịp lễ Tết, bao giờ Tổng Bí thư cũng đến thăm các thầy, cô cũ. Giữa các cuộc họp mặt, bao giờ Tổng Bí thư cũng xưng em và thưa thầy, cô như thời còn cắp sách.
Hay như lần cả lớp K8 về thăm lại Vạn Thọ, Tổng Bí thư khi ấy đang là Chủ tịch Quốc hội đã bỏ tiền túi ra để mua tivi tặng cho xã, mua chăn màn tặng cho các nhà người dân đã tốt bụng cho sinh viên ở nhờ năm nào. Nhưng điều đặc biệt nhất, Tổng Bí thư không để tên riêng mình mà để tên chung của cả khóa.

Trong công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nghiêm túc. Đối với các bài viết được đăng, ông luôn hỏi nhuận bút. Nhưng khi nhận tiền, Tổng Bí thư luôn lấy bút về viết: Gửi lại cho anh em làm quỹ công đoàn. Sự liêm khiết ở con người ấy đã được rèn luyện và trở thành phản xạ rất đời, một lẽ sống bình thường.
Sự giản dị và nghĩa tình còn toát lên trong 2 đám cưới đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức cho hai người con. Ở đám cưới đầu tiên, Tổng Bí thư tổ chức tại phòng ăn Văn phòng Trung ương với chỉ một chút bánh kẹo, nước chè.
“Khi ấy, ông vừa là MC, vừa là đại diện nhà gái. Tới lần tổ chức cho con trai, ông cũng mời rất ít khách. Tới phần lễ, ông dẫn các con đi tới từng bàn để cám ơn và giới thiệu rõ từng người. Đặc biệt, khi chia tay, tôi nhớ mãi ông bắt tay, ôm vai rồi nói: Anh nhá, anh vẫn là anh, là đồng chí anh của tôi. Khi ấy, tôi rất tự hào vì mình được Tổng Bí thư coi là một người anh, một người đồng chí chí tình”, nhà báo Đức Lượng rưng rưng.
Bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ tinh thần học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Ông chính là tấm gương tiêu biểu, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày xuất bản: 23/7/2024
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, DUY LINH, Tư liệu
Trình bày: SƠN BÁCH-NGỌC BÍCH