Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển ở Việt Nam và Lào

NDO -

Việt Nam và Lào đều có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc anh em với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Thực tiễn phát triển của hai nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa và con người trong chiến lược phát triển quốc gia, đó vừa là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước, vừa là giá trị của sự phát triển.

Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam và Lào”.
Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam và Lào”.

Sáng 27/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế (hình thức trực tiếp và trực tuyến), chủ đề “Vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam và Lào”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Khăm-phăn Phởi-nhạ-vông, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chủ trì hội thảo tại các điểm cầu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Khăm-phăn Phởi-nhạ-vông cho biết, thời gian qua, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của Lào có những bước phát triển đáng kể; chất lượng đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đảng và Chính phủ Lào đang tập trung phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo nhằm tạo chuyển biến cụ thể. Trong đó Đảng, Chính phủ chú trọng vai trò của văn hóa, con người đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển; phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc; phát triển nguồn nhân lực. Đây là mục tiêu quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, là một nhân tố quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước Lào.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, văn hóa, con người là yếu tố cực kỳ quan trọng, được kết tinh và luôn tỏa sáng trong mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Đánh giá thực tiễn phát triển của hai nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa và con người trong chiến lược phát triển quốc gia, đó vừa là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước, vừa là giá trị của sự phát triển. Về tiềm năng, lợi thế, sức mạnh văn hóa và con người của hai nước trong quá trình phát triển, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, Việt Nam và Lào đều có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc anh em với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết yêu cầu phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa còn, dân tộc còn. Mất văn hóa là mất tất cả…

Trong đẩy mạnh hợp tác phát huy vai trò văn hóa, con người, nguồn nhân lực đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của mỗi nước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần tập trung đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập quốc tế. Hợp tác phát triển con người toàn diện, trong đó chú trọng bồi dưỡng ý thức dân tộc, trách nhiệm công dân cho thế hệ trẻ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hợp tác đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ, trong đó có cả sự chia sẻ kinh nghiệm trong thích ứng an toàn linh hoạt, hiệu quả, từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19.

Hội thảo được tổ chức với phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề. Các nhà khoa học tại hội thảo đã khẳng định và làm rõ vai trò của văn hóa, con người đối với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam và Lào trong những thập kỷ qua. Bên cạnh đó, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa văn hóa và con người. Vai trò của văn hóa trong xây dựng nhân cách, đạo đức con người, nhất là với thế hệ trẻ. Vai trò của văn hóa trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những con người mới đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội thảo cũng phân tích vai trò của văn hóa, con người trong quá trình phát triển bền vững quốc gia, đặc biệt là trong kiến tạo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong lành với những giá trị nhân văn, tiến bộ; vai trò của văn hóa, con người trong quản trị quốc gia, quản lý xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đại biểu hai nước đã cùng nhau đề xuất giải pháp để phát huy giá trị văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển.