Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu

Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu
Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu -0

Câu chuyện về trái vải thiều được định giá rất cao ở thị trường nước ngoài đang một lần nữa cho thấy việc cần thiết xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản Việt. Việt Nam có rất nhiều loại nông sản chinh phục thành công người tiêu dùng, song việc chưa xây dựng được thương hiệu đã khiến không ít sản phẩm thường xuyên đối mặt nỗi lo “được mùa mất giá”.

Bài 2: Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu -0

Chỉ cách đây một vài tháng, câu chuyện gạo ST25 liên tiếp bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký nhãn hiệu tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Australia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho việc doanh nghiệp nội quá chậm chân, mặc dù giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 được coi là bàn đạp rất chắc chắn để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị cho gạo ST25.

Hiện nay, Việt Nam đã có hàng loạt các sản phẩm được xuất khẩu thành công ra nước ngoài, trong đó có nhiều loại nông sản như gạo, hạt tiêu, điều, thủy sản… Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đang mở ra cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Nếu trước đây các sản phẩm của Việt Nam trước đây chỉ nổi tiếng trong nước thì nay có cơ hội vươn ra tiếp cận nhiều hơn đến thị trường xuất khẩu trên thế giới đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có FTA.

Trong báo cáo của Brand Finance và hàng loạt báo cáo của các thương hiệu khác thì thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam ngày càng được thị trường thế giới biết đến nhiều hơn và có giá trị ngày càng cao. Vào những năm gần đây có rất nhiều thương hiệu của Việt Nam đã được lọt vào Top 500 hoặc Top 100 các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng và có giá trị trên thế giới như Viettel, VNPT… Song các thương hiệu nông sản thì vẫn vắng bóng trong các bảng xếp hạng này.

Ông Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu, Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu (BCSI) chia sẻ thêm, đối với các thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Thực tế cho thấy việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở nước ta còn tồn tại rất nhiều bất cập. Những vụ việc như đánh mất những chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa nông sản không còn là câu chuyện mới nhưng làm thế nào để hạn chế tình trạng này là vấn đề không đơn giản. 

Theo thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ, hiện nay có khoảng hơn 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký, tình trạng các nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm ngày càng tăng. Trong thời gian vừa qua, nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng bị đánh cắp như cà phê Buôn Mê Thuột, Trung Nguyên… là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này. 

“Vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng xây dựng và bảo vệ được thương hiệu của các hàng hóa nông sản ở nước ta. Nhiều địa phương đã chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng thương hiệu nhưng kết quả đạt được còn rất nhỏ. Nếu các doanh nghiệp, địa phương không bảo vệ thương hiệu của mình thì chính người tiêu dùng trong nước cũng không tín nhiệm”, ông Trường chỉ rõ.

Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu -0

Dưới góc độ là doanh nghiệp đã có nhiều năm đưa sản phẩm thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Facific Foods cho biết, nông sản của Việt Nam rất tiềm năng. Đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… Việc xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới không chỉ để khẳng định tên tuổi Việt Nam mà đó còn là cách riêng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bằng việc tuân thủ chất lượng và uy tín để từ đó nâng mức tín nhiệm của Quốc gia lên thông qua việc đưa các sản phẩm chất lượng ra thế giới.

“Tuy nhiên, bài học từ câu chuyện của trái vải thiều đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính trong khối EU cho thấy, muốn các sản phẩm nông sản vươn đi các nước, đầu tiên phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn GlobalGab, VietGab và Organic. Sở hữu sản phẩm có chất lượng rồi mới tính đến chuyện làm marketing để xây dựng và khẳng định thương hiệu”, ông Lê Bá Linh cho hay.

Dưới góc độ người làm nghiên cứu, ông Vũ Xuân Trường chỉ rõ, để có thể nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế, nhà quản lý cũng như DN Việt cần có được một chiến lược xây dựng thương hiệu và truyền thông mạnh mẽ để có thể mở rộng thị phần xuất khẩu trên thị trường thế giới. Các DN cần phải chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và lưu tâm đến câu chuyện xây dựng thương hiệu, qua đó để các sản phẩm nông sản của chúng ta có thể xuất khẩu với giá trị lớn và bền vững. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm.

Thực tế, người Thái Lan có cách làm thương hiệu rất đáng học học. Đơn cử, khi giống gạo Jasmine của Thái Lan đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2020, Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ nhân rộng giống gạo này và bán cho toàn thế giới. Việc này khiến người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu trông chờ gạo sẽ sớm được nhập khẩu và sử dụng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Thái Lan cũng nhanh chóng xây dựng thương hiệu riêng cho loại gạo này và dù có lấy tên thương hiệu như thế nào thì việc được làm từ giống Jasmine ngon nhất thế giới cũng được ghi rõ trên bao bì. Đây là cách xây dựng thương hiệu mà Việt Nam có thể học hỏi để vừa tận dụng được cơ hội, vừa không gây tốn quá nhiều chi phí.

Bài 2: Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu -0

Xây dựng là chưa đủ, để có thể bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên cả thị trường nội địa và quốc tế, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cần một chiến lược quy hoạch tổng thể kết hợp với công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến hành đồng thời với chuyên môn hóa trong sản xuất và chuyên môn hóa trong lưu thông. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ thông tin giữa những người nông dân trực tiếp sản xuất với các nhà khoa học. Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại cho ngành nông sản như xây dựng các hội chợ triển lãm, quảng bá, giới thiệu hàng nông sản Việt Nam trên các tạp chí, báo, ấn phẩm trong và ngoài nước.

Về phía doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản phải chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, nhận thức đúng được vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Tăng cường đầu tư cho máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến. Đầu tư cho nghiên cứu thị trường nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp. Xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm về tính minh bạch của quy trình sản xuất.

qoute_ong_truong-1624940809724.jpg
 

Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp cần phải có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình trên các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm, ở các thị trường có FTA bằng cách đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, cho sản phẩm xuất khẩu của mình. Đồng thời, thuê luật sư để theo dõi về việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền nhãn hiệu thương mại của mình trên các thị trường xuất khẩu để có thể có động thái cần thiết và kịp thời nhằm bảo vệ được thương hiệu của mình.

Bài 1: Kỳ tích vải thiều giữa đại dịch Covid-19

Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu ảnh 6

Ngày xuất bản: 29-6-2021

Thực hiện: XUÂN BÁCH - HÀ ANH

Ảnh, đồ họa: DUY LONG