Vaccine Covid-19 của Sanofi và GSK bị trì hoãn vì không đủ phản ứng miễn dịch

NDO -

Ngày 11-12, Công ty dược phẩm Pháp Sanofi và công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Covid-19 của hai công ty cùng hợp tác phát triển không đủ phản ứng miễn dịch ở người lớn tuổi. 

Ảnh: Getty Images.
Ảnh: Getty Images.

Vì thế, hai công ty đã hoãn việc sản xuất vaccine đến cuối năm 2021, đánh dấu bước thụt lùi trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.

Thông báo ngày 11-12 nêu rõ những thách thức trong việc phát triển vaccine với tốc độ kỷ lục. Theo các chuyên gia, điều này cản trở nỗ lực phát triển nhiều lựa chọn mà thế giới cần để chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 1,5 triệu người.

Hai công ty cho biết họ dự định bắt đầu một nghiên cứu khác vào tháng 2 năm sau, với hy vọng sẽ đưa ra một loại vaccine hiệu quả hơn vào cuối năm 2021.

Sự thất bại này ảnh hưởng đến một trong những công nghệ nền tảng nhất trong sản xuất vaccine vốn đã được sử dụng để chống lại virus gây u nhú ở người, viêm gan B và ho gà cùng với các tác nhân gây bệnh khác. Vaccine của hai công ty sử dụng công nghệ dựa trên protein tái tổ hợp tương tự như một trong những vaccine cúm theo mùa của Sanofi. Nó sẽ được kết hợp với chất bổ trợ hoạt động như một chất tăng cường cho vaccine do GSK sản xuất.

Loại vaccine này đưa các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm vào cơ thể để thúc đẩy hệ thống miễn dịch phát triển khả năng phòng thủ có mục tiêu chống lại virus SARS-CoV2.

Việc thất bại của Sanofi và GSK cũng củng cố vị trí dẫn đầu của phương pháp tiếp cận mới hơn được các loại vaccine như Pfizer-BioNTech và Moderna sử dụng, đó là công nghệ di truyền mRNA để đánh lừa cơ thể sản xuất các protein. Cả hai loại vaccine này đều có hiệu quả khoảng 95% trong các thử nghiệm quy mô lớn.

Việc hoãn sản xuất vaccine hay phải bổ sung các thử nghiệm không phải là bất thường, nhưng thông báo của Sanofi và GSK nêu bật những thách thức riêng mà các nhà sản xuất vaccine phải đối mặt.

Nó cũng nhấn mạnh lý do tại sao chính phủ nhiều nước lại phải đặt cược vào các nhà phát triển vaccine khác nhau.

Cụ thể, Sanofi cho biết kết quả từ các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 cho thấy “phản ứng miễn dịch tương đương với những bệnh nhân hồi phục sau Covid-19 ở người lớn từ 18 đến 49 tuổi, nhưng phản ứng miễn dịch lại thấp ở người lớn tuổi, có thể do nồng độ kháng nguyên không đủ”.

Các nghiên cứu giai đoạn 3 dự kiến ​​sẽ bắt đầu trong tháng này. Tuy nhiên, Sanofi cho biết thay vào đó họ sẽ khởi động một nghiên cứu giai đoạn 2b vào tháng 2 năm sau.

“Nếu dữ liệu tích cực, một nghiên cứu giai đoạn 3 toàn cầu có thể bắt đầu vào quý 2 năm 2021. Nếu có kết quả tích cực, hai công ty sẽ đệ trình các cơ quan quản lý vào nửa cuối năm 2021, do đó làm trì hoãn khả năng sẵn có của vaccine sang từ giữa năm 2021 đến quý 4 năm 2021”, Sanofi cho biết.

Cuộc đua vaccine Covid-19