Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân

NDO -

Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình phiên họp thứ 11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. 

Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan tâm nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi đề cập tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân; và đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân; đồng thời đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, các giải pháp cụ thể để hoàn thành kế hoạch.

Làm rõ những vấn đề tồn tại, hạn chế

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch này; bên cạnh đó, nhấn mạnh một số vấn đề cần đánh giá, làm rõ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020...

Nhiều ý kiến của các đại biểu chia sẻ với Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng: thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân -0
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp.

Mặt khác, thực tế vừa qua cho thấy, số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án. 

Đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Vấn đề thời sự khác được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng... cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng.

Đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế 

Trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), song cũng cần lưu ý đến công tác dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 phục vụ việc lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 chưa sát thực tiễn. 

Cụ thể, một số khoản thu mặc dù tăng nhưng chưa thật sự bền vững. Chính sách hoàn thuế từ nguồn ngân sách Trung ương còn bất cập, nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu...

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục.

Đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định trong quản lý, tăng cường chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nêu rõ cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã đánh giá tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế...

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo kỹ hơn sử dụng ngân sách nhà nước bố trí cho công tác phòng dịch, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Các ý kiến tại phiên họp đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.

Quan tâm cơ cấu các nguồn vốn đầu tư

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp, đối với nhóm vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho ý kiến, quyết định tại kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách chủ trì, cần đặc biệt lưu ý về nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đạt được có thay đổi lớn so với Báo cáo của Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nhấn mạnh đây là Báo cáo đánh giá bổ sung, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu lý giải những thay đổi lớn và đánh giá rõ chất lượng công tác dự báo phân tích, đánh giá dự báo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan. 

“Việc xem xét, đánh giá cần đặt năm 2021 trong bối cảnh là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm…”; đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá phân tích tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và kết quả các tháng đầu năm bao gồm cả Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong 2 năm 2022 và 2023…

Liên quan nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) (nếu đủ điều kiện), Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là 5 dự án quan trọng quốc gia.

Theo đó, các dự án có sử dụng đa dạng các nguồn vốn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và vốn đầu tư thuộc gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết, cấp bách, việc phân kỳ đầu tư cũng như sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch chiến lược.

Chủ  tịch Quốc hội yêu cầu cần chú ý đến hình thức đầu tư, cơ cấu các nguồn vốn đầu tư nhất là tính khả thi của việc bố trí cơ cấu vốn, “tránh việc Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư nhưng không triển khai được”; hơn nữa cũng cần có sự so sánh với các Danh mục dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công, các gói kích thích kinh tế Chính phủ đã trình.