Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án điểm
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công an thông báo diễn biến các vụ án đang điều tra liên quan lĩnh vực điện và xăng dầu, vụ án Phúc Sơn, Thuận An, cũng như gần đây là vụ khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương. Theo đó, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đối với các vụ án liên quan Phúc Sơn, Thuận An cũng như vụ ông Nguyễn Văn Yên đang được cơ quan điều tra Bộ Công an tập trung làm rõ theo đúng quy định của pháp luật. Khi có kết quả cụ thể, Bộ Công an sẽ tiếp tục thông tin.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an phát biểu tại họp báo. (Ảnh: VGP) |
Đối với vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, Thiếu tướng Tuyên cho biết, đến nay Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 14 bị can với các nhóm tội danh vừa nêu. Trong quá trình điều tra, có 2 nội dung chính:
Thứ nhất, các đối tượng đã lợi dụng chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để cấp, gia hạn giấy phép kinh doanh xăng dầu khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Mai Thị Hồng Hạnh và đồng bọn đã sử dụng trái phép nguồn tiền quỹ bình ổn giá xăng dầu, tiền thuế bảo vệ môi trường vào mục đích kinh doanh, chi tiêu cá nhân và sử dụng một phần tiền này để kết hợp các mối quan hệ, đưa hối lộ.
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án, làm rõ trách nhiệm các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp tục xác minh, phong tỏa, kê biên tài sản của các cá nhân liên quan, bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng vĩ mô ổn định
Về việc tăng trưởng GDP và thu hút đầu tư FDI, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kỳ vọng tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm và quý II là tích cực, được đánh giá tăng trưởng đột phá tạo nền tảng tốt đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, tạo tăng trưởng bứt phá, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Với kết quả tăng trưởng tích cực như vậy, cộng đồng xã hội kỳ vọng kết quả tăng trưởng cuối năm, hướng tới kết quả tốt đẹp hơn. Theo đó, Bộ đã xây dựng hai kịch bản phục vụ cho điều hành 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, với kịch bản cơ sở tăng 6-6,5% thì tăng trưởng quý III, và quý IV tăng 6,5%. Đây là quý động lực của năm, tính khả thi hoàn toàn lớn và có cơ sở kỳ vọng kết quả cao hơn. Như vậy sẽ vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra, cho nên Bộ đã tham mưu Chính phủ phương án 2, tăng trưởng là 7%. Như vậy 2 quý cuối năm đạt 7,4-7,6%, nếu chúng ta gặp các yếu tố thuận lợi và khắc phục được các hạn chế. Với kịch bản mới tăng trưởng đạt 6,5-7%, thì Bộ mạnh dạn đặt mục tiêu cho tăng trưởng là hơn 7%. Theo đó có 6 yếu tố tác động cho tăng trưởng gồm: xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...; du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế.
Cùng đó là các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành và có hiệu lực khi Quốc hội vừa thông qua ba luật quan trọng gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Bất động sản với quy định mới thông thoáng hơn sẽ tạo thuận lợi hơn và khởi sắc trong 6 tháng cuối năm. Tiếp đó là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn, sẽ đóng góp thêm cho nền kinh tế.
Thứ trưởng cho biết, thu hút FDI đã đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm và duy trì xu hướng khá: tổng vốn FDI đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn mới đăng ký đạt hơn 9,5% tỷ USD. Điều này giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; vốn giải ngân FDI cũng đạt cao, ghi nhận nhiều dự án quy mô lớn được mở rộng. Kỳ vọng 6 tháng cuối năm là hết sức lạc quan, không chỉ đánh giá cơ quan trong nước mà cả các tổ chức nước ngoài. Cụ thể, xu hướng tích cực được nhận định là tăng trưởng kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, dù gặp nhiều khó khăn bên ngoài liên quan tới giá, yếu tố giá cả mặt hàng chiến lược, nhưng chỉ số CPI vẫn ở mức 4% trong mục tiêu Quốc hội, chỉ số lạm phát lõi hơn 2%, cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định và nhà đầu tư kỳ vọng điều này. Thêm nữa, qua điều tra khảo sát, niềm tin nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là tích cực, thể hiện mong muốn đầu tư. Vì vậy Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI là 39-40 tỷ USD năm nay.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại họp báo. (Ảnh: VGP) |
Trả lời về cơ chế mua bán điện trực tiếp vừa được Chính phủ ban hành, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định 80/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành với hai cơ chế là mua bán điện qua đường dây riêng và mua bán điện qua lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Theo Thứ trưởng, sau khi Nghị định được ban hành, Bộ trưởng Công thương đã tổ chức hội nghị triển khai, với sự tham gia của 63 tỉnh thành, bộ ngành cơ quan trung ương, tổ chức quốc tế liên quan.
Về những khó khăn trong triển khai thực hiện, Thứ trưởng cho biết, bất cứ văn bản pháp luật nào ban hành cũng vừa tạo động lực cho phát triển, vừa khó khăn vướng mắc trong triển khai thực thi. Do đó, với cơ chế mới này không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối lưới điện quốc gia. Tức là hai bên là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn sẽ phải tự thỏa thuận đàm phán giá cả. Hợp đồng được quy định mang tính định hướng, còn các nội dung cụ thể là do hai bên thực hiện, nên ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng chắc chắn sẽ có sự lúng túng trong thực hiện.
Kịp thời thực hiện việc tăng lương
Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long trả lời tại họp báo. (Ảnh: VGP) |
Về việc tăng lương từ ngày 1/7/2024, Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long: Triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW, theo lộ trình Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền thông qua Kết luận 83-KL/TW cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 142 thống nhất từ ngày 1/7/2024 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Lộ trình triển khai Nghị quyết 27 đã được Chính phủ chuẩn bị ngay từ năm 2019. Sau khi Bộ Chính trị, Quốc hội thống nhất điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024.
Theo đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định là các cơ quan đơn vị, người hưởng lương, phụ cấp được áp dụng mức lương cơ sở, cũng như cán bộ công chức sẽ được chi trả tiền lương, phụ cấp ngay từ 1/7/2024. Nội dung này đã được Chính phủ giao cụ thể cho các bộ tại Nghị định 73. Đối với các nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đồng thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024. Theo đó cũng đã quyết định việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng tăng 15% theo Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bắt đầu hưởng từ 6/2024, đối với người đang hưởng lương hưu và nhóm đối tượng đang hưởng lương hưu trước năm 1975 điều chỉnh mà có mức trợ cấp thấp hơn 3,2 triệu đồng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng và có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng đến dưới 3,5 triệu đồng thì điều chỉnh lên 3,5 triệu đồng/tháng. Tất cả các mức này, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 75/2024/NĐ-CP cũng quy định là có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cho nên tất cả các đối tượng này đều được tính thụ hưởng từ ngày 1/7/2024.
Bảo vệ lợi ích của khách hàng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: VGP) |
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345/QĐ-NHNN có mục đích đầu tiên là làm sạch tài khoản vì bây giờ có căn cước công dân gắn chip, còn trước kia chúng ta có chứng minh thư và nhiều giấy tờ nên kẻ gian lợi dụng giấy tờ giả. Bây giờ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Công an làm sạch tài khoản và chỉ giao dịch trên 10 triệu đồng mới yêu cầu khách hàng thực hiện bước sinh trắc học. Như vậy sau khi làm sạch tài khoản sẽ không có giấy tờ giả.
Kiểm tra sinh trắc học này cách thức rất đơn giản. Đó là so sánh người thực hiện giao dịch với khuôn mặt để kiểm tra đối chiếu với cơ sở dữ liệu, nếu khớp đúng thì cho thực hiện. Đối với giao dịch dưới 10 triệu đồng thanh toán cho hàng hoá thiết yếu thì không cần thiết. Ngân hàng Nhà nước thống kê bình quân trong tháng 6, lượng giao dịch trên 10 triệu đồng chiếm 8% số lượng giao dịch, bình quân một ngày từ 1,8-2 triệu giao dịch này.
Về kết quả, hiện nay có hơn 80% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, tức là tương đương 65 triệu người trưởng thành. Số lượng tài khoản khoảng 180 triệu, tức là bình quân mỗi người Việt Nam có khoảng 3 tài khoản tại ngân hàng. Tính đến chiều 5/7, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch từ căn cước công dân được 19 triệu tài khoản. Trong ngày 1/7 như báo chí đăng có trục trặc nhất định, do đông người vào hệ thống. Đến các ngày 2, 3, 4 và 5/7, hệ thống đã hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước thống kê chính xác được 19 triệu tài khoản, trong đó có 10% số người được ngân hàng hỗ trợ trực tiếp tại quầy.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy giao dịch ngày hôm qua (5/7) đạt đỉnh trong hệ thống điện tử liên ngân hàng là 26,3 triệu giao dịch, lớn nhất trong 10 ngày gần đây; trong đó, 8,35% là giao dịch hơn 10 triệu đồng. Về khó khăn khi thực hiện, Ngân hàng Nhà nước có 2 văn bản hướng dẫn trong các tình huống như không có căn cước công dân gắn chip. Gần đây nhất, đến chiều 1/7, khách hàng Vietcombank không cần có điện thoại NFC nữa mà kết nối liên thông VNeID với ứng dụng của Vietcombank.
Về bảo mật thông tin, Luật Tổ chức tín dụng có quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong bảo mật thông tin, Luật An ninh mạng có quy định về bảo vệ thông tin. Ngân hàng nào cũng phải tuân thủ tất cả các điều này. Ngân hàng Nhà nước có thông tư về bảo đảm an ninh, an toàn và được bảo mật liên tục. Về bảo mật giao dịch, giao dịch hơn 10 triệu thêm một bước kiểm tra sinh trắc học, các bước còn lại như cũ. Như vậy chúng ta thêm một bước để bảo đảm trường hợp chính chủ. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh lại, đây là thêm một bước bảo mật cho giao dịch, còn các bước còn lại không bớt bước nào.
Về khuyến cáo, với giải pháp này có người hỏi có an toàn tuyệt đối không thì tất cả các giải pháp đều không có gì là an toàn tuyệt đối. Chúng ta ra cái này thì tội phạm ra cách khác và như thế ngân hàng phải liên tục khuyến cáo và chúng ta cần liên tục phổ biến các khuyến cáo này. Cứ có thủ đoạn mới là chúng ta phải khuyến cáo. Khảo sát hôm qua cho thấy, 94% người được hỏi biết các vấn đề này thông qua các phương tiện truyền thông.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng có 2 nhiệm vụ, đó là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng và bảo vệ an ninh, an toàn thông tin. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ghi nhận tất cả khó khăn, vướng mắc của người dùng để tháo gỡ, xử lý. Đặc biệt liên tục nâng cấp ứng dụng mobile banking để có thể đối phó với các thủ đoạn mới, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dùng. Ngân hàng Nhà nước cam kết, có vướng mắc gửi đến các hệ thống, ngân hàng sẽ xử lý. Chúng ta sẽ làm theo lộ trình, làm dần dần và làm đến đâu chắc đến đó với mục tiêu duy nhất là bảo đảm quyền và lợi ích của khách hàng.