Ưu tiên nguồn lực vốn giúp dân thoát nghèo

Sau bảy năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40-CT/TW), nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nói chung và chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Người dân làm thủ tục vay vốn tại một điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW là tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị trong huy động mọi nguồn lực, tập trung vốn giúp người dân giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tại tỉnh Bình Định, ngay từ khi có Chỉ thị, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành văn bản, kế hoạch về việc triển khai thực hiện đến các sở, ngành, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Gần đây, giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Tỉnh ủy Bình Định còn có văn bản chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách, trong đó nhấn mạnh việc ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thực tế nhiều năm qua, mỗi năm, UBND các cấp trên địa bàn đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH. Đến nay, vốn ngân sách địa phương đạt hơn 382 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở Bình Định lên 4.744 tỷ đồng, tăng 428,2 tỷ đồng so cuối năm 2020. Nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ kịp thời cho 29 nghìn lượt hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư hiệu quả thâm canh ruộng vườn, phát triển kinh tế đồi rừng, nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Trong chín tháng năm 2021, dù khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng vốn ngân sách địa phương vẫn tăng 135,6 tỷ đồng so với năm 2020. Tháng 9/2021, UBND tỉnh đã chuyển 50 tỷ đồng sang NHCSXH hỗ trợ kịp thời 2.000 hộ gia đình chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.

Cấp ủy, chính quyền các cấp ở Bình Định xác định, cuộc hành trình của tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung nguồn lực tài chính về một đầu mối là NHCSXH. Cùng với đó, Chủ tịch UBND các xã được cử làm thành viên chính thức của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, tham gia trực tiếp quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đã làm tốt công tác truyền tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn, củng cố, bảo đảm hoạt động chất lượng, thực hiện công tác bình xét đối tượng vay vốn, hạn chế cho vay sai đối tượng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở Bình Định, với nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,07% tổng dư nợ. Đến ngày 30/9, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh Bình Định đạt 4.717 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ; trong đó, dư nợ cao nhất của Hội Phụ nữ tỉnh đạt 2.350 tỷ đồng, chiếm 49,8%.

Dòng chảy vốn chính sách vẫn luôn được khơi thông đến tận các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Với quyết tâm vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa huy động vốn nhanh, chi nhánh NHCSXH đã chuyển kịp thời nguồn tín dụng xuống 159 điểm giao dịch xã, thông qua mạng lưới 2.359 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp hơn 1.100 thôn, làng, giúp người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn chính sách đã trở thành công cụ hữu hiệu, giúp Bình Định thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 1,83%/năm với 37.000 hộ thoát nghèo; 4 trong số 11 huyện và 78 trong số 116 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ nguồn vốn chính sách, đồng bào các dân tộc đã được tiếp sức để đẩy mạnh trồng rừng, nâng độ che phủ rừng lên 76%, xây dựng mô hình kinh tế đa dạng hóa sinh kế như trồng rau an toàn, thu nhập 150 triệu đồng/ha, nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình thu lãi 80 triệu đồng/năm... Gia đình ông Đinh Hồng Sâm, dân tộc Ba Na, sống tại thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản, trồng điều xen canh cây ngô, cây khoai môn. Nhờ chịu khó lao động và phòng bệnh chu đáo cho đàn gia súc, kinh tế gia đình ông Sâm đến nay khá giả trông thấy, thoát cảnh nợ nần, túng thiếu. Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Đoàn Trung Thành cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị 40-CT/TW, đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách trong cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội.

Thời gian tới, tỉnh Bình Định tiếp tục đưa Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống thực tiễn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, chú trọng việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tạo lập nguồn mở rộng đối tượng chính sách, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.