Ưu tiên các hoạt động trợ giúp các nạn nhân bom mìn

NDO - Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom, mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp các nạn nhân bom, mìn.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động rà phá bom mìn tại Quảng Trị. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Hoạt động rà phá bom mìn tại Quảng Trị. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chung tay vì nạn nhân bom mìn

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có hơn 7,06 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng chục nghìn người là nạn nhân bom, mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine.

Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.

Trong suốt gần 50 năm qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, đặc biệt là việc ban hành các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho nạn nhân bom, mìn.

Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.

Trong đó, đáng chú ý như: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019; Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Quyết định 1942/QĐ-TTg ngày 18/1/2021 về phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2025.

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho nạn nhân bom, mìn, người khuyết tật trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố. Đó là các địa phương: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định và Vĩnh Long.

Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã xây dựng triển khai phần mềm đăng ký và xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật, nạn nhân bom, mìn tại một số địa phương. Cơ sở dữ liệu từ hệ thống phần mềm đã được ứng dụng trong cấp giấy xác định mức độ khuyết tật, quản lý trường hợp và hỗ trợ khám sức khỏe, phục hồi chức năng, sinh kế và đào tạo dạy nghề cho nạn nhân bom, mìn tại các địa phương. Chỉ tính riêng tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định, hơn 90 nghìn nạn nhân bom, mìn được quản lý trên hệ thống.

Năm 2023, Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia (VNMAC) cũng phối hợp Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom, mìn Việt Nam tổ chức trợ giúp sinh kế cho 113 nạn nhân bom, mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Rà phá bom, mìn luôn là một ưu tiên

Năm 2023, bộ đội Công binh đã xây dựng kế hoạch rà phá 1.500 ha đất đai bị ô nhiễm bom, mìn nặng trên địa bàn 2 huyện Vị Xuyên và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang. Đến nay, chương trình đã triển khai làm sạch được 1.232 ha, đạt 80% kế hoạch, bàn giao cho nhân dân lao động-sản xuất và quy tập được 6 hài cốt liệt sĩ.

Cũng trong năm ngoái, VNMAC phối hợp Tổ chức CRS Việt Nam với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang xây dựng và chuẩn bị công bố ra mắt Thư viện điện tử quốc gia về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh trong thời gian tới.

Năm 2023, bộ đội Công binh đã xây dựng kế hoạch rà phá 1.500 ha đất đai bị ô nhiễm bom, mìn nặng trên địa bàn 2 huyện Vị Xuyên và Quản Bạ (Hà Giang). Đến nay, chương trình đã triển khai làm sạch được 1.232 ha, đạt 80% kế hoạch, bàn giao cho nhân dân lao động-sản xuất và quy tập được 6 hài cốt liệt sĩ.

Thư viện điện tử quốc gia về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh sẽ được tích hợp trên Trang thông tin điện tử VNMAC tại địa chỉ http://thuviendientu.vnmac.gov.vn/. Sau khi ra mắt, đây sẽ là một kho tư liệu, giới thiệu và lưu giữ đầy đủ các thông tin, tư liệu về công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh tại Việt Nam từ trước đến nay.

Đặc biệt, Thư viện điện tử này sẽ cập nhật liên tục những tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân. Đó là các tài liệu bằng video clip, tranh, ảnh, sách, poster… được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau do VNMAC và các tổ chức quốc tế biên soạn phục vụ cho mục đích giáo dục nâng cao nhận thức về hành động bom mìn tại Việt Nam.

Đây được đánh giá là kho tư liệu tuyên truyền mang tính bền vững, lâu dài giúp cho các nhóm hoạt động giáo dục nguy cơ bom, mìn tại các địa phương, các vùng sâu, vùng xa và các nhà trường có thể tiếp cận và sử dụng một cách dễ dàng, hiệu quả mà không tốn chi phí.

Năm 2024, kế hoạch thực hiện khắc phục hậu quả bom, mìn tập trung vào một số nhiệm vụ.

Trong đó, tập trung thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 đề xuất Chương trình giai đoạn 2025-2045 định hướng đến 2050.

Các cơ quan liên quan cũng triển khai kế hoạch xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Dự kiến, sớm hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét thông qua hồ sơ lập đề nghị xây dựng Pháp lệnh 12/2024 và trình Quốc hội thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh 4/2025.

Ước tính, hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Tính đến năm 2023, số diện tích còn ô nhiễm rất lớn, khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với gần 17,7% diện tích của cả nước. Số bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.