Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm bom, mìn cao trên thế giới. Sau chiến tranh, ước tính số bom, mìn còn sót lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Số bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Thống kê đến năm 2023, sau hàng chục năm rà phá bom mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha bị ô nhiễm, và chúng ta cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại mầu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.
Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền trung, như: Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có hơn 22.800 người là nạn nhân do vướng bom, mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom, mìn, bao gồm cả công tác rà phá bom, mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân.
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Chương trình 504).
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 504, ngày 4/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam (gọi tắt là VNMAC). Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, VNMAC đã không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên thực hiện tốt vai trò của cơ quan điều phối quốc gia về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Kết quả, giai đoạn 2006-2022, trên cả nước đã triển khai tổng số 7.553 dự án, nhiệm vụ khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ, giải phóng gần 600 nghìn ha đất, thu gom và tiêu hủy an toàn hàng trăm tấn bom, mìn, vật nổ, làm giảm rõ rệt diện tích đất đai ô nhiễm.
Hằng năm, Ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4) được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và triển khai chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân tại các địa phương, hỗ trợ tặng nhiều suất quà sinh kế cho các nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập cộng đồng và phát triển sinh kế bền vững.
Công tác hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, tái hòa nhập cộng đồng cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, tổ chức hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom, mìn theo quy định, hỗ trợ bảo đảm an toàn đời sống nhân dân, giúp đỡ hàng nghìn nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng và các đối tượng bị ảnh hưởng khác được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình… Đến năm 2022, đã có 100% số đơn vị cấp xã xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom, mìn và nạn nhân chất độc hóa học); có hơn ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, được trợ cấp hằng tháng và được hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, công tác rà phá bom, mìn, giải phóng đất ô nhiễm bom, mìn, vật nổ cũng như hỗ trợ nạn nhân bom, mìn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tại không ít các địa phương, người dân vẫn đang phải sản xuất, sinh sống trên đất đai bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, dẫn đến nhiều vụ tai nạn bom, mìn gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người dân. Theo thống kê, những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 50 người thiệt mạng do tai nạn bom, mìn, vật nổ. Quy trình giải phóng đất ô nhiễm bom, mìn, vật nổ chưa được quy định cụ thể, thống nhất… gây khó khăn trong cơ chế phối hợp chỉ đạo, triển khai hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế, trách nhiệm tạo nguồn lực hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, vật nổ chưa đầy đủ, nhiều địa phương chưa chủ động khai thác đa dạng các nguồn lực trong hỗ trợ nạn nhân, còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương…
Trước thực tế nêu trên, Bộ Quốc phòng đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo pháp lệnh khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào năm 2025. Theo đó, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất, điều phối, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hằng năm, bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình 504 và Quyết định số 748/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương bị ảnh hưởng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật (trong đó có nạn nhân bom, mìn, vật nổ); tăng cường đầu tư, bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh....