Còn khoảng 5,6 triệu ha diện tích cả nước bị ô nhiễm bom mìn

NDO - Đến hết năm 2023, vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, tương đương với 17,71% diện tích cả nước bị ô nhiễm bom mìn. Con số này cho thấy, còn cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm này, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh bom, mìn và vật nổ sau chiến tranh tại Trung tâm trưng bày khắc phục hậu quả bom, mìn tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Ảnh THÀNH ĐẠT
Hình ảnh bom, mìn và vật nổ sau chiến tranh tại Trung tâm trưng bày khắc phục hậu quả bom, mìn tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Ảnh THÀNH ĐẠT

Làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm bom, mìn: Cần nhiều thời gian và nguồn lực lớn

Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính, số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Việt Nam là một trong những quốc gia hiện có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Ước tính, số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước.

Thống kê đến năm 2023 cho thấy, sau hàng chục năm tiến hành rà phá bom mìn, hiện vẫn còn khoảng 5,6 triệu ha, mìn, tương đương với 17,71% diện tích của cả nước còn bị ô nhiễm bom, mìn.

Điều này cho thấy, cần rất nhiều thời gian và nguồn lực lớn để làm sạch hoàn toàn những vùng đất bị ô nhiễm, đem lại mầu xanh cho những vùng đất, cuộc sống an toàn cho nhân dân.

Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, nhằm bảo vệ an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (gọi tắt là Chương trình 504).

Còn khoảng 5,6 triệu ha diện tích cả nước bị ô nhiễm bom mìn ảnh 1

Rà phá bom, mìn để làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm. Ảnh: VNMAC

Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 504, ngày 4/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (viết tắt là VNMAC).

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, VNMAC đã không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên thực hiện tốt vai trò của Cơ quan điều phối quốc gia về hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, góp phần vào thành công chung của Chương trình 504 giai đoạn 2010-2020.

Thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 giao, hằng năm, VNMAC đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, quỹ, ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức nhiều chương trình giao lưu, truyền hình trực tiếp nhân Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 hằng năm.

Song hành với đó là triển khai chuỗi các sự kiện tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân tại các địa phương, hỗ trợ tặng nhiều suất quà sinh kế cho các nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và phát triển sinh kế bền vững.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, VNMAC đã tham mưu Bộ Quốc phòng thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và tổ chức công bố vào tháng 3/2018.

Kết quả của dự án đã cung cấp thông tin về những khu vực hiện còn nghi ngờ bị ô nhiễm bom mìn và các tác động đối với kinh tế-xã hội. Từ đó, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có cơ sở hoạch định chiến lược và định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, VNMAC điều phối một số dự án lớn góp phần cùng với các lực lượng cả nước triển khai trong giai đoạn 2010-2023 khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được hơn 500.000 ha. Trong đó, các dự án thuộc Chương trình 504 đạt 74.000 ha, các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đạt khoảng 300.000 ha và các dự án rà phá bom mìn nhân đạo đạt 111.240 ha.

Tổng giá trị khảo sát, rà phá 12.614 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Theo đó, có một số dự án tiêu biểu về ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước.

Cụ thể như: Nhật Bản tài trợ 2 dự án rà phá bom mìn tại Quảng Trị và Hà Tĩnh đã khảo sát, rà phá được được 3.240 ha, với ngân sách hơn 5,5 triệu USD. Hàn Quốc tài trợ dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” với tổng kinh phí 33 triệu USD, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 20 triệu USD, triển khai tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định dành cho các hoạt động nâng cao năng lực cho VNMAC, xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn với 4 chương trình và 292 sự kiện, hơn 6.000 người khuyết tật/nạn nhân bom mìn nhận được các hình thức hỗ trợ khác nhau như kiểm tra sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế và đặc biệt là đã tổ chức khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn được hơn 16.800 ha.

Nhiều dự án nâng cao năng lực đã được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài của Hoa Kỳ, Na Uy, Anh, Đức, Australia tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Đó là các dự án: “Nâng cao năng lực Quản lý thông tin giai đoạn 2017-2029, 2020-2022, 2023-2025”; khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế”; “Quản lý rủi ro dài hạn trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”...

VNMAC đã phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn từ dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP), giúp thống kê tổng số nạn nhân bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Trong đó, nạn nhận nam là 40.528 và nạn nhân nữ là 4490, nạn nhân nữ là 1.759. Đào tạo được đội ngũ nòng cốt về công tác xã hội cấp cao với nạn nhân bom mìn là 75.585 người, trong đó 40.528 nam và 35.057 nữ.

Năm 2020, VNMAC xây dựng và đưa Trang Thông tin điện tử vào hoạt động phục vụ công tác truyền thông, vận động tài trợ quốc tế. Điều này góp phần tạo tạo bước đột phá trong công tác giáo dục phòng, tránh tai nạn bom mìn, nhất là khi đại dịch Covid-19 diễn ra, đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, trực tiếp phổ biến kiến thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho hơn 3 triệu người dân, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương do bom mìn như trẻ em, nông dân lao động trên ruộng đồng, nương rẫy.

VNMAC đã tham mưu Bộ Quốc phòng thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và tổ chức công bố vào tháng 3/2018.

Xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn

Thời gian tới, VNMAC tiếp tục tham mưu Bộ Quốc phòng trình Chính phủ, Quốc hội việc xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức tổng kết Chương trình 504 và đề xuất Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn mới. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển, nhất là xây dựng các quy trình, quy chuẩn, hợp tác quốc tế trong khảo sát và rà phá bom mìn, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn.

VNMAC cũng đã triển khai thành công dự án “Hành động mìn vì Làng Hòa bình Việt Nam-Hàn Quốc” tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ. Cùng với đó là các dự án khác do chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tài trợ…

Hiện cả nước có hơn 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng chục nghìn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxine. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Tại một số tỉnh miền trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có hơn 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.