Ứng xử với di sản cần tôn trọng luật pháp và lịch sử

Những năm gần đây, ngành văn hóa nước ta "được mùa di sản" khi nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể được công nhận và xếp hạng. Song cùng với niềm vui vinh danh là nỗi lo bảo tồn, nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với di sản. Sự có mặt "bất thình lình" của 12 tấm bia tại khu di tích Đền Trần - Thái Bình cùng câu chuyện di dời bia vi phạm đã tiếp tục bộc lộ nhiều vấn đề liên quan.

Hai bia đá "dựng chui" trong khu di tích Đền Trần - Thái Bình. Ảnh: Vietnamplus
Hai bia đá "dựng chui" trong khu di tích Đền Trần - Thái Bình. Ảnh: Vietnamplus

"Lỗ hổng" trước khi xếp hạng di tích

Trong số 12 tấm bia "dựng chui" trong không gian di tích Đền Trần - Thái Bình, có sáu tấm bia được đưa vào từ ngày 17 đến 19-4-2015, còn sáu tấm bia dựng trước gò mộ các vị vua triều Trần được đưa vào từ trước lễ hội mùa xuân năm 2014. Như vậy, câu chuyện này không chỉ bộc lộ sai lầm của ban quản lý di tích khi tự ý dựng trái phép những bia đá có thiết kế không hợp lý, nội dung chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm biến tướng di tích; mà còn cho thấy phương thức quản lý di tích có phần lỏng lẻo của địa phương khi để các tấm bia dựng chui tồn tại suốt từ năm 2014 đến nay.

Điều đáng nói là, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2408/QĐ-TTg từ ngày 31-12-2014, tức sau khi sáu tấm bia dựng trước gò mộ các vị vua triều Trần xuất hiện một thời gian khá dài, chứng tỏ khâu thanh, kiểm tra khi xét duyệt hồ sơ xếp hạng di tích của các ban, ngành chức năng liên quan cũng còn nhiều "lỗ hổng".

PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: "Trước đây, trong công tác làm hồ sơ để xếp hạng di tích cấp quốc gia, Sở Văn hóa và Ban Quản lý di tích cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra tình hình, thực trạng di tích, sau đó trình Bộ VH, TT, DL xét duyệt. Nhưng sau vụ việc ở khu di tích Đền Trần -Thái Bình, có lẽ cần đổi mới quy trình thẩm định. Bộ VH, TT, DL cần trực tiếp thành lập đoàn kiểm tra thực địa cấp bộ để cập nhật, đánh giá tình hình thực tế trước khi ban hành quyết định xếp hạng".

Ông Bài khẳng định: Xưa nay, việc vinh danh di sản là để tạo cơ sở pháp lý cũng như cơ sở khoa học giúp di sản được nhận diện và bảo vệ tốt hơn. Nhưng Ban quản lý di tích Đền Trần - Thái Bình đã đi ngược quy trình, tức sau khi di tích được xếp hạng còn cố tình đưa vào những hiện vật không phù hợp, làm sai lệch, biến dạng giá trị di tích.

Có hay không việc ngụy tạo di tích?

Cũng từ việc dựng bia đá trái phép tại khu di tích Đền Trần - Thái Bình, dư luận còn bức xúc hơn khi biết sáu tấm bia xuất hiện từ trước lễ hội mùa xuân năm 2014 đã tự ý định danh ba ngôi mộ của các vị vua triều Trần mà không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào. Theo đó, ba nấm phần vốn chỉ được ngành văn hóa gọi tên là phần Trung, phần Bụt, phần Đa đã biến thành mộ của các vua Trần Thái Tông (1217-1277), Trần Thánh Tông (1240-1290) và Trần Nhân Tông (1258-1308).

Theo thông tin từ Viện Khảo cổ học Việt Nam, tại khu di tích Đền Trần, Viện đã khai quật ba lần theo những mức độ khác nhau, lần đầu năm 1979, hai lần tiếp theo vào năm 1980, nhưng cả ba lần đều không tìm được minh chứng xác đáng để khẳng định các gò mộ tại đây là nơi yên nghỉ của vị vua nào. Không hiểu Ban quản lý di tích Đền Trần - Thái Bình căn cứ vào đâu để gọi tên các phần mộ vô danh.

Nhìn nhận sự việc này, GS, TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: Đây không chỉ là hành vi vi phạm Luật Di sản khi tự ý đưa hiện vật bên ngoài vào khu di tích cấp quốc gia đặc biệt mà còn phi khoa học, xúc phạm tổ tiên, xúc phạm lịch sử. Không thể có chuyện các đơn vị quản lý có liên quan không hay biết việc đưa bia vào di tích. Nếu nói là không biết hoặc đã biết mà vẫn để nguyên, không xử lý trong khoảng thời gian dài như thế thì đã có dấu hiệu của sự thông đồng, bao che. Đối với một di sản đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, mọi sự thay đổi, đụng chạm đều phải được sự đồng ý của cơ quan cấp bộ. Ngay cả ngành văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện cũng không thể quyết định.

Đặt giả thiết, nếu những tấm bia định danh này không bị phát hiện là "rởm" và buộc phải di dời thì đương nhiên, công chúng sẽ hiểu đó là mộ phần của những vị vua triều Trần, tức việc định danh giả này cũng ít nhiều làm gia tăng giá trị lịch sử, giá trị tâm linh của di tích. Bởi thế, câu hỏi đặt ra là, phải chăng đang xuất hiện tình trạng cố tình ngụy tạo lịch sử trong tôn tạo, bảo tồn di tích vì những mục đích khác nhau?

Liên quan việc xử lý sai phạm tại khu di tích Đền Trần - Thái Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình Bùi Công Phượng cho biết: Từ năm 2007, theo quy định của UBND tỉnh, di tích được phân cấp quản lý về các huyện. Do đó, việc xem xét kỷ luật người sai phạm tại di tích đền Trần thuộc trách nhiệm của UBND huyện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, liệu một đơn vị quản lý cấp huyện có đủ năng lực để ra quyết định xử lý xác đáng, nhất là với một di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt? Đây cũng là vấn đề đáng được quan tâm.

Công đức cũng cần hiểu biết pháp luật

Theo thông tin từ Ban quản lý di tích Đền Trần - Thái Bình, sáu tấm bia dựng vào tháng 4-2015 là hiện vật từ nguồn tiền công đức của Hội đồng hương Thái Bình sống tại Cộng hòa Séc. Khi về thăm quê, bà con Việt kiều đã quyên góp với mục đích di tích có thêm phần giới thiệu, diễn giải sơ lược để khách tham quan trong, ngoài nước dễ nắm bắt thông tin về vùng đất này. Tấm lòng của các kiều bào đối với di sản và quê hương là rất đáng trân trọng, song cách làm việc thiếu nghiêm túc, kém chuyên nghiệp của những người quản lý di sản đã khiến nguồn công đức bị sử dụng lãng phí.

Từ câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề bức thiết, làm thế nào để tiếp nhận và quản lý nguồn công đức bằng tiền và hiện vật tại các di sản, di tích một cách có hiệu quả. Thời gian qua, không hiếm trường hợp cá nhân, tổ chức hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì vụ lợi đã cung tiến những vật phẩm không phù hợp vào các đền chùa, di tích. Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương cũng vì, hoặc thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc nể nang hay vì mục đích riêng mà tiếp nhận, dẫn đến làm sai lệch, biến tướng di tích.

Trong xu hướng xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, việc công đức, cung tiến là hoạt động cần được khích lệ. Song đúng như GS, TS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh: Công đức cũng cần sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật. Luật Di sản đã quy định rất rõ về cách ứng xử đúng đắn với di tích, di sản nhưng vẫn có hành vi vi phạm luật, chung quy vì hai nguyên nhân: thứ nhất, do công tác giáo dục về di sản chưa được coi trọng; thứ hai, việc phổ biến pháp luật cho những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản và cho người dân chưa được thường xuyên, chỉ rộ lên ở một thời điểm nhất định rồi sau đó lại chìm xuống. Vì thế, công tác giáo dục và phổ biến Luật Di sản phải được đặc biệt coi trọng.

Đầu tháng 5, Bộ VH, TT, DL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình, đề nghị chỉ đạo Sở VH, TT, DL Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà, Ban quản lý di tích Đền Trần - Thái Bình tháo dỡ, di dời các tấm bia ra khỏi khuôn viên di tích trước ngày 15-5. Song đến chiều 14-5, mới chỉ có sáu tấm bia khởi dựng vào tháng 4-2015 được di dời.

Ngày 21-5, Bộ Văn hóa tiếp tục ra Công văn số 1992/BVHTTDLTtr gửi UBND tỉnh Thái Bình, đề nghị chỉ đạo di dời sáu tấm bia còn lại trước ngày 31-5. Tuy nhiên, đến chiều 30-5, sáu tấm bia nêu trên vẫn chưa được tháo dỡ, di dời. Đến thời điểm này, Giám đốc Sở VH, TT, DL tỉnh Thái Bình Bùi Công Phượng cho biết, Sở vẫn đang hỗ trợ các bên liên quan làm hồ sơ trình lên Bộ, lập hội đồng thẩm định lại các bia. Để khắc phục tình trạng "dựng chui" hiện vật trong các di tích, Sở đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở phòng văn hóa các huyện và ban quản lý ở một số di tích trọng điểm trong tỉnh; muốn đưa hiện vật vào hay tu bổ, tôn tạo di tích phải lập hồ sơ, đề án với nội dung rõ ràng, cụ thể trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt.