Cùng suy ngẫm

Ủng hộ và đóng góp Quỹ người nghèo: Sự sẻ chia và trách nhiệm

Quỹ Vì người nghèo là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả, nhân văn, nhân ái của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến từng địa phương, trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân ở trong và ngoài nước, của các tập thể, đơn vị, tổ chức hảo tâm khi muốn chia sẻ, đồng hành người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Quỹ còn là nơi thể hiện tinh thần trách nhiệm sâu sắc đối với cộng đồng, với đất nước của từng người dân Việt Nam, của các tổ chức, doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh hoạ- Angiangg.gov.vn)
(Ảnh minh hoạ- Angiangg.gov.vn)

Trong hơn 2 năm đã qua, cả nước bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, hỏa hoạn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ðảng, Chính phủ, cả hệ thống Mặt trận đã tích cực tham mưu, vận động các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, ủng hộ giúp đỡ người nghèo, cộng đồng nghèo qua Quỹ Vì người nghèo; trực tiếp hỗ trợ làm nhà, khám, chữa bệnh, hỗ trợ sinh kế, làm đường, trường học và các công trình dân sinh.

Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ năm 2020 đến hết tháng 6/2022, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) đã tích cực vận động cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và thực hiện an sinh xã hội được hơn 19.313 tỷ đồng. Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà Ðại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám, chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên; hỗ trợ 663.771 lượt người phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.

Kết quả nêu trên cho thấy, càng trong hoàn cảnh khó khăn, càng nhiều thách thức thì tinh thần yêu nước và tấm lòng yêu thương, trách nhiệm, đùm bọc nhau của dân tộc Việt Nam càng nhân lên mạnh mẽ, lan tỏa sâu sắc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, hậu đại dịch đang tiếp tục đặt ra đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo những thách thức và khó khăn không nhỏ. Do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho nên các doanh nghiệp, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai hỗ trợ người nghèo; chương trình an sinh xã hội chưa đồng đều trên phạm vi toàn quốc; công tác vận động khó khăn do toàn xã hội phải tập trung phòng, chống dịch. Các đơn vị đăng ký ủng hộ an sinh xã hội chậm triển khai thực hiện ở địa phương. Ðáng chú ý, theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của nước ta hiện còn rất cao: Hộ nghèo là 5,2% (1.330.148 hộ), hộ cận nghèo 4,15% (1.063.184 hộ).

Cùng với đó, số hộ gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở còn cao, do đó cần phải huy động nguồn lực lớn, triển khai trong thời gian nhiều năm... đã và đặt ra nhiều yêu cầu và quyết tâm cao đối với công tác vận động hỗ trợ.

Thực trạng khó khăn sẽ đặt ra những nhiệm vụ nặng nề và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong quá trình chia sẻ, đồng hành với người nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần mở rộng nhiều hình thức, phương thức hoạt động nhằm tiếp tục huy động nguồn lực của toàn xã hội; chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan cùng cấp phát động, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nghèo, trọng tâm là vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo; làm cầu nối để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Bên cạnh đó, để động viên nguồn lực trong cộng đồng dân cư, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín; nhất là động viên người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng.