Ứng dụng nhiều giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm

NDO - Ngày 24/7, tại Quảng Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở một số tỉnh vùng duyên hải miền trung.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh thăm mô hình nuôi tôm ở Quảng Bình.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh thăm mô hình nuôi tôm ở Quảng Bình.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng cho biết, ngành tôm Việt Nam thời gian qua đã năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành ngành hàng mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong nền nông nghiệp và kinh tế-xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; năm 2023 nước ta đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD.

Theo đại diện Cục Thủy sản, ngành công nghiệp nuôi tôm nước lợ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Tôm nuôi của Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc... Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 đến 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm Việt Nam đóng góp khoảng 40 đến 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Riêng giai đoạn 2010-2022 diện tích nuôi tôm nước lợ tăng gấp 1,2 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,2%/năm, sản lượng tăng 1,7 lần, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm. Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu tập trung vào tôm chân trắng, tăng từ 119.700 tấn năm 2010 lên 735.000 tấn năm 2022.

Diện tích thả nuôi tôm nước lợ 6 tháng năm 2023 khoảng 656 nghìn ha, sản lượng khoảng 467 nghìn tấn. Đến cuối tháng 6, xuất khẩu tôm nước lợ ước đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Để phát triển bền vững ngành tôm, tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng các địa phương thời gian tới cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào để giảm giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác; duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích thước tôm thu hoạch, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

Đồng thời, chủ động nắm bắt diễn biến giá tôm nguyên liệu, nhu cầu của thị trường tiêu thụ để thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp sản xuất phù hợp; tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm...