Sóc Trăng chú trọng thúc đẩy ngành tôm

Sóc Trăng hiện là tỉnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm thuộc tốp đầu của nước ta. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hơn 1,4 tỷ USD; trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là mặt hàng tôm, liên tiếp hai năm vượt mốc 1 tỷ USD…
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch tôm nước lợ tại Công ty Fimex (Sóc Trăng).
Thu hoạch tôm nước lợ tại Công ty Fimex (Sóc Trăng).

Năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Sóc Trăng hơn 75.000ha; trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 54.000ha, đạt tổng sản lượng hơn 201.000 tấn. Năm qua, tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại ở tỉnh khống chế ở mức 5,3%.

Theo kế hoạch năm 2023, Sóc Trăng tiếp tục phát triển 74.000ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, nuôi tôm nước lợ 51.000ha, dự kiến sản lượng tôm nuôi nước lợ khoảng 206.700 tấn. Hiện tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào thực tế nuôi tôm để bảo đảm cho ngành này phát triển bền vững.

Ngoài ra, các hợp tác xã, hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đã dần chuyển đổi hình thức nuôi tôm truyền thống bằng ao đất sang nuôi tôm trong ao lót bạt; nuôi tôm hai, ba hay nhiều giai đoạn kết hợp lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động. Đây là mô hình đã chứng tỏ sự thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, tôm nuôi đạt kích cỡ lớn; năng suất, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại huyện Trần Đề, một trong những địa phương nuôi tôm trọng điểm của Sóc Trăng, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đã triển khai các khu nuôi tôm quy mô hơn 100ha ứng dụng công nghệ cao. Các nông hộ nuôi tôm tại Trần Đề cũng đã dần chuyển đổi nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, năng suất tôm nuôi luôn đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng mỗi năm…

Trong thực tế, có nhiều nông dân với kinh nghiệm phong phú đã tự nguyện tham gia các hoạt động tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để nghề nuôi tôm của Sóc Trăng ngày càng hiệu quả, bền vững. Ông Tăng Văn Xúa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu là một trong những nông dân như vậy. Mới đây, ông Xúa là một trong 10 nông dân tiêu biểu toàn quốc vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022.

Với 6ha đất, ông Xúa đầu tư nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Sau khoảng ba tháng tính từ lúc thả con giống, các ao nuôi tôm đã có thể thu hoạch. Trừ chi phí đầu tư ban đầu khoảng 300 triệu đồng mỗi ao và chi phí vật tư, máy móc, thức ăn, con giống, một năm ông thả nuôi đều đặn ba vụ, mỗi vụ có thể thu lợi đến một tỷ đồng…

Thời gian qua, Sóc Trăng đã đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm biển tập trung, ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng, nhất là hệ thống kênh cấp, thoát nước đối với các vùng nuôi tôm công nghệ cao. Cùng với đó, đầu tư hệ thống điện ba pha và phát triển giao thông tạo thuận lợi cho vùng sản xuất. Tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Sóc Trăng cũng chú trọng thúc đẩy liên kết giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - các tổ chức tín dụng - nhà mạng - nhà bán lẻ, nhà phân phối trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ.

Hiện, toàn tỉnh có 30 hợp tác xã nuôi tôm với tổng diện tích canh tác hơn 1.997ha gồm 756 thành viên;187 tổ hợp tác thủy sản với 3.158 thành viên; 30 hợp tác xã thủy sản gồm 756 thành viên với tổng diện tích 1.998 ha và một liên hiệp hợp tác xã. Nhờ vậy, khâu liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu với các hộ nuôi, hợp tác xã được thực hiện xuyên suốt. Từ đó, tạo vùng nguyên liệu ổn định, an toàn cung ứng cho 16 nhà máy và 160 cơ sở với công suất chế biến 186.604 tấn mỗi năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ, tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các cơ quan nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ phát triển ngành tôm; hỗ trợ thúc đẩy các nhà sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng vật tư phục vụ nuôi tôm; đào tạo cán bộ trong lĩnh vực tiếp thu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm; nâng cao năng lực tiếp nhận và ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến của người nuôi tôm…

Sóc Trăng đang xây dựng đề án phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đề án, đến năm 2025, Sóc Trăng có 57.000ha nuôi tôm, sản lượng tôm nuôi khoảng 233.800 tấn. Đến năm 2030, duy trì diện tích nuôi tôm là 57.000ha, sản lượng 311.428 tấn. Đề án tập trung triển khai hàng loạt các chính sách liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng nuôi; xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm theo chuẩn quốc tế; đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển chuỗi ngành hàng.

Cũng theo đồng chí Nhã, đây là đề án rất quan trọng của tỉnh, sẽ giải quyết được những khó khăn, thách thức đối với nuôi trồng, chế biến thủy sản của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án sẽ mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, điều kiện sống cho hàng nghìn lao động địa phương. Cùng với đó, tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…