Thành công này đã mang lại hy vọng và động viên tinh thần cho hàng nghìn công nhân mắc bệnh phổi nói riêng cũng như hàng chục ngàn công nhân ngành than nói chung. Công trình này mới đây đã được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao giải thưởng "Nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất năm 2006".
Hàng triệu tấn than ra lò đã để lại hậu quả căn bệnh nghề nghiệp nguy hiểm đối với những người thợ mỏ, đó là bệnh nhiễm bụi phổi silic. Bụi phổi silic là bệnh nghề nghiệp lâu đời nhất, giết chết hàng ngàn người trên thế giới mỗi năm. Ở Việt Nam, con số tích lũy các ca chẩn đoán đến nay là khoảng 9.000. Khoảng 18% công nhân mỏ than lộ thiên hầm khai thác đá, lò đúc và luyện kim đã phát hiện bị nhiễm bụi phổi silic.
Ngay sau khi ra đời, công nghệ này đã được đón nhận và triển khai điều trị cho hàng loạt công nhân mắc bệnh bụi phổi của gần 20 mỏ than trong đó phần lớn là Quảng Ninh (Cao Sơn, Cọc Sáu, Dương Huy, Đèo Nai, Đông Bắc, Hà Lầm, Hà Tu, Mông Dương...) và một số mỏ, xí nghiệp than ở Đà Nẵng, Thái Nguyên, Lạng Son...
Bác sĩ Vũ Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế lao động Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cho biết: Đến nay, trung tâm đã thực hiện súc rửa phổi cho 580 bệnh nhân mà không hề xảy ra tai biến nào. Từng lá phổi được cô lập và súc rửa.
Sau khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ đặt một ống nội khí quản và cô lập từng phổi để súc rửa. Dùng một lọ nước nối với dây hình chữ I, cho nước muối sinh lý qua dây vào phổi rửa rồi lấy ra. Nếu lượng nước không ra hết một lần, sẽ được can thiệp bằng bóp bóng. Trung bình mỗi lần rửa dùng từ 6-12 lít nước, tùy vào lượng bụi có trong phổi, người bệnh sẽ phục hồi 80-90% sức khỏe.
Quy trình rửa phổi không cần nhiều máy móc, thiết bị nhưng cần nhiều người túc trực theo dõi, mỗi ca súc rửa có 6 y bác sĩ luôn túc trực bên cạnh một bệnh nhân.
Ngành than có gần 2.000 công nhân bị mắc bụi phổi, trong đó có nhiều người được giám định cách đây trên 10 năm chưa được giám định lại. Công nhân mắc bệnh bụi phổi chủ yếu là những người có tay nghề cao, đảm nhận các công việc chính như thợ lò, khoan. Bệnh bụi phổi silic, hay còn gọi bệnh sơ hoá phổi tiến triển không hồi phục, là một trong những bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất trong ngành than. Bệnh này do các tinh thể silic tự do, có kích thước rất nhỏ xâm nhập sâu vào phía trong cơ thể, lắng đọng và tích tụ gây ra xơ hóa phổi. Các tinh thể silic không thể thải hồi ra khỏi cơ thể. Bệnh tiến triển liên tục kể cả khi người công nhân ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, và nguy cơ dẫn đến tình trạng suy hô hấp và gây tử vong rất cao. Lượng silic hít vào càng nhiều thì thời kỳ ủ bệnh càng ngắn và bệnh tiến triển càng nhanh.
Đối tượng nguy cơ cao là những người công nhân làm việc tiếp xúc trong môi trường có hàm lượng bụi silic tự do cao như: khai thác chế biến đá xây dựng như: khai thác đá quặng có chứa silic, tán nghiền sàng mài đá, đúc khuôn mẫu, làm sạch, làm nhẵn bằng cát, chế biến chất carborundum, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ gốm, gạch chịu lửa, những công trình liên quan đến khai thác mỏ than...
Ông Lê Xuân Quang, Trưởng phòng kỹ thuật khai thác Công ty CP than Cao Sơn cho biết: Công ty hiện có khoảng 2.500 công nhân làm việc thường xuyên trên khai trường. Mỗi năm, công ty có từ 40-50 công nhân mắc bệnh bụi phổi silic được phát hiện phải đi điều trị theo tỷ lệ khám bệnh định kỳ. Đối với những công nhân hoạt động nghề nghiệp đặc biệt như khoan nổ mìn, điện... thì mức độ cao hơn. Hàng năm, có khoảng 20 công nhân của công ty phải đi rửa phổi. Mặc dù tỷ lệ nhiễm bụi, mắc bệnh còn cao hơn nhưng số người phải đi rửa phổi không nhiều. Hầu hết các công nhân khi đi điều trị rửa phổi về sức khỏe đều có chuyển biến rõ rệt so với trước.
Rửa bụi phổi là phương pháp hỗ trợ điều trị làm thông thoáng đường hô hấp cho bệnh nhân. Tức là lấy bớt lượng bụi đã lắng đọng trong phổi của bệnh nhân, giảm tiến triển của bệnh. Bác sĩ Hòa khẳng định, đối với những trường hợp phát hiện sớm thì sẽ hoàn toàn được rửa hết. Về khía cạnh điều trị theo cơ chế bệnh sinh, việc loại bỏ các hạt bụi silic ra khỏi phổi là rất quan trọng, nhất là khi chức năng tự làm sạch của phổi bị suy giảm. Phương pháp súc rửa toàn phổi là phương pháp duy nhất để có thể loại bỏ hạt bụi silic ra khỏi tổ chức nhu mô phổi.
Hiện nay, súc rửa toàn phổi là phương pháp mới, an toàn, cho phép loại bỏ các hạt bụi than, bụi silic lắng đọng trong phổi, góp phần loại bỏ căn nguyên gây bệnh, hạn chế sự tiến triển của bệnh, phục hồi chức năng phổi, cải thiện thể lực, giảm thiểu các triệu chứng cơ năng hô hấp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân nhiễm bụi phổi silic nói chung và hàng nghìn bệnh nhân ngành than nói riêng.
Gần 2.000 công nhân ngành than bị bệnh bụi phổi và còn có nhiều người mắc bệnh này ở các ngành nghề khác đang chờ được chữa trị bằng công nghệ mới. Theo BS Hòa, trong thời gian tới trung tâm sẽ mở rộng quy mô, đối tượng phục vụ để chữa trị, phòng ngừa bệnh cho công nhân.