Bước qua cổng Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, chị Nguyễn Minh Chi (ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm) không vào chờ đợi ở khu vực đăng ký khám như trước, mà dừng chân ở ngay khu vực đăng ký khám bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt.
Tại đây, bệnh viện đã bố trí một dãy các máy tự động để người dân có thể tự đăng ký. Trên màn hình sẽ hiển thị các lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu của người dân như khám bệnh theo bảo hiểm y tế đúng tuyến, khám bảo hiểm y tế trái tuyến, đăng ký khám dịch vụ và đăng ký khám thu phí.
“Tôi thấy hình thức này vừa đơn giản, nhanh chóng lại thuận tiện, giúp những người đến khám không phải chờ đợi lâu, không phải hỏi han nhân viên bệnh viện” - chị Chi nhận xét.
Để giúp người dân đến khám có thể tiện theo dõi sức khỏe, nhất là với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính, Bệnh viện Xanh Pôn đã xây dựng ứng dụng “Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn”. Trên ứng dụng này, mọi thông tin từ kết quả thăm khám, xét nghiệm, điều trị, đơn giá thuốc, vật tư… sử dụng trong thời gian điều trị đều được thông báo một cách chi tiết, rõ ràng.
Ngoài ra, ứng dụng còn có nhiều tiện ích khác phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin bệnh, đội ngũ y, bác sĩ, đồng thời, cung cấp các thông tin về chính sách, chủ trương khám, chữa bệnh của ngành y.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những năm gần đây, bệnh án điện tử đã thay thế cho bệnh án giấy. Đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng tại các khoa, phòng; bệnh nhân được quản lý bằng mã số; thông tin về các lần khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học.
Nhờ việc ứng dụng bệnh án điện tử, mọi dữ liệu dễ dàng được liên thông, nhất là giúp cho bác sĩ hội chẩn mọi nơi, mọi lúc; đồng thời, tiết kiệm diện tích, không gian cho việc lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy so với trước kia. Với người bệnh, bệnh án điện tử cũng giúp họ không phải lưu trữ nhiều loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Sở Y tế đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bệnh viện…
Đến nay, tất cả bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 90,2% số bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 65,9% số bệnh viện trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS)… 38 bệnh viện trên địa bàn cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ khám, chữa bệnh.
Bệnh nhân có thể thanh toán bằng nhiều phương thức điện tử như thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và công khai minh bạch chi phí khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành y tế Thủ đô cũng đối mặt với một số khó khăn. Đó là việc phát triển không đồng bộ, dữ liệu còn phân tán, chưa tập trung, không chia sẻ, kết nối được với các cơ sở khám, chữa bệnh.
Việc triển khai bệnh án điện tử, khám bệnh từ xa còn chậm, mới đạt tỷ lệ 12%. Cụ thể, Hà Nội có 42 bệnh viện công lập, nhưng hiện chỉ có năm bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, năm bệnh viện triển khai khám bệnh từ xa…
Tiến sĩ Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vân Đình cho biết, để triển khai được bệnh án điện tử đòi hỏi quá trình chuẩn bị thật kỹ lưỡng và bảo đảm nguồn tài chính đáp ứng đầy đủ từ việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, mua sắm phần mềm và trang thiết bị, đào tạo nhân viên…
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định, y tế thông minh được xem là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện sức khỏe cộng đồng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành y tế. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành y.
Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nền tảng dữ liệu tập trung tiến tới kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở như kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, telehealth, tele-ICU… Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện sức khỏe cộng đồng và xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và bền vững.